Công dụng của isoflavone với sức khỏe và sắc đẹp

 Theo tài liệu của Soy Connection (nền tảng hợp tác giữa các chuyên gia y tế, dinh dưỡng và thực phẩm với nông dân trồng đậu nành Mỹ), isoflavone là hợp chất tự nhiên được tìm thấy rộng rãi trong thực vật, nhất là các loại đậu. Trong số các loại thực phẩm được tiêu thụ phổ biến, đậu nành và hầu hết các loại thực phẩm làm từ đậu nành là nguồn cung cấp isoflavone đặc biệt dồi dào.

Isoflavone có cấu trúc hóa học tương tự estrogen và được phân loại là estrogen thực vật (phytoestrogen), vì trong những tình huống nhất định, hợp chất này phát huy tác dụng tương tự như hormone estrogen. Tuy nhiên, isoflavone khác với hormone estrogen lâm sàng và ở cấp độ tế bào. Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh công dụng của isoflavone trong gìn giữ sức khỏe và sắc đẹp, khiến hợp chất này trở thành một trong những "thần dược" cho phụ nữ.

Isoflavone hỗ trợ làm đẹp da

Giáo sư M Julie Thornton, Giám đốc học thuật tại Trung tâm Khoa học Da (thuộc trường Đại học Bradford, Anh) cho biết sự quan tâm đến tác dụng của đậu nành đối với sức khỏe tổng thể của da không có gì đáng ngạc nhiên, vì isoflavone có thể liên kết với thụ thể estrogen có trong da. Liệu pháp estrogen được chứng minh giúp cải thiện một số thông số của da, bao gồm độ đàn hồi, khả năng giữ nước, sắc tố và vi tuần hoàn. Các phần phụ của da, như nang lông, cũng bị ảnh hưởng bởi estrogen.

Nhiều kết quả nghiên cứu lâm sàng tại Nhật Bản và trên thế giới (với các nhóm phụ nữ U40 và 40, nhóm mãn kinh, nhóm 50 - 65 tuổi) cho thấy sử dụng thức uống cũng như thực phẩm chứa isoflavone giúp giảm đáng kể các nếp nhăn nhỏ trên da. Bên cạnh đó, các thực phẩm này giúp gia tăng tổng hợp collagen.

Sữa đậu nành với nguồn isoflavone là một trong những cách giúp chị em duy trì sức khỏe và làm đẹp. Ảnh: Vinasoy

Isoflavone giảm nguy cơ một số loại ung thư

Theo Soy Connection, vai trò của isoflavone và thực phẩm làm từ đậu nành trong việc giảm nguy cơ ung thư vú đã được nghiên cứu nghiêm túc từ hơn hai thập kỷ. Một phân tích tổng hợp các nghiên cứu dịch tễ học được công bố vào năm 2013 cho thấy lượng đậu nành tiêu thụ cao hơn có liên quan đến việc giảm có ý nghĩa thống kê tới 29% nguy cơ mắc ung thư vú. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy việc ăn đậu nành ở người lớn không làm giảm nguy cơ ung thư vú, sử dụng đậu nành trong thời thơ ấu và thanh thiếu niên thì có hiệu quả.

Dù còn nhiều tranh cãi nhưng dữ liệu lâm sàng và dịch tễ học cho thấy thực phẩm từ đậu nành an toàn cho phụ nữ mắc ung thư vú. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy tiếp xúc với isoflavone không ảnh hưởng xấu đến các dấu hiệu nguy cơ ung thư vú bao gồm mật độ mô vú và tăng sinh tế bào vú trong cơ thể sống.

Năm 2012, Hiệp hội Ung thư Mỹ và Viện Nghiên cứu Ung thư Mỹ (AICR) kết luận rằng bệnh nhân ung thư vú có thể sử dụng an toàn thực phẩm làm từ đậu nành. Năm 2018, một báo cáo kết hợp từ AICR và Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới kết luận có sự liên quan giữa việc tiêu thụ thực phẩm từ đậu nành và việc cải thiện khả năng sống sót sau ung thư vú.

Ngoài ra, sử dụng đậu nành có thể làm giảm nguy cơ phát triển ung thư nội mạc tử cung

Isoflavone giúp giảm các cơn bốc hỏa liên quan đến tiền mãn kinh ở phụ nữ

Theo tài liệu của Viện Y tế quốc gia Mỹ, cơn bốc hỏa là triệu chứng mãn kinh mà phụ nữ mong muốn được điều trị nhiều nhất. Đối với hầu hết chị em, những cơn bốc hỏa bắt đầu trước thời kỳ mãn kinh. Có từ 10 - 15% những phụ nữ này trải qua những cơn bốc hỏa nghiêm trọng và thường xuyên.

Soy Connection cho biết, từ năm 1995, đã có nhiều nghiên cứu tìm hiểu sự liên quan giữa việc tiêu thụ isoflavone và các cơn bốc hỏa ở phụ nữ. Tổng hợp nhiều dữ liệu được công bố trước năm 2012 cho thấy, isoflavone có thể giúp ích cho phụ nữ bị bốc hỏa. Độ thuyên giảm do isoflavone mang lại phù hợp với mong muốn của các phụ nữ muốn dùng phương pháp điều trị cơn bốc hỏa không cần hormone. Lượng isoflavone (tương đương 50 mg) trong khoảng hai khẩu phần ăn với các thực phẩm làm từ đậu nành có thể giúp giảm triệu chứng bốc hỏa ở chị em.

Một số thực phẩm cung cấp lượng isoflavones dồi dào. Ảnh: motherearth-medicine

Trong các thành phần dinh dưỡng trong hạt đậu nành, bên cạnh đạm thực vật thì isoflavone chiếm một vị trí quan trọng, tạo đặc trưng cho nguồn nguyên liệu này. Ngoài những lợi ích sức khỏe mà isoflavones mang lại thì cân bằng dinh dưỡng với lượng đạm đậu nành đều đặn hàng ngày còn giúp duy trì cân nặng, kiểm soát vóc dáng.

Tiến sĩ Mark Messina, Giám đốc nghiên cứu dinh dưỡng đậu nành, Viện Dinh dưỡng đậu nành toàn cầu Mỹ khuyến nghị, một người trưởng thành nên dùng 2 khẩu phần ăn hàng ngày có các món ăn làm từ đậu nành, để được cung cấp khoảng 15-25g đậu nành. Với trẻ em, lượng đậu nành nên tiêu thụ hàng ngày là khoảng 7-15g. Nếu không có thời gian chuẩn bị, việc lưu trữ sẵn sữa đậu nành trong nhà sẽ giúp người tiêu dùng bổ sung đậu nành nói chung và isoflavone nói riêng cho bản thân và gia đình.

Kim Anh


Giày Đại Phát solution
Số người online:
5347
Số người truy cập:
9246663