Anh Nguyễn Xuân Liên đi xe khách từ bến Lam Hồng (Bình Dương) ra Ninh Bình. Khi đến Quảng Bình, xe dừng ở quán cơm Khánh Hòa. Anh kể: "Tôi định sang quán phở đối diện thì hai bảo vệ ngăn lại, bảo ở đây không ai được đi chỗ khác. Một người nắm cổ áo tôi lôi vào, nói: “Không ăn thì vô ngồi, không được đi quán khác!”. Tức quá, tôi rút từ túi quần ra chiếc túi có thẻ công an rồi bảo: “Tôi đang đi công tác!”. Anh ta nói: “Ông công an thì làm gì?”.
Anh Lê Thế Hạnh cũng định theo anh Liên qua bên kia đường và bị giữ lại. Chúng nói: “Vào quán người ta rửa ráy rồi phải ăn!”. Đến khi anh Liên hỏi nếu không ăn thì sao thì một đầu gấu thách thức: “Mày có gọi công an huyện chứ công an tỉnh cũng không làm gì được!”. Chỉ đến khi anh Liên gọi cho trực ban công an huyện, đám đầu gấu mới nhượng bộ để anh sang bên kia đường.
Ăn xong, vì sợ đám đầu gấu làm liều, anh Liên phải chờ xe chuyển bánh mới qua đường và leo lên xe. Từ trong quán, hai kẻ cầm dao đi phía sau xe. Lúc này có hai công an mặc đồng phục đến. Anh Liên đã đề nghị công an huyện xử lý "vì chúng tôi đi công tác qua đây và cũng không có thời gian ở lại vì nhiều người trên xe phải chờ”.
Đoạn đường quốc lộ 1 qua ngã ba Cam Liên có chừng 5-6 quán cơm đường dài. Tuy nhiên, các quán khác đều bán cơm cho xe tải hoặc khách lẻ nên vắng hoe. Duy nhất quán Khánh Hòa bán cơm cho xe tốc hành liên tỉnh, mỗi ngày đón trên 1.000 lượt khách, chủ yếu từ xe Nghệ An, mang biển đăng ký là 37N hoặc 37H.
Mỗi ngày quán này chỉ tiếp hai đợt hành khách của Nghệ An. Đợt đầu vào buổi trưa từ 10h đến 1h trưa, xe Nghệ An vào Sài Gòn. Đợt hai từ 4h chiều đến 7h tối xe Nghệ An chạy từ Sài Gòn về.
Thượng tá Hoàng Việt Thắng, Trưởng Công an huyện Lệ Thủy cho biết, từng có đơn tố cáo quán Khánh Hòa dùng thủ đoạn ép các xe biển kiểm soát 37 đưa khách vào, chủ quán móc nối với cảnh sát giao thông Công an tỉnh Quảng Bình. Khi các xe bị bắn tốc độ hoặc bị xử phạt, chỉ cần đưa giấy tờ xe đến quán này để chủ quán thương lượng giải quyết nhẹ hơn. Những chủ xe không chịu ghé quán này, khi đi ngang qua Quảng Bình thế nào cũng bị bắt.
Tuy nhiên, thượng tá Thắng cho biết đơn thư nặc danh đó không có căn cứ để giải quyết nên công an tỉnh cũng như công an huyện Lệ Thủy không thể làm gì được. Đối với những trường hợp hành khách bị ép, bị hành hung, nếu nạn nhân ở lại công an địa phương mới giải quyết được. Trong khi, phần lớn sự việc xảy ra, khách lên xe đi luôn như trường hợp xảy ra trưa 28/6 tại quán này.
Quán Khánh Hòa được xây dựng trên khu đất vốn là nhà kho của HTX, được ông Võ Xuân Đấu là người địa phương mua lại. Ông Đấu nguyên là cán bộ công an chuyển ngành. Ông Nguyễn Bá Xuy, Chủ tịch UBND xã Thanh Thủy cho biết việc kinh doanh của quán Khánh Hòa hiện nay do Võ Xuân Sang, con trai ông Đấu điều hành.
Võ Xuân Sang năm nay 36 tuổi, nổi lên như một đại gia trong khu vực này. Sang là anh em họ với Quảng “Cận”, một trong những nhận vật thế lực ở bến xe Lam Hồng (Bình Dương) cùng với Thắng “Thế”. Ngày quán Khánh Hòa 2 (Tuy Phong, Bình Thuận) khai trương, Thắng “Thế” nửa đêm đi phát card visit của quán này cho các chủ xe với lời răn: “Bay làm sao coi được thì làm!”.
Và sau đó, hàng loạt xe khách Nghệ An xuất phát từ bến Lam Hồng đã ngoan ngoãn đưa khách vào quán Khánh Hòa II ở Bình Thuận và quán Khánh Hòa ở Quảng Bình.
Theo VnExpress