Cựu công an đổ tội gây tai nạn chết người cho đồng nghiệp

Ngày 7/3, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM đã bác đơn kháng cáo, giữ nguyên mức án 3 năm tù đối với Trần Xuân Viên (28 tuổi, nguyên chiến sĩ Phòng hậu cần Công an tỉnh Bến Tre) về tội "vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ", buộc bồi thường cho gia đình nạn nhân hơn 66 triệu đồng.

Theo HĐXX, dù Viên liên tục kêu oan, không nhận mình là người điều khiển phương tiện gây ra cái chết cho nạn nhân, nhưng căn cứ vào những lời khai của các nhân chứng và của chính bị cáo đã cho thấy Viên chính là người điều khiển xe gây tử vong cho nạn nhân.

Viên thấp thỏm chờ tuyên án. Ảnh: Vũ Mai
Viên thấp thỏm chờ tuyên án. Ảnh: Vũ Mai

Bản án sơ thẩm xác định, rạng sáng 5/1/2008, sau khi uống rượu trở về nơi làm việc, Viên tham gia liên hoan tiếp với nhiều anh em trong đơn vị rồi rủ những người này đến chợ phường 3, thị xã Bến Tre (nay là TP Bến Tre) ăn sáng. Khi mọi người đồng ý, Viên đưa chìa khóa cho đồng nghiệp Võ Văn Phương lấy xe chở mình.

Phương không đội mũ bảo hiểm mà điều khiển xe chạy trước chở Viên (có đội mũ bảo hiểm) ngồi giữa và một đồng nghiệp khác ngồi sau cùng. Trên đường đi, người đồng nghiệp kêu Phương dừng xe để qua xe khác vì thấy "tài xế" loạng choạng.

Lúc này Viên giành chở để Phương ngồi sau. Khi đến trước cổng Bệnh xá Công an tỉnh Bến Tre, do không làm chủ được tay lái nên Viên đụng vào xe đạp đang lưu thông cùng chiều do bà Phạm Thị Hoàng Oanh (79 tuổi) điều khiển. Hậu quả bà Oanh chết do chấn thương sọ não.

Hồ sơ vụ án cũng thể hiện, ngay khi tai nạn xảy ra Phương bị thương ở mặt và đã lấy xe chạy đi tìm nhóm bạn, bỏ mặc Viên cùng nạn nhân nằm bất tỉnh trên đường. Có nhân chứng còn nghe thấy người này nói trong hoảng hốt: "Tao tông xe vào người ta rồi". Sau đó Phương đánh tráo chiếc xe khác vào hiện trường và cùng các bạn trốn về nhà.

Quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa sơ thẩm, Viên đều không nhận tội. Viên không thừa nhận mình điều khiển xe gây tai nạn và cho rằng mình ngồi phía sau xe do Phương chở. Khi ra khỏi cơ quan thì Viên say rượu ngủ cho đến khi tỉnh dậy thì thấy mình nằm trong bệnh viện, hoàn toàn không hay biết gì về vụ tai nạn giao thông xảy ra lúc nào, ở đâu.

Các nhân chứng thì có nhiều lời khai trái chiều, không ai xác định được người gây tai nạn hôm đó là ai. Trong đó có nhân chứng Phan Văn Tùng ban đầu khai Phương mới chính là người điều khiển xe nhưng về sau đã thay đổi lời khai cho rằng “người điều khiển xe có đội mũ bảo hiểm”.

Căn cứ vào lời khai của nhân chứng này và người liên quan, TAND tỉnh Bến Tre cho rằng, người gây tai nạn trong vụ án này là người đội nón bảo hiểm nên tuyên phạt Viên mức án 3 năm tù. Ngay sau đó, Viên đã làm đơn kháng cáo kêu oan.

Phương khẳng định không điều khiển xe gây tai nạn. Ảnh: Vũ Mai
Phương khẳng định không điều khiển xe gây tai nạn. Ảnh: Vũ Mai

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 11/1, Viên cho rằng, ngay từ lúc đầu tại Phòng hậu cần Công an tỉnh Bến Tre đã ý thức mình rất say nên đưa xe cho Phương chở thì không lý nào lại giành lái xe sau đó. Các nhân chứng đi chung đều là bạn của mình nhưng đã đồng lõa với Phương, đổ hết trách nhiệm cho bị cáo vì tưởng rằng bị cáo sẽ chết. Họ khai nhìn thấy Viên giành chạy xe nhưng không ai thấy bị cáo điều khiển xe gây tai nạn.

Mặt khác, Viên cũng cho rằng mình bị phỏng pô xe rất nặng ở hai bên đùi. "Nếu bị cáo là người điều khiển xe đã văng ra ngoài khi gây tai nạn. Vết phỏng này chứng tỏ bị cáo là người ngồi sau”, Viên nói.

Đồng quan điểm với thân chủ, luật sư của Viên khẳng định, nếu Phương ngồi sau thì không thể dính máu ở mặt. Vì nguyên tắc chỉ có người cầm lái gây tai nạn, mặt mới bị va chạm với mặt đường (trong khi Viên không bị thương ở mặt). Nếu Phương không phải người gây tai nạn thì không lý do gì lại cuống cuồng lấy xe đi khỏi hiện trường trong khi bạn mình và nạn nhân bất tỉnh. Phương nêu lý do chạy khỏi hiện trường để kêu người đến cấp cứu là vô lý bởi công an phường cách đó chỉ 20m.

Quá trình thẩm vấn tại phiên tòa phúc thẩm lần này, Võ Văn Phương có nhiều lời khai bất nhất. Người này cho rằng vì sợ cơ quan biết mình dính dáng đến vụ việc sẽ không được “vào biên chế” nên mới có hành động trên. Thực tế chính Viên là người điều khiển xe gây tai nạn. Còn nhân chứng quan trọng nhất trong vụ án là Phan Văn Tùng tại phiên tòa lần này lại không có mặt.

Phát biểu quan điểm, đại diện VKSND Tối cao đã đề nghị HĐXX hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ cho cấp sơ thẩm điều tra lại từ đầu. Theo Viện, hồ sơ vụ án không thể hiện rõ Viên hay Phương gây tai nạn vì lời khai của nhân chứng, người liên quan còn nhiều mâu thuẫn. Sơ đồ hiện trường vụ tai nạn sơ sài, không miêu tả được vị trí xe, chỗ bị cáo, nơi Phương bị té ngã… Trong khi đó, Phương lại có lời khai mâu thuẫn, tiền hậu bất nhất.

Tuy nhiên hôm đó Tòa phúc thẩm chưa có kết luận về vụ án.

Tại phiên tòa hôm nay, Viên vẫn giữ những lời kêu oan như trước. VKS cũng giữ nguyên kết luận về vụ án, đề nghị HĐXX hủy án sơ thẩm. Luật sư của bị cáo cũng tha thiết đề nghị Tòa hủy án nhưng tất cả đều không được chấp nhận.

Vũ Mai


Giày Đại Phát solution
Số người online:
129781
Số người truy cập:
7549674