Cuộc chiến ruột thịt

Cuối cùng, HĐXX của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra làm rõ một số tình tiết. Nguyên đơn và bị đơn - những người có gương mặt hao hao mà thoạt nhìn đã có thể nhận ra họ cùng chung huyết thống - lục tục ra về chuẩn bị cho cuộc chiến hơn thua mới, hứa hẹn quyết liệt hơn để đòi cho được quyền thừa kế của mình...

 
Nạnh nuôi cha, giành gia tài
 
Họ có tất cả 8 anh chị em, trong đó có 2  người hiện đang sinh sống ở nước ngoài. Lúc sinh thời, cha mẹ họ sống với vợ chồng người con trai tên P. trong căn nhà do cha mẹ mua và đứng tên.
 
Theo ông P., mỗi người con sau khi dựng vợ gả chồng đã được cha mẹ cho một số vốn để ra riêng, phần ông P. được cho căn nhà này sau khi cưới vợ. Ông đinh ninh mọi việc chỉ đơn giản thế thôi, vả lại “không lẽ cha còn sống mà kêu làm giấy thừa kế và  cũng không nghĩ có ngày các anh chị em lại kiện tụng đòi chia” nên căn nhà vẫn để cha mẹ đứng tên.
 
Chứng cứ duy nhất ông P. có là trong thời gian sinh sống ở đây, ông đã 2 lần bỏ tiền ra sửa chữa nhà mới được như hôm nay. “Các anh chị em ở gần đó nhưng cha mẹ sống chung với vợ chồng tôi, đau bệnh vợ chồng tôi lo, đến lúc mất cũng do tôi thờ cúng; có ai nhớ ngày giỗ đâu, chừng nào gọi, họ mới biết.
 
Không ai bỏ đồng nào phụng dưỡng cha mẹ... Hơn nữa, sau khi cha tôi mất vào năm 2002 đến nay, không ai tranh chấp gì căn nhà... Mong tòa xem xét cho tôi được thừa hưởng căn nhà đó” - ông P. nói trước phiên tòa phúc thẩm.
 
Tuy nhiên, 5 anh chị em của ông bác bỏ điều này, cho rằng căn nhà do cha mẹ mua và bỏ tiền xây dựng, những chứng cứ ông P. cung cấp là giả mạo, kể cả chuyện ông P. kể công nuôi dưỡng cha mẹ.
 
“Do P. làm ăn thất bại, đổ nợ, cha mẹ chúng tôi kêu về cho ở chung. Hai vợ chồng nó đi bán tối ngày ngoài chợ, sau ngày mẹ mất, cha phải tự đi chợ nấu ăn, thậm chí còn phải nấu cho tụi nó.
 
Khi cha đau ốm, đám tang, anh chị em xúm lại lo, bằng chứng bia mộ ghi rõ do các con lập, đâu phải mình P.? Chúng tôi có tấm hình chụp bia mộ, xin gửi tòa coi đúng không?” - chị ông P. khẳng định. Đó cũng là nguyên nhân khiến hai bên đều kháng cáo sau khi TAND tỉnh Trà Vinh xét xử.
 
Theo bản án sơ thẩm, do cha mẹ họ mất không để lại di chúc nên phần nhà đất trên là di sản của cha mẹ để lại chưa chia cho ai. Xét ông P. là người con sống chung với cha mẹ trên phần đất này, có công phụng dưỡng cha mẹ lúc ốm đau cũng như lo tang chế, thờ cúng nên chia nhà đất trên làm 10 suất thừa kế, ông P. được hưởng 3 suất, những người còn lại mỗi người một suất (199 triệu đồng/người). Giao ông P. được quyền sở hữu nhà và đất, buộc ông P. có nghĩa vụ thanh toán lại cho mỗi người thừa kế 199 triệu đồng.
 
Án tuyên xong, ông P. kháng cáo đòi được sở hữu toàn bộ nhà và đất, các anh chị em của ông kháng cáo đòi chia đều tài sản thừa kế, không đồng ý cho ông P. phần hơn.
 
Cạy từng viên gạch tìm vàng của cha?
 
Cũng tại phiên tòa phúc thẩm, ông P. trình bày sau đám tang của cha ông, anh chị em họp lại, có người nêu ý kiến: “Cha vẫn còn để lại vàng nhiều lắm” nên tất cả  thống nhất cạy từng viên gạch trong phòng của cha để tìm kiếm.
 
Cuối cùng, người anh rể tìm thấy được 8 lượng vàng dưới gầm tủ. Khi chia số vàng này, ông P. không có phần vì các anh chị em của ông cho rằng ông đã được thừa hưởng căn nhà.
 
Nhân chứng được mời lên khẳng định: “Tụi nó nói đào gạch tìm vàng trong khi cậu tôi mới nằm xuống chưa bao lâu, tôi thấy bất nhẫn quá nên mới ghi âm chuyện này. Tụi nó chia nhau vàng, còn căn nhà thì cho P.”.
 
 
Minh họa: NGUYỄN TÀI

 
Tuy nhiên, chị ông P. phản đối điều này: “Ông H. không có tư cách làm nhân chứng vì chúng tôi không có mời ổng. Với lại, lúc cha tôi còn sống cũng đã từ ông H. nên ổng chỉ đến viếng đám ma có một lần thôi.
 
Về cuộn băng đã từng được mở ra nhưng ồn lắm, không nghe được tiếng ai cả. Nói tóm lại, không có chuyện cạy gạch và tìm được 8 lượng vàng. Tất cả là do P. dựng chuyện. Tài sản cha chúng tôi có để lại thì nó là người hưởng, chúng tôi không ai dính líu gì”.
 
Lời kết
 
Chuyện tranh chấp thừa kế khiến những người ruột thịt trong gia đình trở thành người xa lạ, tình thâm bỗng chốc trở nên nhạt thếch, bạc bẽo khiến người ta thấy đắng chát.
 
“Đều là anh em ruột, bên nói có, bên nói không, tòa biết nghe ai? Tài sản do công sức mình làm ra nên được hưởng là lẽ đương nhiên, còn tài sản của cha mẹ nếu có thì cũng sắp xếp thế nào cho ổn thỏa để giữ tình ruột thịt.
 
Của cải, vật chất mất đi còn có thể làm ra cái khác nhưng tình anh em mất đi vì tiền, cha mẹ có lẽ cũng không thể nào yên lòng nhắm mắt cho được. Tôi thấy các con đều ở gần đó nhưng sao không ai lo cho ông cụ, để ông tự đi chợ nấu ăn rồi bây giờ kể lể công lao phụng dưỡng cha mẹ? Nếu nói bất hiếu, tất cả các anh chị đều bất hiếu, không phải chỉ một ai đó thôi...”- vị chủ tọa thở dài ngán ngẩm.
 
Tiếc rằng những lời tâm huyết đó hình như họ không nghe thấy. Trên gương mặt và trong từng lời nói của mỗi người vẫn là sự bực tức hơn thua trước khi rời khỏi tòa án. Bỗng dưng thấy thương cho cha mẹ đã quá cố của họ, những ngày giỗ chạp, lễ, Tết sắp tới biết phải về đâu khi các con không đồng tâm, đồng lòng đốt nén nhang tưởng nhớ?
Tố Trâm


Giày Đại Phát solution
Số người online:
19650
Số người truy cập:
7425246