"Đại án" tham nhũng, chuyện đằng sau những án tử

   Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: Mục tiêu chính là phải thu hồi tài sản về cho Nhà nước.

   Theo ý kiến từ phía cơ quan chức năng, trong thời gian tới, sẽ làm mạnh tay hơn nữa đối với những “đại án” tham nhũng. Ông Vũ Mão (nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) khi đánh giá về vụ án Dương Chí Dũng và đồng phạm trong vụ tham nhũng tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam Vinalines, đã cho rằng đây là vụ án rất nghiêm trọng. Những kẻ phạm tội đã lấy của nhà nước một số tiền rất lớn và phần thất thoát trong quản lí cũng vô cùng lớn, gây bức xúc trong nhân dân. Dư luận xã hội lên án kịch liệt và không thể chấp nhận tình trạng đó.

   Vì thế, việc Tòa tuyên án tử hình cho bị cáo Dũng và Phúc là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, các bị cáo này vẫn có thể được kháng án.

Ông Vũ Mão bày tỏ quan điểm về việc tử hình các bị cáo tham nhũng

   Cũng theo ý kiến của ông Vũ Mão, thì những vụ án kinh tế trước đây thường bị bị hình sự hóa, kẻ phạm tội bị tử hình nhưng tài sản của Nhà nước thì bị mất mát ở ba góc độ.

   Trước hết, những tài sản mà kẻ phạm tội tham ô thì không thu lại được bao nhiêu.

   Hai là, không làm rõ hết những cán bộ cấp trên liên đới trách nhiệm và liên đới tham nhũng tiền của mà họ được hưởng. Như thế thì họ “ăn ngon” quá, họ mừng vui vì được “hạ cánh” an toàn.

   Ba là, mọi chuyện bị bỏ qua, không ai chỉ đạo để rút ra những bài học kinh nghiệm cho công tác quản lý, cho việc thay đổi cơ chế và luật pháp đã lỗi thời.


Không phải tử hình xong là hết, mà điều quan trọng là thu hồi tài sản về cho Nhà nước

   Nếu chúng ta đặt nặng về bản án tử hình thì tài sản nhà nước sẽ khó thu hồi được ở mức tối đa. Bị cáo chết là hết chuyện.

   Điển hình là vụ án Tăng Minh Phụng. Đau xót nhất là những tài sản bị kê biên, bị định giá vô tội vạ, không đúng với giá trị thật. Rồi việc thanh lý không minh bạch, chỉ một số quan chức được hưởng đặc quyền, đặc lợi. Còn Nhà nước thì chẳng thu hồi về được gì.

   Những năm gần đây, từ thực tiễn, chúng ta đã có nhận thức mới là không nên hình sự hóa các vụ án kinh tế. Trong quan điểm xét xử, điều quan trọng là phải làm sao thu hồi được tối đa tải sản của Nhà nước.

   Mặt khác, Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng cho rằng, để hạn chế tình trạng kẻ phạm tội luôn chối cãi tội để hạ thấp nhất mức độ vi phạm của mình, trong quá trình tiến hành tố tụng, cơ quan điều tra cần làm rõ, minh bạch quá trình phạm tội của các bị can, bị cáo. Nếu điều nào chưa rõ, chưa chắc chắn thì phải điều tra bổ sung. Phải đưa ra những cáo buộc thật sự thuyết phục, để cho các bị can, bị cáo tâm phục khẩu phục.

   Đồng thời các quy định của pháp luật cũng cần thay đổi, bổ sung để hạn chế tối đa tài sản của Nhà nước bị thất thoát, thiệt hại do tham nhũng. Cụ thể là cần rà soát lại các văn bản pháp luật đã ban hành. Hiện nay các văn bản này còn đơn giản quá, không đủ rõ nên gây khó khăn cho quá trình xét xử.

   Hai là, cần bổ sung nội dung và quy trình xét xử để buộc kẻ phạm tội có trách nhiệm cao nhất trong việc khắc phục hậu quả, trả lại cho Nhà nước tối đa những tài sản bị họ chiếm đoạt bằng nhiều hình thức ma quái.

   Ba là, những kẻ phạm tội mà chịu mức án tử hình thì cần bổ sung một nội dung quan trọng là xem xét quãng thời gian thi hành án tử hình để cho kẻ phạm tội có thời gian hối cải, khai báo đầy đủ, chân thành góp phần khắc phục hậu quả, thu hồi tài sản về cho Nhà nước. Nếu làm được như thế thì kẻ phạm tội sẽ được giảm xuống chung thân cũng là điều hợp lý.

   Bốn là, cần có quy định để làm rõ trách nhiệm của cơ quan và cán bộ quản lý cấp trên của kẻ phạm tội. Những người liên đới trách nhiệm cũng phải chịu những hình thức kỷ luật thỏa đáng.

   Không chỉ dùng lại ở đó, vấn đề kê khai tài sản là rất quan trọng và rất đáng quan tâm. Xét cho cùng tham nhũng cũng là mang tài sản, lợi ích chung về cho riêng bản thân mình. Lâu nay việc kê khai tài sản mang tính hình thức, không có tác dụng phòng, chống tham nhũng.

   Tôi cho rằng kê khai tài sản (theo nghĩa rộng) phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm của phòng, chống tham những. Vì thế cần có Luật kê khai tài sản với các nội dung cụ thể. Một là, bản kê khai tài sản hiện có và làm rõ nguồn gốc. Lưu ý rằng, không ít người đã “biến hoá” cho con cháu, người thân đứng tên. Phải đi đến cùng vấn đề này.

   Hai là, bản xác minh của cơ quan có thẩm quyền. Việc này, lâu nay làm rất đại khái.

   Ba là, hàng năm đề phải có bản kê khai bổ sung tài sản và có xác nhận.

   Nếu làm tốt việc kế khai tài sản, giám sát kiểm tra tốt về nguồn gốc tài sản thì sẽ góp phần quan trọng vào việc tham nhũng.

Vụ án Dương Chí Dũng là một trong mười "đại án" tham nhũng

   Nhận xét về sự có mặt của Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh trong phiên xét xử Dương Chí Dũng, ông Vũ Mão cho rằng với chức năng và trọng trách của mình đến để quan sát, tìm hiểu, qua đó nắm được sâu sắc về vụ án và về quy trình xét xử là tốt. Ông ấy không xuất hiện chính thức và không làm gì ảnh hưởng đến quá trình xét xử vụ án là đúng. Tôi mong ông Thanh nên có những nhận xét của mình về vụ án, rút ra những bài học cho công tác Đảng là rất cần thiết. Tôi cũng muốn ông Thanh trao đổi về những ý kiến của tôi vừa nêu ở trên. Theo tôi, chúng ta rất cần làm rõ những vấn đề mà lâu nay chưa sáng tỏ. Chính điều đó sẽ góp phần vào việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

   Cuối cùng, ông Vũ Mão nhận đinh: "Tử hình có nghĩa là hết chuyện, vấn đề đặt ra là làm sao khi xét xử các vụ án tham nhũng, mục tiêu cuối cùng là phải thu hồi tối đa tài sản về cho nhà nước".
Trung tướng Trần Văn Độ: cố bằng mọi biện pháp để thu hồi về lại cho nhà nước

   Đại biểu Quốc hội, Trung tướng Trần Văn Độ, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao đã nhận định, báo cáo của Chánh án TAND tối cao cũng như Viện trưởng đã nói rõ, lãnh đạo các cơ quan này, kể cả CQĐT, đặc biệt là ngành tòa án đã chỉ đạo chặt chẽ, có nhiều biện pháp để đảm bảo việc xét xử theo đúng pháp luật.

   Tuy nhiên vấn đề là người phạm tội tham nhũng cũng là phạm tội nhưng phạm tội ở mức độ nào, phạm tội ra sao. Bởi thực ra tham nhũng có những trường hợp rất lớn, rất nghiêm trọng nhưng cũng có những vụ tham ô dăm ba triệu đồng, thực ra cũng là một loại chiếm đoạt tài sản, thì xem xét cho hưởng án treo.


Dương Chí Dũng lĩnh án tử cho hành vi tham nhũng của mình

   Nói về nguyên nhân của việc các vụ án tham nhũng lớn nhưng tỷ lệ thu hồi tài sản rất nhỏ, ông Trần Văn Độ cho rằng, nguyên nhân việc này thì nhiều vì khi tham nhũng phát hiện thì hành vi đã xảy ra tương đối dài tài sản bị tẩu tán, hoang phí hoặc chi tiêu vào những chỗ nào đấy mà cơ quan tiến hành tố tụng không thể chứng minh, truy nguyên được.

Do vậy, cũng chỉ có thể áp dụng kê biên những tài sản xác định do chiếm đoạt của công mà có hoặc thu giữ để đảm bảo khả năng thi hành án, bồi thường, cố bằng mọi biện pháp để thu hồi về lại cho nhà nước.


Phó Chánh án TANDTC nói về việc xét xử các đại án tham nhũng

   Khi khởi tố vụ án, để tích cực thu hồi, khắc phục hậu quả thì vụ án khi được phát hiện càng xử lý nhanh càng tốt, ngay từ khi có dấu hiệu. Thông thường án tham nhũng của ta là phải thanh tra, kiểm tra xong chuyển sang quy tội xét xử mà trong thời gian đó không tránh khởi việc những người có hành vi phạm tội có hành vi tẩu tán tài sản.

   Thực tế các vụ án tham nhũng như Vinashin, Vinalines hay vụ Công ty cho thuê tài chính tại Agribank vừa rồi gây thất thoát tiền thuế của dân hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng.

   Cũng theo Trung tướng Trần Văn Độ, Việt Nam, luật của chúng ta xử lý rất nghiêm chứ không phải không. Bộ luật hình sự quy định rất nặng và hình phạt cũng rất nghiêm khắc, số người bị kết án, vào tù cũng rất cao (khoảng 80%) trong khi ở các nước chỉ khoảng 50%. Rõ ràng không phải ta xử nhẹ. Nhưng có lẽ là những yếu tố khác như phòng ngừa chưa tốt mà thôi!

Theo Đời sống pháp luật


Giày Đại Phát solution
Số người online:
28450
Số người truy cập:
7650114