Tại Cổng thông tin Bộ Công an, câu hỏi được trả lời như sau:
Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có chức năng tham mưu với bộ trưởng, tỉnh ủy, ủy ban nhân dân tỉnh về bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm; chủ trì và thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm trên địa bàn tỉnh...
Công an cấp tỉnh là cơ quan thuộc lực lượng vũ trang, vừa là cơ quan hành pháp (quản lý nhà nước), vừa là cơ quan tư pháp, cơ quan thi hành tạm giữ, tạm giam, có lĩnh vực quản lý rộng; nhiệm vụ liên quan đến hầu hết các lĩnh vực đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội...
Giám đốc công an cấp tỉnh được xác định là chức vụ cơ bản, quan trọng trong hệ thống chức vụ sĩ quan công an nhân dân, là cấp dưới liền kề, có thể quy hoạch, bổ nhiệm chức danh thứ trưởng. Tiêu chuẩn chức danh, cấp bậc hàm của giám đốc công an cấp tỉnh phải đảm bảo tương quan với chức danh cục trưởng (điều này hoàn toàn khác với quân đội).
Như vậy, khi bổ nhiệm thứ trưởng, cán bộ phải có thời gian đảm nhận chức vụ giám đốc công an cấp tỉnh nơi địa bàn phức tạp, trọng điểm về an ninh, trật tự để rèn luyện, thử thách. Nếu chức danh giám đốc công an cấp tỉnh không có cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng sẽ không luân chuyển được cán bộ cấp cục đã có cấp bậc hàm tương đương làm giám đốc.
Ngoài ra, với các tỉnh được phân loại là đơn vị hành chính cấp I, tình hình an ninh, trật tự còn phức tạp hơn. Nhiệm vụ của giám đốc công an các tỉnh này nặng nề hơn, vì thế có chế độ, chính sách về cấp bậc hàm cao hơn các địa phương khác là phù hợp.
Cục trưởng cục đặc biệt được đề xuất là trung tướng
Trong công an nhân dân, có những đơn vị có nhiệm vụ đặc biệt của lực lượng công an như: Chống gián điệp, Bảo vệ chính trị, An ninh xã hội, Cảnh sát hình sự, Cảnh sát kinh tế, Cảnh sát phòng, chống tội phạm về ma túy...
Hiện nay, do tinh gọn bộ máy, Bộ Công an không tổ chức cấp tổng cục, các đơn vị cấp cục được củng cố, nâng cao chất lượng. Nhiều cục được thành lập trên cơ sở hợp nhất 2, 3, 4, thậm chí 5 đơn vị cấp cục mà cục trưởng có cấp bậc hàm thiếu tướng.
Các cục này trực thuộc bộ và cấp dưới liền kề của chức vụ thứ trưởng, là nòng cốt của đội ngũ sĩ quan, có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác lãnh đạo. Vì thế, đa số cấp bậc hàm cao nhất của cục trưởng là trung tướng, phó cục trưởng là thiếu tướng là phù hợp.
Khi bộ máy tinh gọn không còn tổng cục, vị trí, vai trò, trách nhiệm của cấp cục được nâng lên nên cấp bậc hàm của cục trưởng là trung tướng sẽ hợp lý và phù hợp với chủ trương của Hội nghị Trung ương 7 vừa qua là “tinh gọn bộ máy để tăng chính sách cho cán bộ”.
Đối với các đơn vị cấp cục và cấp tương đương còn lại khác như dự thảo Luật, cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng là phù hợp, đảm bảo tương quan chung và cơ bản như Luật Công an nhân dân hiện nay.