Theo quy định tại Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, pháp luật cấm kết hôn trong những trường hợp sau đây: Người đang có vợ hoặc có chồng; Người mất năng lực hành vi dân sự; Giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; Giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng; Giữa những người cùng giới tính.
Đối chiếu với điều luật trên, con đẻ và con nuôi không thuộc vào trường hợp cấm kết hôn. Do đó, về nguyên tắc, bạn và người em nuôi có thể kết hôn với nhau song phải bảo đảm các điều kiện về kết hôn mà pháp luật hôn nhân và gia đình quy định.
Theo quy định tại Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình, nam nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau: Nam từ 20 tuổi trở lên, nữ từ 18 tuổi trở lên; Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định, không bên nào được ép buộc, lừa dối bên nào; Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn quy định tại Điều 10 của Luật này...
Theo đó, điều kiện để bạn và người em nuôi được kết hôn với nhau là:
- Về độ tuổi: bạn phải từ 20 tuổi trở lên, người em nuôi từ 18 tuổi trở lên. Tuy nhiên, luật không bắt buộc bạn phải từ đủ 20 tuổi trở lên, người em nuôi phải từ đủ 18 tuổi trở lên, do đó, chỉ cần bạn đã bước sang tuổi 20, người em nuôi đã bước sang tuổi 18 là có thể kết hôn mà không bị coi là vi phạm điều kiện về tuổi kết hôn.
- Về tính tự nguyện: Việc kết hôn phải do bạn và người em nuôi tự nguyện quyết định, không bên nào bị ép buộc, lừa dối, cũng như bị cưỡng ép, cản trở. Ví dụ, ép buộc bằng đe dọa dùng vũ lực hay vật chất, một bên lừa dối mình bị bệnh hiểm nghèo, mất khả năng sinh lý…
- Về các trường hợp cấm kết hôn: bạn và người em nuôi không thuộc trường hợp cấm kết hôn theo phân tích ở trên.
Tóm lại, nếu bạn và người em nuôi của bạn đủ điều kiện về độ tuổi và tính tự nguyện theo quy định nêu trên, hai anh em bạn đủ điều kiện kết hôn với nhau và việc kết hôn đó được pháp luật công nhận khi thực hiện đúng trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình. Tuy nhiên, đây là trường hợp kết hôn khá “đặc biệt” nên bạn cũng cần lưu ý đến tập quán địa phương cũng như tranh thủ được sự ủng hộ của cha mẹ để việc kết hôn được thuận lợi, bảo đảm cuộc sống hạnh phúc sau này.
Thạc sĩ, Luật sư Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc