Công chức TP HCM đi xe buýt ít nhất một ngày trong tuần

Phát biểu trong buổi lễ phát động, ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, cho biết, ngoài việc tiết kiệm chi phí nhiên liệu, phong trào vận động toàn dân đi xe buýt còn nhằm góp phần làm giảm ùn tắc giao thông. Sau khi bắt đầu với công chức, cuộc vận động sẽ mở rộng tới gia đình, người thân họ và sau cùng là mục đích hưởng ứng trong toàn dân.


Từ hôm nay, xe buýt sẽ bắt đầu đồng hành cùng người dân Sài Gòn. Ảnh: Đức Quang

Tính toán của Sở Giao thông vận tải, với quãng đường 20 km sử dụng xe buýt, chi phí chỉ bằng 10-20% xe ôtô, 45% số tiền nhiên liệu khi đi xe gắn máy. Nếu người dân sử dụng kết hợp cả phương tiện công cộng và xe không có động cơ để đi lại một ngày trong tuần thì mỗi năm thành phố sẽ tiết kiệm 4.643 tỷ đồng và dành ra 15 km2 mặt đường trống.

Cuộc vận động trên được đưa ra, trước tình hình gia tăng quá nhanh phương tiện cơ giới giao thông đường bộ (bình quân mỗi ngày có khoảng 150 ôtô, 1.200 xe máy đăng ký mới), hạ tầng giao thông ở TP HCM đặc biệt các quận nội thành đã quá tải trong khi đó chỉ có hơn 6% người dân sử dụng phương tiện công cộng là một điều lãng phí. Cộng thêm với hàng trăm lô cốt mọc lên ở nhiều tuyến đường đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình giao thông thành phố.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thành Tài, phó Chủ tịch UBND TP HCM, để cuộc vận động thành công, lôi kéo mọi người bỏ thói quen sử dụng thường xuyên xe cá nhân, xe buýt còn cần phải cải thiện rất nhiều.

Cũng trong sáng 30/8, TP HCM đã chính thức phát động tháng an toàn giao thông, vì trong tháng 9 là khoảng thời gian có nhiều yếu tố tác động xấu đến giao thông như cao điểm mùa mưa bão triều cường, học sinh - sinh viên bước vào năm học mới... nên thành phố sẽ thực hiện một loạt những biện pháp mạnh.

Theo đó, lãnh đạo thành phố kỳ vọng tháng 9 kéo giảm được 15% tai nạn giao thông và không để xảy ra ùn tắc trên diện rộng, kéo dài.

Theo VnExpress


Giày Đại Phát solution
Số người online:
4578
Số người truy cập:
9269678