Con người đang hủy hoại Trái đất

Trước khi cuộc giao lưu bắt đầu, những người tham dự được "sống" lại qua sự tàn phá của các cơn bão, lũ ở miền Trung với hình ảnh hàng trăm người dân ngồi bó gối trên những mái nhà còn may mắn "đứng" được trong biển nước. Theo các nhà khoa học, biến đổi khí hậu toàn cầu không phải là chuyện xa xôi, chính VN cũng đang phải đối mặt trước những hậu quả của sự thay đổi này.

Trái đất nóng lên

Chuyên gia về môi trường, giáo sư Phạm Duy Hiển mở đầu buổi giao lưu bằng hình ảnh: nếu ta xem sự hình thành của Trái đất như chu trình của một ngày thì sự xuất hiện của con người chỉ là giây phút cuối cùng của ngày ấy. Đáng tiếc, cũng chỉ trong những giây phút ngắn ngủi này, con người đã có những tác động không nhỏ làm mất đi hình ảnh tươi đẹp ban đầu của Trái đất. Cụ thể hơn, Trái đất hình thành từ trên 4,5 tỉ năm đã bị thay đổi nghiêm trọng chỉ trong 200 năm, tính từ thời cách mạng công nghiệp lần thứ nhất (cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19). Nếu chúng ta cứ tàn phá Trái đất như hiện nay thì đến cuối thế kỷ 21, nhiệt độ của Trái đất có thể tăng lên thêm 5OC.

Trả lời về hiện tượng hiệu ứng nhà kính do một bạn đọc từ Hội An (Quảng Nam) hỏi, giáo sư Hiển giải thích Trái đất nóng lên không phải do những ngôi nhà (nhà ở, nhà trồng rau…) mà chúng ta thường thấy. Đây là cách nói hình ảnh về sự tác hại của khí CO2 do con người tạo ra. Chính lớp khí CO2 hấp thụ nhiệt lượng từ Trái đất và tỏa ra toàn cầu, như chức năng của những tấm kính thông thường. Bên cạnh CO2 còn có các chất khí khác như CFC trước đây đã từng được sử dụng trong việc chế tạo tủ lạnh, khí mêtan cũng tạo nên hiệu ứng nhà kính.

Nhưng nói Trái đất nóng lên sao gần đây nhiều nơi thời tiết lại giá lạnh, cụ thể như ở VN vào mùa đông 2007 vừa qua? Giáo sư Hiển cho biết tác động lớn nhất là tạo ra hiện tượng thời tiết cực đoan, không bình thường với cường độ và tần suất ngày càng lớn. PGS-TS Nguyễn Văn Phước, viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết thời tiết lạnh đi cũng chính do sự biến đổi khí hậu. Theo đó không khí nóng đã đẩy không khí lạnh về xích đạo, trong đó có VN chịu ảnh hưởng. Và việc nói nhiệt độ nóng lên là nhiệt độ trung bình chứ không phải nhiệt độ tức thời.

Chúng ta ở đâu trong sự biến đổi?

Bạn đọc Trần Văn Ẩn (Long An) phát biểu tại buổi tọa đàm

Nhà văn Nguyên Ngọc lấy ví dụ về hình ảnh mùa nước nổi ở vùng đồng bằng sông Cửu Long để nói lên sự ảnh hưởng ngày càng rõ ràng của sự biến đổi khí hậu. Nếu trước đây, hình ảnh mùa nước nổi là hình ảnh hết sức ấn tượng về nét đặc trưng của miền sông nước thì nay từ "nước nổi" đã phải chuyển sang "lũ”.

Nạn phá rừng ở Tây nguyên tưởng chừng vô hại với vùng đồng bằng sông Cửu Long nhưng thực tế có tác động không nhỏ như chuyển dòng sông Sêrêpốk chảy vào sông Mekong rồi qua đồng bằng sông Cửu Long. Hay chuyện mấy năm trước nông dân ở Đồng Tháp bắt được một con cá đuối to, chứng tỏ có vùng nước sông đã bị nhiễm mặn.

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách phát triển nông nghiệp và nông thôn, cho biết hiện Chính phủ cũng đã đề cập việc xây dựng một chương trình mục tiêu nhằm hạn chế, giảm bớt những thay đổi của biến đổi khí hậu đến đời sống kinh tế - xã hội của VN. Trong đó có việc đối phó với khả năng mực nước biển sẽ cao từ 0,7-4m trong tương lai nếu như tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu không có chuyển biến.

Trong khi những thay đổi đồng bộ chưa diễn ra, các nhà khoa học tại buổi giao lưu đặc biệt lưu ý đến việc sử dụng lãng phí nhiên liệu trong cuộc sống hằng ngày. Ví dụ chuyện nhỏ nhất như việc tắt tivi bằng nút điều chỉnh trên tivi (sử dụng năng lượng của người) cũng khác với việc sử dụng điều khiển từ xa (remote - sử dụng năng lượng điện).

Nói thế không có nghĩa là con người phải "hi sinh" những tiện ích hiện đại nhưng ở nhiều nơi, nhiều sự việc khác, sự lãng phí này cũng thể hiện một cách sống, những hành vi cần được điều chỉnh. Anh Lê Hoàng, tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, cho rằng khi vấn đề biến đổi khí hậu được đặt ra, có thể khiến chúng ta hiểu hơn để quan tâm đến môi trường, cuộc sống của xã hội và của chính chúng ta nhiều hơn. Nhận ra điều này để chúng ta cùng nhau hành động.

Nhiều giảng viên trẻ, sinh viên và bạn đọc báo Tuổi Trẻ đã gửi đến cuộc tọa đàm những băn khoăn về tình trạng phá rừng lấy đất nuôi gia súc, sử dụng lãng phí các nguồn nhiên liệu mà dễ thấy nhất là việc sử dụng điện. Rồi chuyện sử dụng máy lạnh cho xe buýt, nuôi gia súc gia cầm không đúng qui cách, chuyện đô thị hóa các vùng đất vốn là các vùng nông nghiệp trù phú, các dự án, các khu công nghiệp ven biển… cũng được nêu ra.

Đ.T.DUY

Theo Tuổi Trẻ


Giày Đại Phát solution
Số người online:
11753
Số người truy cập:
9259172