Từ sáng sớm, người nhà bị cáo đã có mặt khá đông trước cổng TAND thành phố. Phiên tòa diễn ra công khai, do thẩm phán Trần Văn Nghiêm, Chánh tòa kinh tế làm chủ tọa. Các phóng viên trong và ngoài nước được bố trí phòng riêng để theo dõi qua màn hình tivi.
Cựu chủ tịch Vinashin Phạm Thanh Bình. Ảnh: Đầu tư |
8h10 cựu chủ tịch HĐQT Vinashin Phạm Thanh Bình trong bộ comple màu đen bước vào phòng với vẻ mặt bình thản. Khi thấy người thân, một số bị cáo vẫy tay chào. 21 luật sư đã được mời bào chữa tại tòa.
9h30 đại diện Viện kiểm sát đã đọc cáo trạng truy tố 9 bị cáo Phạm Thanh Bình - cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vinashin cùng các bị cáo Trần Quang Vũ (cựu Tổng giám đốc Vinashin); Trần Văn Liêm (nguyên thành viên HĐQT, Trưởng ban kiểm soát Vinashin) và 6 người nguyên là lãnh đạo, cán bộ một số công ty thành viên là Nguyễn Tuấn Dương, Nguyễn Văn Tuyên, Tô Nghiêm, Trịnh Thị Hậu, Hoàng Gia Hiệp, Đỗ Đình Côn về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế trong lĩnh vực đầu tư, quản lý, sử dụng vốn.
Sau khi kết thúc phần đọc cáo trạng, tòa bước sang phần thẩm vấn các bị cáo về những sai phạm trong từng dự án. Bị cáo Bình và Liêm là những người đầu tiên bị thẩm vấn về dự án nhà máy nhiệt điện Diezel Cái Lân. Cựu chủ tịch Vinashin đôi lần ngắt lời chủ tọa để giải thích rõ về những cáo buộc với mình.
Theo ông Bình, cáo trạng truy tố của VKS là đúng, tuy nhiên ông cho rằng "điều kiện khách quan bắt buộc ông phải làm như vậy" mới có được dự án, trong khi nguồn vốn của Chính phủ chưa cấp
Theo cơ quan công tố, tổng số thiệt hại do hành vi phạm tội của các bị cáo gây ra khoảng 900 tỷ đồng. Cụ thể, tại thương vụ mua tàu Hoa Sen, nhà chức trách cho rằng do việc khảo sát hạ tầng chưa đầy đủ, hệ thống cầu cảng không đáp ứng được việc đi lại của tàu khiến phải xây dựng thêm một số hạng mục. Tuy nhiên, con tàu trị giá hàng chục triệu euro này hoạt động không hiệu quả, được 39 chuyến thì tạm dừng, gây thiệt hại gần 470 tỷ đồng.
Cơ quan công tố đã cáo buộc nguyên nhân vụ việc là do việc đầu tư mua tàu Hoa Sen không thực hiện đúng quy trình và thủ tục đầu tư, không lập báo cáo quyết toán dự án đầu tư hoàn thành để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt... Trong đó, bị cáo Phạm Thanh Bình giữ vai trò là người tổ chức, Trần Văn Liêm, Hồ Ngọc Tùng, Giang Kim Đạt, Trịnh Thị Hậu và Hoàng Gia Hiệp là đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội.
9 bị cáo đã hầu tòa trong vụ Vinashin. Ảnh: Nhật Minh |
Nhà chức trách còn cho rằng, do đầu tư và quản lý dự án nhà máy nhiệt điện Diezel Cái Lân không hiệu quả, nên từ năm 2007 đến 2009, việc vận hành đã gây lỗ hàng chục tỷ đồng, sau đó thì phải dừng hoạt động. Tương tự, tại dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện Sông Hồng (Nam Định), nhà nước cũng bị thiệt hại hơn 300 tỷ đồng; dự án đầu tư tàu Bình Định Star gây thiệt hại 30 tỷ và việc bán vỏ tàu Bạch Đằng Giang gây thiệt hại hơn 27 tỷ đồng.
Theo cơ quan công tố, ông Phạm Thanh Bình là người có cương vị cao nhất đồng thời lại là bị can chính, giữ vai trò tổ chức thực hiện tội phạm. Các bị cáo khác là đồng phạm với ông Bình, thực hiện hành vi phạm tội trong các vụ việc độc lập, đồng phạm theo nhóm... nhưng đều lợi dụng chức vụ,quyền hạn cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế thuộc Tập đoàn Vinashin.
Trong vụ án này còn có 2 bị can đang bỏ trốn, bị truy nã là Hồ Ngọc Tùng (nguyên tổng giám đốc công ty tài chính TNHH một thành viên Công nghệ Tàu thủy) và Giang Kim Đạt (34 tuổi, nguyên trưởng phòng kinh doanh công ty vận tải Viễn Dương Vinashin).
14h chiều nay, tòa tiếp tục làm việc.
Điều 165. Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng 1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm: a) Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác; b) Có tổ chức; c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt; d) Gây thiệt hại từ ba trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng khác. 3. Phạm tội gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm. 4. Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. |
Hà Anh