Cướp công người giữ rừng

Sau khi nhận đơn người dân tố cáo Công ty TNHH Thiện Đức lập dự án phá rừng giá tỵ lấy đất trồng cao su, Cục CSĐT Tội phạm về môi trường (C49B) Bộ Công an đã vào cuộc.
 
Ngoài lý do môi trường bị tác hại khi chặt hạ rừng giá tỵ, trong đơn tố cáo, người dân còn cho biết Công ty TNHH một thành viên Cao su Bình Phước (Công ty Cao su Bình Phước) áp giá theo kiểu “cướp trắng” công sức trồng và giữ rừng giá tỵ mà người dân đã bỏ ra hàng chục năm qua.
 
Chặn đầu, chặn đuôi!
 
Theo biên bản họp ngày 18-11 giữa đại diện Sở NN-PTNT, Sở Tài chính, Công ty Cao su Bình Phước và Nông Lâm trường Tân Lập, tỉ lệ hưởng lợi của các hộ chỉ được 2% mỗi năm nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng giá tỵ. Thế nhưng, ngay từ khâu thiết kế, người dân đã bị Công ty Cao su Bình Phước ăn chặn trắng trợn!
 
Biên bản cuộc họp nói trên chỉ áp dụng đối với 17 hộ dân có hợp đồng với Ban Quản lý Rừng kinh tế Tân Lập (nay là Nông Lâm trường Tân Lập), còn các hộ không có hợp đồng sẽ không được hưởng đồng nào.
 
Biên bản cũng nêu rõ: Không khấu trừ chi phí xây dựng cơ bản. Tuy nhiên, trong “bảng tổng hợp các hộ dân ăn chia lợi nhuận rừng trồng giá tỵ sau khai thác” do Công ty Cao su Bình Phước lập, thể hiện trên diện tích 48,2 ha rừng giá tỵ (17 hộ có hợp đồng - PV), có 10.352 cây (quy ra tiền 1,353 tỉ đồng).
 
Bình quân mỗi cây giá tỵ 15 năm tuổi, đường kính trên 20 cm, chỉ được bán với giá 130.000 đồng! Trong khi đó, nhiều thương lái thu mua gỗ giá tỵ khẳng định nếu cây đường kính trên 20 cm có giá 8-10 triệu đồng/m3 (ba cây tương đương 1 m3 – PV).  
 
Rừng giá tỵ thuộc Chương trình 327 của Chính phủ được trồng bằng ngân sách
Nhà nước từ năm 1995 nay bị các công ty câu kết nhau chặt hạ để... trồng cao su!
 
Không chỉ ăn chặn “giá”, Công ty Cao su Bình Phước còn cố tình đưa  khoản xây dựng cơ bản vào để thu hơn 350 triệu đồng/1,353 tỉ đồng (tổng doanh thu bán ra của 10.352 cây giá tỵ) của người nghèo!
 
Do bị chặn đầu, chặn đuôi nên có hộ dân trồng cây giá tỵ trong 8 năm nhưng chỉ nhận được gần 500.000 đồng như hộ bà Nguyễn Thị Lo; hộ ông Lâm Sung trồng và chăm sóc 4,9 ha rừng giá tỵ, sau 8 năm chỉ được hưởng gần 12 triệu đồng, ông Nguyễn Minh Hoàng trồng và giữ 4 ha rừng giá tỵ trong 13 năm nhưng chỉ được áp giá tiền công trên 33 triệu đồng.
 
Làm trái văn bản Sở NN-PTNT
 
Theo tài liệu chúng tôi có được, ngày 14-12-2009, Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước có Công văn số 1390 về “Trình tự thủ tục trồng cao su trên diện tích rừng trồng bằng vốn ngân sách”.
 
Công văn yêu cầu phải thực hiện quy định hưởng lợi của các hộ nhận khoán bảo vệ rừng theo quy định tại điều 6 quyết định 147/2007/QĐ-TTg”.
 
Đó là, chủ rừng được hưởng toàn bộ sản phẩm từ rừng trồng, khi khai thác sản phẩm, được tự do lưu thông và được hưởng các chính sách ưu đãi về miễn giảm thuế, tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật hiện hành.
 
Về nghĩa vụ, khi khai thác sản phẩm rừng trồng, chủ rừng phải nộp cho ngân sách xã số tiền tương đương với 80 kg thóc/ha/chu kỳ rừng trồng để xây dựng Quỹ Phát triển rừng của xã và Quỹ Phát triển rừng thôn, bản, trong đó trích nộp cho mỗi quỹ là 50%.
 
Diện tích rừng sản xuất do chủ rừng nhận khoán của các ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ hoặc doanh nghiệp quốc doanh (gọi tắt là bên giao khoán) thì chủ rừng nộp số tiền trên cho bên giao khoán. Ngoài ra, chủ rừng không phải nộp thêm bất cứ khoản gì cho bên giao khoán.
 
Điều này có nghĩa người dân vẫn được tiếp tục thực hiện hợp đồng đã ký trước đó nhiều năm, không bị lấy đất trồng cao su vô lối như vừa qua.
 

Rừng giá tỵ dân trồng tốt

 
Ông Bùi Văn Phương, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Phú Bình (tỉnh Bình Dương), nói: “Năm 1995, Lâm trường Phú Bình ký hợp đồng giao khoán với 41 hộ dân trên tổng diện tích khoảng 1.915 ha rừng và đất trống.
 
Thời điểm đó, tôi là phó giám đốc lâm trường, trực tiếp đi thực địa chỉ ranh, phóng lô, giao đất và hướng dẫn từng hộ dân bảo vệ rừng tự nhiên cũng như rừng trồng 327.
 
Khi tỉnh Sông Bé tách ra, chúng tôi đã giao tất cả hồ sơ giao khoán cho Ban Quản lý Rừng kinh tế Tân Lập quản lý nhưng họ làm mất.
 
Thời điểm đó, việc đi lại vô cùng khó khăn nhưng hằng tháng, chúng tôi đều kiểm tra để tính toán trả chi phí và kiểm tra mức độ sinh trưởng của rừng giá tỵ. Nói chung cây trồng khá tốt”.
Bài và ảnh: TÂN TIẾN

Giày Đại Phát solution
Số người online:
8895
Số người truy cập:
9359500