Cụ rùa đang cần cứu chữa

Trích dẫn nội dung trong cuốn sách Rùa thế giới của tác giả Carl H. Ernst và Roger W. Barbour xuất bản năm 1989, ông Hà Đình Đức cho biết nhiều người chưa hiểu hết tác hại do rùa tai đỏ gây nên.
 
“Khi nhỏ chúng ăn động vật, lớn hơn có thể ăn thực vật. Theo nghiên cứu của tôi, chúng đã ăn hết tảo tạo màu xanh của hồ Gươm và đang trở thành nguy cơ lớn nhất ảnh hưởng đến sự sống chết của cụ rùa” - ông Đức nói.
 
Cụ rùa duy nhất tại hồ Gươm đang bị khá nhiều vết thương. Ảnh: C.T.V
 
Biết trước mà... bó tay
 
Ông Đức cho biết hồ Gươm có 4 cụ rùa nhưng đến nay chỉ còn một cụ và từ nhiều năm nay cụ rùa luôn đối mặt với quá nhiều nguy cơ dẫn tới thương tích đầy mình. Theo ông Đức, rùa tai đỏ xuất hiện từ năm 1997 qua tấm ảnh do một nhân viên công tác tại Bưu điện Hà Nội cung cấp cho ông.
 
Sau một thời gian nghiên cứu, đến năm 2004, ông Đức và cộng sự đã tiến hành đo 5 điểm dọc từ đảo Ngọc ra gò Rùa và phát hiện mực nước hồ Gươm giảm đến mức báo động, trung bình chỉ từ 0,7 - 0,9 cm, nhiều nơi chỉ khoảng 0,5 - 0,6 cm; nhiều chỗ cụ rùa bơi sục cả bùn.
 
“Tháng 4-2004, tôi được UBND quận Hoàn Kiếm mời họp về rùa tai đỏ. Thời điểm đó, tôi đã khẳng định loại này không xuất phát từ bản địa mà là sinh vật ngoại lai đã được Hiệp hội Quốc tế về thiên nhiên và nguồn tài nguyên thiên nhiên đưa tên vào danh sách 100 loài ngoại lai xâm hại. Chính vì thế phải tiêu diệt rùa tai đỏ để bảo vệ hồ Gươm và sự sống của cụ rùa ngàn tuổi”.
 
Ông Đức nhớ lại và cho biết hội nghị đã có báo cáo UBND TP Hà Nội thống nhất phương án xây dựng chương trình diệt rùa tai đỏ ở hồ Gươm nhưng đến nay rùa tai đỏ vẫn đang sinh sôi.
 
Ông Đức cho rằng sau khi ăn rất nhiều tảo trong hồ, việc kiếm tìm thức ăn trở nên khó hơn đối với rùa tai đỏ và có thể chúng đã quay sang tấn công, gặm nhấm cụ rùa hồ Gươm (thuộc loại mai mềm).
 
Bỏ ngỏ sức khỏe cụ rùa
 
Ông Hà Đình Đức cho biết: “Bức ảnh về chấn thương của cụ rùa được chụp và công bố trên báo mạng mới đây có thể coi là hình ảnh sốc nhất đối với tôi trong suốt 20 năm theo dõi, nghiên cứu về rùa hồ Gươm. Cụ rùa tuổi cao sức yếu nếu không được bảo vệ có thể tử nạn bất cứ lúc nào”.
 
Giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ Hà Nội Lê Xuân Rao cho biết đã có văn bản gửi UBND TP Hà Nội đề xuất áp dụng phương pháp xử lý vấn đề rùa tai đỏ tại hồ Gươm. Hiện chưa có giải pháp điều trị vết thương cho cụ rùa. “Đây là vấn đề nhạy cảm nên cần nghiên cứu kỹ lưỡng” - ông Rao nói.
 
Còn theo bà Lê Thanh Hiếu, Phó Phòng Quản lý Công nghệ, Sở Khoa học – Công nghệ Hà Nội: “Chúng tôi mới chỉ trình phương án lên TP, còn thực hiện bằng cách nào và vào thời gian nào thì vẫn đang chờ. Trước mắt, chúng tôi sẽ tập trung tuyên truyền cho người dân về tác hại của rùa tai đỏ và nếu họ tiếp tục thả rùa tai đỏ xuống hồ sẽ gây mối nguy hại rất lớn”.
 

Cụ rùa chết, ai chịu trách nhiệm?

 
Theo ông Hà Đình Đức, bên cạnh việc bị rùa tai đỏ tấn công, nhiều năm qua cụ rùa còn bị khá nhiều vết thương từ các lưỡi câu do các “cá tặc” để lại, hiện đang có vẻ yếu hơn mọi năm và cần sớm được đưa lên bờ cứu chữa. Dịp 23 tháng chạp tới nhất thiết có chế tài và phải cấm người dân phóng sinh rùa tai đỏ xuống hồ Gươm. Không thể nhanh chóng diệt xong rùa tai đỏ nhưng TP Hà Nội phải nhanh chóng vào cuộc. Nếu cụ rùa chết, ai chịu trách nhiệm?
Thế Kha

Giày Đại Phát solution
Số người online:
8863
Số người truy cập:
9359445