Ngày 19.7, UBND thị trấn Tịnh Biên, H.Tịnh Biên (An Giang) cho biết: địa phương và sinh viên tình nguyện đang tiếp tục , vớt xác chuột chết ở trại nuôi chuột đồng của nhóm ông Huỳnh Văn Kha, Phan Kim Giỏi (khóm Xuân Bình, thị trấn Tịnh Biên). Trước đó, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu UBND huyện và thị trấn Tịnh Biên trong ngày 17.7 phải cấp tốc tiêu hủy hết đàn chuột, dưới sự giám sát của Sở NN-PTNT, Sở TN-MT. Tỉnh cũng yêu cầu địa phương huy động tối đa số lượng mèo trong dân thả trong và ngoài khu vực trang trại này để bắt chuột.
Sinh viên tình nguyện vớt xác chuột chết - Ảnh: Thanh Dũng
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Phan Văn Giỏi, người chủ xướng nuôi chuột bức xúc cho biết, trang trại chuột này được hùn vốn của nhiều người, theo mô hình nuôi chuột - cá - cây. Ngày 30.4, nhóm đã thả nuôi 3 tấn chuột giống trong trang trại rộng 1 ha, được xây kín bằng tường gạch cao 1,2 m; dưới mặt đất xây lớp xi măng phòng ngừa chuột đào hang thoát ra ngoài. Sau đó, Trạm bảo vệ thực vật hay tin xuống kiểm tra đã yêu cầu trong 4 tháng phải bán hết chuột. Khoảng 10 ngày sau, trạm lại yêu cầu 1 tháng sau phải xuất hết chuột. Nhóm ông Giỏi chấp hành nhưng chỉ bán được 350 kg do lái nói số chuột còn lại nhỏ, vài tháng nữa mới mua.
Ông Giỏi bức xúc nói, cả trăm người đi cưỡng chế tiêu diệt 118.000 con chuột, bất chấp nhóm ông trước đó đã làm đơn xin cho gia hạn để tìm cách bán chuột thịt thu hồi vốn nhưng không có phản hồi hay hướng dẫn gì từ phía cơ quan chức năng. “Ngày 17.7, tôi cùng GS-TS Võ Tòng Xuân có gặp ông Huỳnh Thế Năng, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang và thầy Xuân có đề nghị ông Năng khoan hãy tiêu diệt chuột, hãy đánh giá lại mô hình này có hại hay có lợi về kinh tế. Chúng tôi rất bức xúc vì đoàn cưỡng chế tiêu diệt chuột không có biên bản tiêu hủy, không thông báo hỗ trợ hay đền bù thiệt hại gì”, ông Giỏi kể.
Ông Lâm Văn Bá, Phó chủ tịch UBND thị trấn Tịnh Biên cho rằng, trang trại nuôi chuột không xin phép cơ quan chức năng, người dân phản ứng rất dữ vì lo sợ lúa bị chuột phá. Tuy nhiên, ông Bá thừa nhận, qua kiểm tra, chưa thấy chuột nuôi thoát ra ngoài phá lúa. “Chúng tôi chỉ nhận được công văn của tỉnh gửi phải cấp tốc tiêu hủy chuột, còn phần hỗ trợ hay bồi thường chưa thấy tỉnh đề cập đến”, ông Bá nói.
Ông Bá cũng cho biết khi tiêu hủy có lập biên bản nhưng không thấy nhóm nuôi chuột tới nhận.
Thanh Dũng