Có nên đổ tiền tỷ mở quán trà sữa nhượng quyền?

 Báo cáo của một đơn vị nghiên cứu thị trường cho thấy, giá trị bất động sản ở một số tuyến đường được xem là "thánh địa trà sữa" tại các thành phố lớn đã tăng 25-71% so với cùng kỳ năm trước. Đằng sau cơn sốt "mặt bằng" này chính là sự bùng nổ của mô hình nhượng quyền kinh doanh trà sữa với chi phí đầu tư cho một cửa hàng có thể lên tới nhiều tỷ đồng.

Cảnh xếp hàng mua trà sữa trên một con phố tại TP HCM. Ảnh: Phương Đông

Cảnh xếp hàng mua trà sữa trên một con phố tại TP HCM. Ảnh: Phương Đông

Trà sữa du nhập vào Việt Nam từ những năm 2000 nhưng chỉ thực sự bùng nổ 4 năm gần đây. Theo đánh giá của Euromonitor, thị trường trà sữa Việt Nam có tốc độ tăng trưởng hàng năm khoảng 20% và từ hai năm trước, đã đạt quy mô gần 300 triệu USD. Còn theo khảo sát của Lozi công bố giữa năm ngoái, cả nước khi đó có khoảng 1.500 quán trà sữa và được dự báo tăng mạnh khi một loạt các thương hiệu lớn vừa gia nhập thị trường. Cũng theo khảo sát này, có đến hơn 53% người được hỏi uống trà sữa từ mỗi lần một tuần.

Cách nhanh chóng chiếm thị phần trong miếng bánh béo bở này là chọn mô hình nhượng quyền kinh doanh. Theo ước tính của các công ty nghiên cứu thị trường, hơn một nửa cửa hàng trà sữa đang được xây dựng qua hình thức này.

Ngoài những khoản ban đầu như mặt bằng, chi phí "setup" cửa hàng, đầu tư trang thiết bị kinh doanh, thông thường các cửa hàng nhận nhượng quyền phải chi thêm ba khoản khác là phí nhượng quyền thương hiệu, phí quản lý thương hiệu và chi phí nguyên liệu bắt buộc phải mua từ đối tác nhượng quyền. 

Nếu có ý tưởng kinh doanh nào cần tư vấn hoặc chia sẻ về kinh nghiệm đầu tư, làm giàu, hãy gửi email cho chúng tôi về kinhdoanh@vnexpress.net

Phí nhượng quyền thương hiệu thường áp dụng cho từng cửa hàng riêng biệt với các khung thời gian một, ba năm hoặc vĩnh viễn. Ví dụ, để nhận nhượng quyền thương hiệu Ding Tea, khoản phí bắt buộc áp dụng vĩnh viễn cho một cửa hàng là 20.000 USD, trong khi một số thương hiệu khác như TocoToco áp dụng khung phí nhượng quyền từ 160 đến 300 triệu đồng cho ba năm tùy khu vực, KoiCha - một thương hiệu trà sữa từ Nhật Bản - áp dụng khung phí một tỷ đồng cho một cửa hàng trong 5 năm.

Khác với phí nhượng quyền thương hiệu thường là khoản chi một lần trong thời gian cố định, phí quản lý thương hiệu với một số nhãn hàng lớn lại không cố định. Con số này có thể tính toán dựa trên kết quả kinh doanh thực tế, từ 3-10% doanh thu của một cửa hàng trong tháng. Tuy nhiên cũng có một số thương hiệu chọn khoản phí cố định từ 100-300 USD.

Ngoài hai khoản phí trên, đa số thương hiệu đều yêu cầu các cửa hàng phải nhập nguyên liệu trực tiếp, một số còn yêu cầu phải mua máy móc pha chế trực tiếp để đảm bảo chất lượng đồng đều giữa các cửa hàng nhượng quyền và chuỗi cửa hàng thương hiệu gốc. Khoản chi cho nguyên liệu dao động từ 20.000 đến 30.000 USD cho khung thời gian ba tháng như Ding Tea, hoặc gần 200 triệu như TocoToco trong đợt lấy nguyên liệu đầu tiên.

Tổng lại, chi phí đầu tư cho một cửa hàng trà sữa nhượng quyền, bao gồm thêm cả chi phí đào tạo nhân viên, mặt bằng, các khoản vốn dự phòng, phí giám sát... sẽ không dưới vài tỷ đồng.

Đầu tư lớn luôn đi kèm với những toan tính về lợi nhuận. Lĩnh vực kinh doanh này ước tính mang về biên lợi nhuận 20-30% doanh số trong điều kiện hoạt động ổn định. Một số thương hiệu lớn cũng đặt ra cam kết khả năng sinh lời và lợi nhuận khi kinh doanh nhượng quyền, một số khác lấy doanh số từ những cửa hàng nhượng quyền tương tự làm tham chiếu thu hút những nhà đầu tư mới. Với những cửa hàng lớn ở những tuyến phố đắc địa, doanh số hàng tháng có thể lên tới vài nghìn cốc trà sữa bán ra và doanh thu tính hàng tỷ đồng.

Ngay cả một đơn vị nhượng quyền còn khá khiêm tốn như Azteen cũng cam kết trên website công ty doanh thu tối thiểu 6 triệu đồng mỗi ngày và lợi nhuận 30 triệu đồng mỗi tháng trên một cửa hàng nhượng quyền chi phí khoảng 330 triệu đồng.

Dù vậy, không phải mọi cửa hàng mở ra đều đạt con số lợi nhuận kỳ vọng. Một trong những vấn đề quan trọng nhất là mặt bằng kinh doanh. Các thương hiệu lớn trước khi đồng ý nhượng quyền hay không đều khảo sát trước về địa điểm kinh doanh. Vị trí đắc địa là một trong những yêu cầu quan trọng nhất. Tuy nhiên, việc tìm một địa điểm như vậy là điều không dễ. 

Một số thương hiệu lớn cũng cho biết đã chọn cách tập trung đầu tư, nâng cấp không gian cửa hàng để gia tăng sức cạnh tranh, một phần đẩy cuộc đua mặt bằng thêm căng thẳng. Ông Alan He – CEO thương hiệu trà sữa Heekcaa chia sẻ kế hoạch lựa chọn các cửa hàng với diện tích lớn để tạo ra một không gian trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng thay vì sử dụng những ki ốt nhỏ.

Bên cạnh đó việc xem xét số lượng đối thủ cạnh tranh cũng là một bài toán cần tính đến. Với mức giá dao động từ 30.000-60.000 đồng mỗi cốc trà sữa, để đảm bảo khả năng sinh lời, doanh số bán ra có thể lên tới vài trăm cốc mỗi ngày. Tuy nhiên sẽ không đơn giản khi thị trường có nhiều lựa chọn thay thế cùng hàng loạt chương trình khuyến mãi "nặng đô" từ những thương hiệu lớn.

Trước câu hỏi làm thế nào khi trong tuần đầu tiên khai trương, xung quanh bạn có đến năm thương hiệu khác cũng đang "mua một tặng một", nhiều đơn vị cho rằng khuyến mãi là câu chuyện mấu chốt và phải giảm sâu hơn nữa. Không ít cửa hàng mới khai trương đã ra mắt  chương trình như mua 1 tặng 2, trà sữa 0 đồng hay tặng miễn phí cho một số đối tượng nhất định nhằm hút khách từ những thương hiệu khác.

Thị trường trà sữa vẫn được xem là "mỏ vàng" nhưng đã không còn như những ngày đầu mới bùng nổ. Cuộc chơi hiện nay với sự tham gia của nhiều thương hiệu lớn đã đẩy mức độ cạnh tranh lên gấp nhiều lần. Chỉ cần một tính toán không cẩn thận, việc đổ hàng tỷ đồng không chắc sẽ mang lại khoản lợi nhuận tương xứng.

Minh Sơn


Giày Đại Phát solution
Số người online:
130095
Số người truy cập:
7393454