Từ đêm 8/12 đến hết ngày 9/12, Đà Nẵng mưa xối xả. 3h sáng, vợ chồng chị Thanh thức giấc khi nghe tiếng các vật dụng trong phòng trọ tại kiệt 640 Trưng Nữ Vương (quận Hải Châu) va vào nhau. "Mở mắt ra, tôi thấy nước tràn vào phòng và dâng rất nhanh", chị kể.
Đồ đạc trong phòng của chị Thanh bỏ hết lên giường. Ảnh: H.T. |
Vợ chồng chị vội rút điện tủ lạnh, thu dọn đồ đạc lên cao. Do không có gác xép, mọi tài sản được chất lên giường, từ xoong nồi đến quạt máy. Riêng hai xe máy để trong phòng đành bất lực nhìn nước nhận chìm dần. Quần áo treo trên tường cũng ướt mèm.
"Đến trưa 9/12, nước tràn vào phòng hơn một mét. Việc đi lại, trông coi đồ đạc dù vất vả song vẫn xoay xở được, riêng chuyện nấu ăn thì đành chịu", chị Thanh nói. Hai vợ chồng sau đó quyết định đi thuê khách sạn ở, tài sản trong phòng "đành phó mặc cho trời".
Thuê trọ trên đường Trưng Nữ Vương ba năm nay, chị Thanh bảo lần đầu phải sống trong cảnh ngập lụt. Trong trận mưa ngày 9/12, tuyến phố này bị ngập sâu nhất thành phố. Lực lượng cứu hộ phải đập cửa phòng từng nhà, giải cứu hai mẹ con bị mắc kẹt vì nước ngập sâu đến ngang cổ.
Con bị thủy đậu, chị Nguyễn Thị Lan ở quận Thanh Khê gọi taxi đưa cháu đi khám ở bệnh viện. Nhưng chờ cả tiếng không thấy xe. Chở con bằng xe máy, mất gần 30 phút chị mới xuống gần bệnh viện trên đường Nguyễn Văn Linh, nhưng đoạn đường ngập không đi qua được.
Tìm đến phòng khám tư ở đường Hải Phòng, chị được bác sĩ hẹn... đến trưa hôm sau mang con đến khám "nếu nước rút". Hai mẹ con loay hoay gần hai giờ dưới mưa mới về nhà. Bà mẹ không dám ghé tiệm thuốc vì không có đơn của bác sĩ.
Hàng loạt ôtô, xe máy bị hư hỏng khi phố biến thành sông. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Hàng nghìn hộ dân ở Đà Nẵng phải thức thâu đêm để thu dọn tài sản, tát nước ra khỏi nhà. Trên phố chuyên doanh kỹ thuật số Hàm Nghi (quận Thanh Khê), những dãy nhà ở ngay mặt tiền nước tràn vào đến 30 cm. "Chúng tôi trở tay không kịp, nhiều đồ đạc bị ngập, hư hỏng", ông Phan Công Sáu nói.
Mệt mỏi vì liên tục múc nước từ cửa nhà để dội sạch rác tràn vào phía trong, chủ một quán cà phê trên tuyến đường này phải quan sát ngoài đường. Nếu có xe lớn đi qua, ông nhanh tay dùng tấm gỗ chắn trước cửa, nhưng vẫn bị nước tạt vào.
Trên phố Phan Thanh lúc 18h ngày 9/12, nhiều sinh viên Đại học Duy Tân cùng người dân phải lội nước sâu quá đầu gối đi mua thực phẩm về nấu ăn. Điện bị cắt, người dân phải dùng đèn sạc, nến để chiếu sáng.
Ngồi canh nước đang mấp mé trước cửa nhà, bà Hoa cho biết từ năm 1975 đến nay mới chứng kiến cảnh ngập lụt này. "Đêm nay cũng chưa được ngủ ngon giấc, vì nghe thông báo trời vẫn mưa to", bà Hoa nói.
6 quận và huyện Hòa Vang bị ngập
Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Đà Nẵng cho biết, lượng mưa từ 19h ngày 8/12 đến 19h ngày 9/12 ở thành phố là 635 mm, cao nhất từ trước đến nay, vượt xa kỷ lục cũ được xác lập ngày 3/11/1999 là 42 mm.
Thành phố đã phải mở hết van ở cửa xả ven biển, sông, đào thêm mương thoát nước, dỡ đê quai tại một số công trình đang xây dựng. Tuy nhiên, mưa vẫn đang trút xuống và nhiều tuyến phố vẫn chìm trong biển nước. Trong đó, khu vực ngập sâu nhất là các tuyến đường xung quanh hồ điều tiết Hàm Nghi.
Đến tối 9/12, Đà Nẵng vẫn mưa to. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Ngành giáo dục đã phải thông báo cho học sinh, sinh viên nghỉ học vì diễn tiến mưa còn phức tạp. Tuyến đường sắt Bắc - Nam mới thông lúc 15h chiều 9/12, sau hơn 7 tiếng bị gián đoạn vì sạt lở. Nhiều khách đi và đến cảng hàng không quốc tế bị kẹt lại trên đường hoặc nhà ga, do mưa ngập, ôtô không thể vào được.
Báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Đà Nẵng cho thấy, tình trạng ngập trải rộng cả 6 quận và huyện Hoà Vang. Tại quận Hải Châu và Thanh Khê, chính quyền phải hỗ trợ mì tôm, nước cho một số dãy trọ trên đường Trưng Nữ Vương.
Còn ở quận Ngũ Hành Sơn, nơi ngập sâu nhất đến một mét, mưa lớn đẩy một lượng lớn nước và rác thải tràn ra các cửa xả ven biển, gây sạt lở bờ biển ở cửa xả Mỹ An. Nhiều diện tích hoa màu, trong đó có hoa Tết bị ngập úng.