Buổi chiều định mệnh
Trời chiều tháng 5, gió thổi nhẹ kèm theo những giọt mưa lất phất rơi. Trên nhánh sông Sài Gòn chia cắt 2 xã Nhị Bình (Hóc Môn, TP HCM) và Bình Nhâm (Thuận An, Bình Dương) một con tàu du lịch dạng nhà hàng nổi với hơn 20 hành khách chuẩn bị khởi hành. Họ là những người thân trong gia đình tổ chức tiệc sinh nhật cho đứa con yêu và cũng là đứa cháu tròn 3 tuổi. Những thực khách không thể ngờ được rằng, đây là chuyến tàu định mệnh sẽ vĩnh viễn ra đi không có ngày trở lại cập bến. Tàu rời bến, tiếng nhạc trên tàu mãi du dương kèm theo mưa giông lớn. Những nạn nhân xấu số của con tàu bắt đầu cho bữa tiệc thịnh soạn. Bên ngoài, mưa càng nặng hạt kèm theo những cơn gió giật. Mặt nước sông ngày nào vẫn êm ả lững lờ trôi nay đến hồi giở chứng. Sóng đánh mạnh vào bờ liên hồi.
Như linh cảm có chuyện chẳng lành, người tài công điều khiển con tàu trở lại vào bờ. Đột ngột quay đầu, chiếc tàu nghiêng hẳn sang một bên và có dấu hiệu bắt đầu chìm. Ông Phạm Minh Hiếu, nhà sát mé sông và chỉ cách con tàu vài chục mét thấy được sự bất thường từ du thuyền Dìn Ký. Chiếc tàu từ từ chìm xuống dòng sông. Trời mưa như trút nước. Trên tàu có 6 người lóp ngóp được cứu vào bờ. Một nạn nhân may mắn thoát chết đến gần bờ rồi lại đòi bơi ra đến vị trí con tàu chìm. Những người có mặt trên con xuồng nhỏ bé phải ghì thật chặt lấy người đàn ông đòi lao mình xuống dòng nước dữ. Vất vả lắm, mọi người mới đưa được ông vào bờ để trấn an. Mươi phút sau, tàu chìm hẳn và mất hút giữa dòng nước. Tiếng sấm chớp chát chúa nổ lên xé toang màn đêm u tối, người đàn ông này mới chịu trở lại bờ trong nỗi thất thần. Thông tin du thuyền Dìn Ký chìm nhanh chóng được loan báo. Những cơn mưa đầu mùa dần tạnh. Người thân của nạn nhân túc trực bên ngoài Khu du lịch trông ngóng thân nhân. Hàng trăm chiến sĩ được huy động đến vị trí tàu chìm thực hiện công tác trục vớt. Đoạn nhánh sông Sài Gòn như được hun nóng hơn bao giờ hết.
Đại tang của một gia đình bên dòng sông Sài Gòn
Trời tạnh hẳn, người dân nhận được hung tin kéo đến mỗi lúc một đông. Xen lẫn trong dòng người đổ về Khu du lịch Dìn Ký có cả bà con họ hàng của những nạn nhân xấu số trên chuyến tàu định mệnh. Đội thợ lặn chuyên nghiệp của Phòng cứu hộ cứu nạn TP. HCM cũng được điều đến để hỗ trợ công tác tìm kiếm những nạn nhân mất tích. Những chiếc ca nô lướt sóng trên mặt sông khẩn trương hơn bao giờ hết. Từng giờ trôi qua, người thân của những nạn nhân bị nạn đã cảm nhận được sự tuyệt vọng. Họ không còn hy vọng những nạn nhân mất tích được cứu sống. Những đôi mắt bắt đầu đỏ hoe thương tiếc cho những nạn nhân nằm lại dưới lòng sông. Trong số người may mắn thoát khỏi bàn tay thủy thần lại là người chịu nỗi đau tinh thần nặng nề nhất. Ông Quách Lương Tài, giám đốc công ty TNHH Lan Anh khi phát hiện tàu chìm đã kịp nhảy xuống sông. Bơi được vài sải tay, ông Tài chợt phát hiện còn vợ và con ở trên tàu. Ông quay trở lại vị trí tàu chìm. Nước lớn, tàu chìm nhanh rồi dần mất hút trong màn đêm. Mọi người đưa ông vào bờ trong niềm uất nghẹn. Suốt đêm diễn ra việc dò tìm xác tàu, ông Tài ngồi trên bờ sông, đôi mắt đăm chiêu nhìn về phía dòng sông đầy nặng nhọc. Ký ức về người vợ, những đứa con thân yêu cứ từng chập gợi lại.
Chị Trần Thị Tương xa quê hơn 10 năm về trước. Vào Nam, chị làm công nhân tại các Khu công nghiệp. Trong một lần tình cờ, chị Tương gặp ông Tài. Sau nhiều lần qua lại tìm hiểu, cả 2 yêu nhau rồi cưới nhau. Ông Tài cưới chị Tương đã hơn 5 năm. Từ ngày thành lập công ty, người vợ luôn lo lắng, phụ giúp ông điều hành công việc trôi chảy. Ở quê, sẵn có những người anh đang cần việc, chị Tương kêu gọi các anh vào phụ giúp công ty của chồng. Không lâu sau đó, công việc kinh doanh sản xuất nồi cơm điện ngày càng thuận lợi, ông Tài càng tin yêu chị Tương hơn. Mỗi lần gia đình có tiệc tùng, ông Tài đều chọn nhà hàng nổi Dìn Ký để tổ chức. Đây là lần tổ chức buổi tiệc sinh nhật cho con mà khách mời là đông đủ bà con, bạn bè thân quen. Ông Tài muốn tổ chức sinh nhật cho đứa con trai út thật tươm tất. Vậy mà lần này đại họa lại ập xuống gia đình ông. Cái khoảnh khắc trước khi xảy ra tai nạn chợt ùa về. Ông Tài cùng những người bạn và nhân viên nam trong công ty ngồi dồn lại một góc bàn tiệc. Những cơn gió lùa, mưa tạt vào phía trong con tàu làm con ông khóc thét lên. Rời khỏi bàn nhậu, ông Tài chạy về phía con để dỗ dành. Chưa kịp đến nơi thì du thuyền đột ngột nghiêng hẳn sang một bên. Đứa con trai bé bỏng cố bám víu lấy mẹ nó…
Trong những phút giây ngồi trên bờ, đôi mắt người chồng, người cha như không hề chớp. Ông dõi về vị trí tàu chìm như nuôi lấy hy vọng người vợ và 2 con vẫn còn sống. Không chỉ người đầu ấp tay gối còn nằm lại, tình máu mủ ruột rà của ông Tài vẫn còn nằm đó. Nỗi đau chồng chất nỗi đau. Sự mất mát quá lớn đang bao trùm lấy đại gia đình có đến 9 người thân mất tích trên chiếc du thuyền. Bước sang ngày mới, những nạn nhân mất tích vẫn bặt vô âm tín dưới lòng sông. Người đàn ông ít khi biết khóc nhưng hoàn cảnh của gia đình ông ai cũng hiểu đã vượt quá sự chịu đựng của một con người. Ông đã ngã quỵ khi trời dần về sáng. Người thân phải dìu ông từng bước khó nhọc trở về nhà tĩnh dưỡng. Phía bên ngoài, hàng ngàn người dân vẫn đứng trước cổng Khu du lịch Dìn Ký để theo dõi đội thợ lặn xác định vị trí và trục vớt con tàu. Về được chốc lát, ông Tài lại chạy ra hiện trường để trông ngóng vợ con cùng người thân.
Ngày đại tang trên dòng sông
Mặt trời dần lên cao, ánh nắng xuyên qua những tán mây chưa tan của cơn mưa đêm hôm trước. Anh Đào Xuân Hào (38 tuổi, ngụ tại Đồng Nai) vẫn còn dõi mắt trông ra từng khúc sông. Sự ra đi tức tưởi như đánh thức thủy thần. Ánh nắng lóe ra khỏi đám mây như chiếc áo phao bỗng nhiên nổi lên mặt nước. Niềm hy vọng tìm được thi thể những nạn nhân của vụ chìm tàu như được thắp sáng trở lại. Anh Hào đặt niềm tin, rất có thể, vị trí chiếc áo phao nổir lên cũng là nơi tàu chìm. Thế là anh la toáng lên, hàng chục cặp mắt có mặt tại Khu du lịch Dìn Ký dõi theo. Không để mất niềm tin của người bị nạn, lực lượng cứu hộ cứu nạn điều ngay phương tiện đến địa điểm áo phao nổi. Toán thợ lặn nhanh chóng lặn ngụp dưới dòng nước lạnh lẽo. Vị trí tàu chìm được xác định. Những tiếng khóc, tiếng nấc của người thân các nạn nhân trong vụ chìm tàu cất lên ai oán. Khúc sông Sài Gòn lại dậy sóng.
Hàng ngàn người dân đổ ra 2 bên nhánh sông, nơi vị trí tàu bị nạn để chờ đợi tin tức của vụ tàu chìm. Có những nhà đi cả gia đình ra ngồi mé sông. Buổi trưa, họ mang cơm ra tận nơi để vừa ăn vừa quan sát lực lượng cứu hộ cứu nạn làm việc. Người dân nhanh chóng chui vào tránh cái nắng nóng như lửa đốt. Cả 2 xã giáp ranh ven nhánh sông Sài Gòn như u uất não nề. Trái với đêm hôm trước, dòng sông hung bạo bao nhiêu nay trở nên hiền hòa bấy nhiêu. Các cơ quan ban ngành chức năng, lực lượng cứu hộ cứu nạn nhanh chóng có mặt tại hiện trường để đưa ra các phương án vớt thi thể nạn nhân. Chưa khi nào, không khí tang tóc lại bao trùm lấy vùng quê hiền hòa yên tĩnh. Trong khuôn viên nhà hàng Dìn Ký, chỉ có những đôi mắt đong đầy nước khóc thương và nhớ về nạn nhân nằm lại dưới lòng sông. Họ chỉ mong muốn tìm được thi thể của người thân nhanh nhất để sưởi ấm những oan hồn nơi chín suối.
Buổi trưa hè oi bức. Ánh nắng chói chang rọi xuống mặt nước sáng lóa một đoạn sông. Hòa thượng và các tăng ni cũng có mặt tại hiện trường để lập bàn thờ cầu siêu cho những nạn nhân xấu số. Mặt bàn thờ quay ra lòng sông và hướng về vị trí tàu chìm. Những tiếng khóc quặn lòng khi nhắc đến tên người thân hòa lần trong tiếng kinh cầu bi thương. Chia sẻ cùng nỗi mất mát to lớn trong đại gia đình, người dân 2 bên bờ sông đội nắng cùng cầu mong việc vớt thi thể sớm được hoàn tất. Đầu giờ chiều, những toán thợ lặn bắt đầu cho công việc đưa thi thể của từng người vào bờ. Gần trăm người đứng sát vào cửa nhà hàng ven mé sông. Những người thợ lặn chuyện nghiệp mất hút trên mặt sông và nhanh chóng đưa lên những thi thể đầu tiên, 2 nạn nhân đầu tiên là chị Trần Thị Tương (31 tuổi, vợ ông Tài) vẫn đang trong tư thế ôm chặt lấy đứa con trai bé bỏng là cháu Quách Hồng Đạt (3 tuổi). Có lẽ, trong cơn hoảng sợ, đứa con trai bám lấy người mẹ để cầu cứu. Khi nhìn thấy thi thể vợ và con được đưa vào bờ, ông Tài òa lên nức nở: “Em ơi, anh thật có lỗi với em, anh đã không cứu được mẹ con em”. Hàng chục người thân trong gia đình ông lại rơi nước mắt. Những người chứng kiến hôm vớt thi thể nạn nhân chìm tàu mắt đỏ hoe trước thảm cảnh tang thương.
Ông Tài không thể đứng vững trên đôi chân của mình để rồi lại ngã quỵ. Anh Trần Đình Sơn (anh trai chị Tương) đau đớn khóc không thành tiếng khi nhìn thấy thi thể em gái và đứa cháu. Những người có mặt tại hiện trường hôm ấy đều không cầm được nước mắt. Niềm đau của một đại gia đình mất đi người thân như bất tận.
Những thi thể còn lại lần lượt được đưa lên, những tiếng khóc vang cả dòng sông ai oán. Người thân trong gia đình túa đến nhìn mặt nạn nhân lần cuối cùng. Tiếng kinh cầu, tiếng gõ mõ dồn dập hơn chỉ mong linh hồn những nạn nhân trong vụ chìm tàu siêu thoát. Bất chấp trời nắng như lửa đốt, những đám mây đen chợt kéo về và rơi từng giọt mưa. Ông Tài chịu nỗi đau quá lớn trong nỗi mất mát này. Từng thi thể được đưa lên, ông chỉ biết gọi tên từng người như chính ông là người có lỗi. Những nạn nhân xấu số nằm dưới sông, thân têể co quắp như cố bơi ra khỏi chiếc tàu đang dần chìm. Khi các thi thể vừa được đưa lên thì cũng là những tiếng gào khóc vang dậy gọi tên người xấu số.
Cuộc vui của đại gia đình chỉ mới hôm qua, nay lại chịu nỗi đau quá lớn. Khoảng cách vui – buồn quá mong manh với số phận con người. Hai tay bấu chặt thành ghế, ông Tài không khóc nổi thành tiếng. Đôi mắt sưng húp, đỏ hoe hàng giờ thương tiếc người thân. Thân nhân gia đình bị nạn ngồi bệt dưới sàn nhà vật vã chờ từng thi thể một.
Những người thân của ông được đưa lên. Người vợ, 2 đứa con, 2 người anh trai ruột thịt, người mẹ vợ, những người anh em gia đình vợ gắn bó với ông trong cuộc sống hằng ngày. Nỗi đau của ông quá lớn biết đến bao giờ nguôi. Trong tận cùng nỗi đau, ông chỉ biết thốt lên: “Xin mọi người hãy tha lỗi cho tôi, vì tôi tất cả”. Những giọt nước mắt, những tiếng nấc lại vang lên đau đớn tột cùng.
Đêm đại tang tại Thị xã Thuận An, ông Tài ngồi một mình trong căn nhà khâm liệm của Trung tâm y tế Thuận An. Như một người thất thần, ông chỉ biết nhìn về phía cỗ quan tài của vợ và 2 con. Trong giờ phút khâm liệm xác người vợ yêu quý, ông chăm chăm nhìn vợ cùng các con lần cuối. Ông Tài lần lượt đeo những kỷ vật cho vợ và con mình. Ông như cố muốn ôm tất cả vào lòng. Tình yêu thương ông dành cho vợ, cho con quá lớn đến nỗi nhiều lúc ông có cảm giác như không thể vượt qua nỗi đau. Có những lúc, ông Tài không dám tin bản thân ông đang đối diện với sự thật. Nước mắt người đàn ông đã cạn khô. Đôi mắt ông vẫn sưng húp, đỏ hoe nhìn vào cỗ quan tài để tiễn biệt vợ con. Người đàn ông chịu quá nhiều nỗi đau thương này đã không còn đứng vững và chợt ngã quỵ xuống bên dưới những cỗ quan tài. Gần chục chiếc xe chở quan tài vợ, những đứa con, mẹ vợ và người thân của vợ chuẩn bị lăn bánh trong màn đêm. Ông theo gia đình bên vợ về quê tận Hà Tĩnh để chịu tang và lo việc mai táng người vợ của mình. Khi việc quê vợ đã xong, ông Tài còn phải vào TP.HCM để tiếp tục đưa 2 người anh trai về lại quê nhà tận Trung Quốc.
Vẫn còn lại nỗi đau
Ở nơi hiện trường, người mẹ ôm đứa con gái út vẫn mòn mỏi trông xác nạn nhân xấu số cuối cùng của vụ chìm tàu là cháu Phạm Xuân Khánh (9 tuổi). Chị Phạm Thị Hiền (mẹ cháu Khánh) vẫn cố bám trụ để hy vọng thi thể đứa con trai yêu được tìm thấy. Trong màn đêm u tối, sau mỗi lần khóc, chị Hiền lại lả người và ngất đi, trên tay vẫn bế chặt cháu Thảo, em cháu Khánh. Trong cái đêm gặp nạn, anh Phạm Xuân Long may mắn thoát chết đã cố công tìm cách cứu cháu Khánh nhưng mọi nỗ lực trở nên vô vọng. Còn tàu chìm dưới lòng sông và trôi đi một đoạn cách vị trí phát hiện xác tàu hơn 300 mét.
Trong ngày vớt thi thể nạn nhân, 15 lần đưa thi thể nạn nhân lên bờ là 15 lần chị Hiền chạy đến tận nơi để mong rằng đó là con mình. Trời vừa chập choạng tối, xác cháu Khánh vẫn chưa được tìm thấy, nỗi đau của người mẹ như rơi vào hoảng loạn. Lực lượng cứu hộ cứu nạn được chia thành từng tốp và khẩn trương trong công tác vớt tàu. Hy vọng mong manh của người mẹ trẻ là xác tàu được đưa lên khỏi mặt nước là tìm được thi thể của đứa con trai. Trong bàn thờ cầu siêu, bà Nguyễn Thị Minh, người dì của chị Hiền thắp những nén nhang khấn vái cầu mong cháu mau trở về từ lòng sông: “Cháu ơi hãy mau về với dì”. Chị Hiền vẫn tin rằng, con mình đang nằm trong một góc tàu và khi được trục vớt lên sẽ tìm được Khánh. Buổi tối, dù hay tin chỉ còn một thi thể đang nằm dưới lòng sông, người dân vẫn không rời mắt khỏi vị trí tàu được trục vớt. Ngần ấy người dân 2 xã của đêm hôm trước vẫn ở lại và cùng người thân nạn nhân chờ đợi niềm hy vọng mong manh.
Những cơn gió lạnh trong đêm thoảng qua trên mặt sông, người mẹ trẻ lại ôm em gái của Khánh vào lòng, nước mắt chị tuôn rơi. Chị Hiền nói trong tiếng nấc nghẹn vô hồn: “Con ơi, con về với ba mẹ đi con”. Đối diện với sự thật, chị không bao giờ tin cháu Khánh còn sống. Chị Hiền muốn được thấy con lần cuối và đưa cháu về để có thể thắp cho con những nén nhang để con được ấm lòng nơi chín suối. Có những lúc, lực lượng trục vớt tàu phải tạm nghỉ vì nước sông chảy quá xiết, những khi đó, như là nỗi đau xé lòng người mẹ. Sau mỗi lần thiếp đi và choàng tỉnh giấc, chị Hiền cứ ngỡ con mình đã trở về. Trời dần sáng, sau đêm thứ hai tìm kiếm, xác tàu được đưa lên khỏi mặt nước thuộc mé bờ sông xã Nhị Bình. Thông tin từ lực lượng cứu hộ cứu nạn báo về. Không thấy thi thể của nạn nhân cuối cùng trong vụ chìm tàu. Chị Hiền gào lên trong nỗi nghẹn ngào: “Con ơi, con đang ở đâu, sao không về với mẹ. Con nằm lại dưới lòng sông lạnh lẽo lắm con ơi”. Đêm hôm trước, 15 thi thể được trục vớt dưới lòng sông với con chị, thì nay chỉ còn mình em lẻ lơi giữa dòng. Mặt sông lạnh lẽo bốc hơi nước như tăng thêm vẻ u uất.
Nỗi mất mát của người thân nạn nhân vẫn chưa dứt. Cuộc tìm kiếm thi thể của nạn nhân cuối cùng trong vụ chìm tàu thất bại. Nhận định của cơ quan chức năng, rất có thể, xác cháu Phạm Xuân Khánh đã bị trôi ra ngoài khi tàu chìm dưới sông. Khành là một trong những nạn nhân nhỏ tuổi nhất của vụ chìm tàu. Trong danh sách, có đến 5 nạn nhân là trẻ em. Dòng nước sông Sài Gòn chảy xiết, những đám lục bình dày đặc mé sông. Hy vọng tìm kiếm thi thể của nạn nhân cuối cùng càng trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Ông Tuân (65 tuổi, xã Nhị Bình) cho hay, thường thì nếu thi thể cháu Khánh không thấy trên tàu thì rất có khả năng đã trôi dạt khá xa so với vị trí chìm tàu. Như thấu hiểu nỗi lòng của người mẹ trẻ, đội trục vớt tàu ra vào nhiều lần để tìm tất cả các ngóc ngách con tàu với hy vọng sẽ tìm được xác cháu. Và nỗi đau tích tụ như vỡ òa bên dòng sông Sài Gòn khi thi thể cậu bé 9 tuổi được đưa lên từ khoang máy con tàu. Đứa con đã về nhưng lạnh lẽo và bất động.
Nước sông vẫn miệt mài chảy về biển lớn nhưng chưa biết đến khi nào dòng nước thời gian mới xóa hết nỗi đau trong kí ức những thành viên gia đình bất hạnh này