Có phải ai cũng được quyền sử dụng Quốc ca?

 Theo điều 143 Hiến pháp năm 1992: "Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhạc và lời bài Tiến quân ca". Bài hát do cố nhạc sĩ Văn Cao sáng tác. Năm 2016, gia đình cố nhạc sĩ đã hiến tặng cả phần nhạc và lời cho nhân dân và tổ quốc Việt Nam.

Phần hát quốc ca bị ngắt lời vì lý do bản quyền. Ảnh: Chụp màn hình

Phần hát quốc ca bị ngắt lời "vì lý do bản quyền". Ảnh: Chụp màn hình

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Lê Thị Thu Hương (Công ty Luật TNHH T2H) cho biết, bản Tiến quân ca gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao tặng lại nhân dân là bản nhạc viết trên giấy, không phải bản ghi hình, ghi âm có thể dùng ngay. Bài hát muốn sử dụng được để phát sóng, đăng tải cần ghi âm hoặc ghi hình để phổ thành bản nhạc.

Viện dẫn Luật Sở hữu trí tuệ, luật sư Hương cho rằng, quyền tác giả với tác phẩm âm nhạc phát sinh từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không bắt buộc đăng ký hay công bố. Một tác phẩm được thể hiện dưới dạng nhạc nốt trong bản nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác có hoặc không có lời, không phụ thuộc vào việc trình diễn hay không trình diễn.

Bởi thế, liên quan đến một tác phẩm âm nhạc sẽ có hai quyền: Quyền tác giả và Quyền liên quan đến quyền tác giả.

Theo Luật Sở hữu trí tuệ, Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Quyền sở hữu bản ghi (quyền liên quan đến quyền tác giả) là quyền của tổ chức, cá nhân với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng,...

Gia đình cố nhạc sĩ đã hiến tặng bản Tiến quân ca cho nhà nước nên việc sản xuất bản ghi bài hát này không cần xin phép chủ thể nào. Khi một đơn vị sản xuất bản ghi âm, ghi hình, họ có quyền với bản ghi do mình tạo ra, theo điều 30 Luật Sở hữu trí tuệ.

Nhà sản xuất có quyền phân phối đến công chúng bản gốc hoặc bản sao bản ghi âm, ghi hình của mình bằng hình thức bán, cho thuê. Đơn vị sản xuất ra bản ghi âm còn có quyền hưởng lợi vật chất khi sản phẩm của mình được phân phối.

"Từ đó, người nào sử dụng phần lời bài hát thì không phải xin phép. Còn trường hợp dùng bản ghi, hòa âm, phối khí của bài Tiến quân ca do đơn vị nào sản xuất thì phải xin phép họ và thậm chí là trả tiền bản quyền. Giả dụ, các cầu thủ hát quốc ca mà không theo bản nhạc hòa âm sẽ không vi phạm bản quyền khi phát sóng", luật sư nói.

Đại diện một công ty truyền thông đa phương tiện ở Hà Nội cho biết, vấn đề bản quyền âm nhạc, hình ảnh được quản lý rất chặt, nhất là khi đưa lên môi trường mạng. Tuy nhiên hiện nay nhiều người vẫn chưa chú trọng và hiểu rõ về bản quyền nên thường "tự do sử dụng mà không xin phép". Họ sử dụng nhạc không bản quyền như một thói quen.

Bài Tiến quân ca có nhiều đơn vị cả trong và ngoài nước đều sản xuất bản ghi. Khi cá nhân, tổ chức tự bỏ tiền sản xuất bản ghi Tiến quân ca riêng, họ là chủ sở hữu hợp pháp của bản ghi. Vậy ai vô tình" sử dụng bản ghi của đơn vị nào mà không xin phép sẽ bị "đánh" bản quyền dẫn đến mất doanh thu quảng cáo trên Youtube hoặc thậm chí nặng hơn là khóa kênh.

"Bởi thế với bản nhạc phổ biến như Quốc ca, tôi đề xuất nên có một bản ghi "cấp quốc gia" và phổ biến rộng rãi để tránh gây tranh cãi không đáng có về sau. Bản ghi này có thể thu phí để duy trì hoặc miễn phí cho toàn dân", vị đại diện nói.

Phạm Dự


Giày Đại Phát solution
Số người online:
64134
Số người truy cập:
8585771