Giao lộ Lê Thánh Tôn - Pasteur (quận 1), TP.HCM, có một bà cụ lưng còng, nước da ngăm đen, tóc bạc trắng, cần mẫn ngồi bán xôi cho khách từ sáng sớm. Bà là Nguyễn Thị Kiệm, cư ngụ tại nhà 18/150 đường Trần Quang Diệu, phường 14, quận 3 – TP.HCM.
60 năm bán xôi trên đường phố Sài Gòn
Cụ Kiệm sinh năm 1932, quê ở xã An Lạc, huyện An Dương, Hải Phòng. Năm 1954 chồng tham gia cách mạng, cụ ở với cha mẹ được một thời gian thì cha mẹ qua đời, 6 anh chị em của cụ trở nên bơ vơ khi đất nước vừa độc lập. 1954, chồng trở về, hai vợ chồng cùng nhau di cư vào TP.HCM và bà bắt đầu theo nghiệp bán xôi từ đó. “Khi đó đứa con đầu mới có 23 ngày tuổi, thương con lắm nhưng không biết làm sao, cứ sáng sớm cho con ăn no, rồi lót con nằm giữa giường, còn tôi đi bán xôi đến chiều tối mới về”, cụ Kiệm nhớ lại.
Hàng xôi của cụ Kiệm tại giao lộ Lê Thánh Tôn - Pasteur, quận 1
Sau nhiều năm bán tại khu vực gần phủ Gia Long (nay gọi là dinh Độc Lập), có nhiều người thấy xôi cụ ngon, mua nhiều rồi trở thành khách quen nên cụ đã chọn nơi đây bán cho tới tận ngày nay. “Hồi đó cực lắm chú ơi. Đồng tiền khan hiếm đến nỗi một đồng bạc người ta xé làm đôi chia mỗi người một nửa, rồi đến đồng bạc cánh dừa, mãi đến sau này người ta mới dùng tiền xu”, cụ Kiệm kể tiếp. Để nhớ về một thời khó khăn và sự kiện trọng đại của đất nước, cụ Kiệm đã đặt tên người con đầu là Lập, ý nói về độc lập. Chồng cụ hồi đó sống bằng nghề thợ mộc, hai vợ chồng sống trong một khu nhà tạm bợ ở một vùng đầm lầy (quận Phú Nhuận), làm quần quật suốt ngày nhưng vẫn không đủ ăn.
Gần 60 năm qua không có một ngày nào cụ nghỉ bán, bất kể là nắng hay mưa. Trong 11 người con thì chỉ có ông Lập học tới lớp 10 rồi nghỉ vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Những người con còn lại của cụ đều học hành đâu vào đấy cả, giờ đây, người làm giáo viên, người làm y tá, người làm trong quân đội…. Càng kể về các con, cụ Kiệm càng tự hào về chính mình.
Nhà cụ tại địa chỉ 18/150 đường Trần Quang Diệu, phường 14, quận 3, dù 1 giờ sáng, cụ vẫn cần mẫn làm nếp, trộn đậu, đốt lò nấu xôi. 4 giờ sáng, cụ đã chuẩn bị đi bán. Theo năm tháng, lưng cụ ngày một còng đi. Con cháu ai cũng bận rộn công việc nên cụ thuê một người đạp xích lô, ngày hai chuyến chở cụ đi và về. “Giờ già yếu rồi nên chỉ bán ngày 5 - 7 kg cho vui thế thôi. Bán thế này cũng tùy vào người mua, nếu là người khá giả thì mua bao nhiêu bà bán bấy nhiêu nhưng gặp những người khó khăn thì vừa bán vừa biếu”.
Với thâm niên gần 60 năm bán xôi hiện cụ Kiệm đang được nhiều người dân Sài Gòn đặt cho biệt danh “cụ bà đang bán xôi giữ kỷ lục nhiều năm nhất tại TP.HCM”. Hiện xôi của cụ không chỉ khẳng định thương hiệu bậc nhất tại TP.HCM mà còn được nhiều khách du lịch đến từ nhiều nước trên thế giới như Canada, Úc…biết đến, có người mỗi khi đến Việt Nam đều nhờ cụ Kiệm làm cả hàng chục kg để mang về nước làm quà. Thậm chí có những người ở Hungary, Mỹ mời cụ sang triển lãm về món xôi, nhưng vì tuổi cao nên cụ từ chối.
Một đời bà, ba đời cây
Cả con phố, từ cụ già cho đến con trẻ, từ chị bán vé số đến những anh chạy xe ôm ai cũng biết đến cụ, bởi không chỉ bán xôi mà cụ còn là nhân chứng lịch sử nơi diễn ra bao biến cố trọng đại của đất nước. “Sau khi dinh Độc Lập bị ném bom, Ngô Đình Diệm chuyển về dinh Gia Long ở, tình hình chính trị cũng bắt đầu căng, ngày nào cũng biểu tình từ sáng sớm đến chiều tối. Nhân dân, tăng ni, phật tử đều xuống đường biểu tình, hàng ngàn người dân đổ xuống đường hô lật đổ Ngô Đình Diệm, bom đạn ném suốt ngày đêm”, cụ Kiệm nhớ lại.
Rồi cụ đưa bàn tay chỉ về con đường Lê Thánh Tôn, nói như chứng minh: “Con đường này hồi đó rợp bóng cây me, hai bên đường chỉ có nhà cấp bốn, Phủ Gia Long của ông Diệm là to nhất. Chỗ tôi đang ngồi trước đây là gốc cây dương, từ đó tới giờ nó đã thay ba đời cây rồi. Trước hết là cây mai, sau đó già và chết, rồi cây mai khác mọc lên cũng già mà chết thì người ta mới trồng lại cây dương này”.
60 năm qua, gánh xôi của cụ Kiệm đã chứng kiến rất nhiều thăng trầm lịch sử
Với những cụ già gốc Bắc hiện đang sinh sống ở TP.HCM thì món xôi của cụ đã trở thành một món ăn không thể thiếu. Bởi với các cụ không đơn thuần là một món ăn sáng bình thường, mà còn là một hương vị của quê hương. Ông Nguyễn Đình Tám, một khách hàng thâm niên tâm sự: “Không chỉ tôi mà nhiều người khác mỗi khi ăn xôi của cụ Kiệm làm họ nhớ đến món xôi bắp đặc trưng của quê hương miền Bắc, khiến họ được sống lại từ tuổi thơ, nhớ về hình ảnh mẹ già trước đây cũng thường xuyên dậy sớm, để làm xôi cho các con ăn trước khi đi học”.
Ngần ấy năm xa quê nhưng cụ Kiệm chỉ về thăm quê hương có một lần sau khi đất nước vừa độc lập, với một ý nguyện là tìm lại gốc gác, sửa sang phần mộ cho cha mẹ sau nhiều năm xa cách. Nhưng ý nguyện đó của cụ không thực hiện được vì đã quá lâu nên bị thất lạc. Anh chị em cũng tha phương cầu thực, không còn một ai. Kể từ ngày đó tới giờ cụ luôn cánh cánh bên lòng một nỗi buồn vì chưa làm tròn chữ hiếu của đạo làm con.