Tại phiên thảo luận chiều 27/5 về dự án Luật tố tụng hình sự (sửa đổi), Viện trưởng Viện lập pháp Đinh Xuân Thảo ủng hộ đề xuất bị can có quyền không khai những gì bất lợi cho mình cho đến khi có luật sư bào chữa. “Cơ quan điều tra khi tiếp cận người bị bắt cần thông báo cho họ quyền được im lặng,” đại biểu Thảo nêu.
Đại biểu Lương Văn Thành cho rằng thực thi "quyền im lặng" thể hiện sự tiến bộ, phù hợp với công ước về dân sự mà Việt Nam đã tham gia. Nguyên phó chánh án TAND Tối cao Trần Văn Độ nhấn mạnh nguyên tắc này cho thấy trách nhiệm chứng minh tội phạm là của cơ quan buộc tội, trên nguyên tắc suy đoán vô tội.
Thứ trưởng tường trực Bộ Công an Đặng Văn Hiếu cho rằng luật bảo đảm quyền dân chủ nhưng cũng cần tạo điều kiện cho cơ quan tư pháp làm việc.
“Có ý kiến cho rằng nếu không khai báo thì làm sao điều tra được, theo tôi đó là trách nhiệm của nhà nước. Trong quan hệ dân sự người nào kiện thì người đó phải chứng minh, còn tố tụng hình sự là mối quan hệ giữa nhà nước với cá nhân. Công tố là quyền của nhà nước thì Nhà nước phải có nghĩa vụ chứng minh”, ông Độ phân tích.
Theo ông Độ cần từ bỏ tư duy cũ trong án hình sự là nếu người bị bắt không nhận tội hoặc không khai báo thì được coi là tình tiết tăng nặng. "Đó là quyền của nghi can, nên quy tăng nặng tội khi người ta không thực hiện quyền đó là không phù hợp", ông nói.
Giám đốc công an Hà Nội, thiếu tướng Nguyễn Đức Chung đồng tình với dự thảo khi quy định theo hướng người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự do trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không bị ép buộc đưa ra lời khai chống lại chính mình và không bị ép buộc nhận mình có tội. “Như thế phù hợp hơn, còn quy định hẳn là 'quyền im lặng' là không đúng”, tướng Chung nêu quan điểm.
Thứ trưởng thường trực Bộ Công an Đặng Văn Hiếu cho rằng dự thảo quy định “không buộc” phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc “không buộc” phải nhận tội là chưa chuẩn và đề nghị thay bằng “không bị ép buộc”. “Luật cần đảm bảo quyền dân chủ cho dân nhưng cũng phải tạo điều kiện cho cơ quan tư pháp làm việc, nếu không sẽ xảy ra tình trạng chúng ta bó tay trong đấu tranh chống tội phạm”, tướng Hiếu nói.
Với Giám đốc công an tỉnh Thanh Hóa, thiếu tướng Trịnh Xuyên, việc quy định “quyền im lặng” là vô lý, gây khó khăn cho các cơ quan hoạt động tố tụng, là một nguyên nhân phát sinh tội phạm. “Giết người, đánh người gây thương tích mà bảo là được quyền im lặng, không phải trình bày gì cả thì không đúng. Trong điều kiện và trình độ dân trí của chúng ta như vậy, việc này không phù hợp, gây khó khăn cho các cơ quan đấu tranh bảo vệ pháp luật, hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm sẽ thấp”, ông Xuyên bày tỏ.
Theo VnExpress