Câu chuyện về hành động "tra tấn" bất nhân như thời trung cổ của cặp vợ chồng Chu Văn Đức và Trịnh Thị Hạnh Phương chủ quán phở ở quận Thanh Xuân, Hà Nội với người giúp việc xảy ra cách đây 4 năm từng khiến dư luận phẫn nộ.
Em Nguyễn Thị Bình, nạn nhân của hành trình 13 năm bị đày đọa đã được giải thoát nhờ chính người dân sát vách liền lưng. 4 năm qua đi, bỏ qua những quá khứ địa ngục và không biết bao nhiêu gian truân, cô bé ngày nào đang hướng về một tương lai mới với một tình yêu cổ tích. "Mơ ước của em với anh ấy là sau khi lấy nhau sẽ mở một gara sửa ô tô. Chồng sẽ quản lý gara còn em bán nước bên đường gần đó…". Bình không giấu nổi thẹn thùng khi nói với chúng tôi về mơ ước nhỏ nhoi đó - một mơ ước bình dị sau 4 năm được giải thoát khỏi địa ngục đen tối.
Quá khứ địa ngục...
Hơn 4 năm qua đi, thời gian đã xóa mờ phần nào những ký ức đau buồn nhưng Nguyễn Thị Bình không khỏi rùng mình về khoảng thời gian bị hai vợ chồng chủ quán phở hành hạ. "Em rất muốn quên đi quá khứ nhưng nhiều lúc nghĩ lại vẫn thấy sợ. Đến giờ em vẫn không hiểu sao mình lại có thể chịu đựng suốt quãng thời gian đó" - Bình chia sẻ.
"Em rất muốn xem phim nhưng cô chú không cho xem, nếu em ngoái lại xem là bị đánh. ăn thì em được ăn no nhưng thức ăn chỉ có hai miếng thịt và thường phải ăn thừa sau khi cô chú đã ăn xong. Hồi ở với chú Đức, cô Phương, ngày nào cũng phải xách nặng, em bị thoái hóa đốt sống anh à!. Có lẽ vì thế mà giờ em muốn đi thẳng cũng không được", Bình nhớ lại những ngày tháng địa ngục mà em đã trải qua. Em kể lại câu chuyện mà nước mắt vẫn không ngừng ứa ra, dường như nỗi đau ngày nào vẫn luôn ám ảnh trong tâm trí em. Bao nhiêu trận đòn roi nhớ đời giáng xuống đầu mà Bình chẳng muốn nhớ lại và cũng không thể nhớ được hết. "Em chỉ muốn quên đi quá khứ buồn đau và hướng tới một tương lai tươi sáng. Bảo là muốn quên nhưng để quên hẳn thì không thể. Dẫu sao, khi nhớ lại, đó cũng là một phần trong cuộc sống đã qua và thật sự đó là những thời gian u tối nhất của cuộc đời em", Bình bảo.
Bước chân ra khỏi quán phở - "địa ngục trần gian" khi đã 25 tuổi nhưng thực sự lúc đó Bình mới cảm nhận được cuộc sống của mình bắt đầu, bắt đầu được làm người đúng nghĩa. Lau những giọt nước mắt còn vương dài trên má, Bình tiếp lời: "Sự giang tay giúp đỡ của các "mạnh thường quân", tình thương bao bọc của những người xung quanh, dù không phải là máu mủ nhưng em hạnh phúc vô cùng. Được các nhà hảo tâm hỗ trợ với số vốn gần 100 triệu đồng, em đã hy vọng sẽ có số vốn kha khá để về quê lập nghiệp. Em vui lắm, chưa từng vui như thế trong ngày đoàn tụ trở về quê hương. Vui hơn khi biết tin chính quyền sẽ hỗ trợ, cấp đất, tìm việc làm, cho em đi học nghề".
Người bác xuống tận Hà Nội đón Bình cũng hết sức giúp đỡ cô cháu gái tội nghiệp không còn cha mẹ ở gần. Bác cũng chạy ngược chạy xuôi xin đất, hỗ trợ cho Bình. Thoát khỏi địa ngục trần gian, tưởng chừng cuộc sống của em đoạn tuyệt khỏi bóng tối nhưng vẫn còn đó những trở ngại. Chuyện xin đất đai, hỗ trợ cũng gặp khó khăn khi Bình phải lên xuống nhiều lần nhưng kết quả vẫn là chờ đợi. Đến tận bây giờ, Bình vẫn chưa nhận được gì từ sự hỗ trợ của địa phương. Đã 4 năm trôi qua, những lời hứa của chính quyền còn đâu, liệu họ còn nhớ hay không, đang lãng quên hay bỏ ngỏ (?).
Hiện tại ngập tình thương
Cuộc sống vẫn còn nhiều nghiệt ngã, Bình dự định ở lại quê hương học nghề và tìm việc làm ổn định. Số vốn có được sau khi xin đất em sẽ dựng nhà ở. Thế nhưng, chờ mãi không có đất, công việc cũng chưa có. Cậu em trai cùng cha khác mẹ cho Bình ở nhờ đã dùng số tiền của chị vào việc làm ăn buôn bán. Có bao nhiêu tiền Bình dốc hết cho em mà chẳng mảy may tính toán. Bình đâu ngờ, sau khi làm ăn thua lỗ, cậu em đã đuổi khéo chị ra khỏi nhà. Bố đẻ Bình từ lâu đã chẳng quan tâm đến em. Họ nội chẳng thừa nhận nên Bình cũng chỉ là người thừa trong mắt họ. Đến người em cũng đối xử không ra gì với chị. Tiền trong túi sạch trơn, đất không có, hỗ trợ từ địa phương cũng chẳng thấy đâu, Bình lại xuống Hà Nội với bàn tay trắng và bắt đầu một cuộc sống mới.
"Lúc đó em thẫn thờ, rồi giờ đây, cuộc sống của mình sẽ như thế nào? Mảnh đất Hà Nội tuy lạ mà quen, quyết định trở về Hà Nội, liệu cuộc đời em có tiếp tục nếm trải những đắng cay sao? Đời mình còn khổ mãi như thế sao? ". Bao nhiêu câu hỏi vẫn cứ day dứt, quanh đi quẩn lại trong đầu Bình.
Đầu năm 2008, Bình bán xôi thuê trước cổng trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Được một thời gian, em chuyển về bán chè ở phố Kim Ngưu. Chưa dừng lại ở đó, Bình muốn vừa đi làm thuê, vừa học nghề nên em lại sang bán cơm bình dân ở phố Đại Từ. Thấy Bình chăm chỉ, nhanh nhẹn, đảm đương được nhiều công việc, các chủ quán đã chủ động tăng lương cho em theo tháng. Bình khéo tay, chịu khó nên ở quán nào cũng được làm bếp trưởng. Bình bảo, không phải em không biết làm việc mà chuyển nghề liên tục, em muốn thử sức mình với tất cả mọi việc. Vừa học, vừa làm sẽ tích lũy kinh nghiệm, sau này có vốn em sẽ mở cho mình một quán ăn nhỏ. Hiện tại em đang làm giúp việc trong một gia đình ở phố Minh Khai.
Tìm vào ngôi nhà nơi Bình đang làm việc ở phố Minh Khai, cảm nhận đầu tiên chúng tôi thấy đó là sự quan tâm, lo lắng của chủ nhà đối với Bình. Những câu chuyện gần đây về đời tư của Bình khiến ông Phạm Mạnh D. (chủ nhà) bộc bạch mà không khỏi ái ngại: "Báo chí đưa tin rầm rộ thế liệu có sợ ảnh hưởng đến chúng nó, chuyện tương lai chưa biết thế nào, nói dại, mai kia chúng nó không lấy nhau, mà chuyện tình cảm viết công khai như thế thì ai còn dám đến với nó nữa".
Tình yêu "cổ tích"
Tôi cũng hỏi em về chuyện tình cảm riêng tư của mình, Bình chia sẻ, năm 2007, sau khi được giải cứu, em nhận được nhiều chia sẻ từ xã hội cả về vật chất lẫn tinh thần. Một thanh niên tên Lý Trung Tuyến đến làm quen, mong được làm bạn để giúp cô vượt qua nỗi đau. Lạ rồi quen, hai người đến với nhau lúc nào không hay. Câu chuyện tình yêu của Bình xuất phát từ sự đồng cảm, đẹp đẽ, bình dị và rất đáng trân trọng...
"Hoàn cảnh của anh ấy có nhiều điểm giống em nên cả hai thấy khăng khít. Bây giờ cả hai đều ở Hà Nội nhưng do công việc nên cũng không có nhiều thời gian, có khi hàng tuần, cả tháng không gặp nhau. Bọn em chỉ trao đổi bằng điện thoại vì em không biết chữ nên không thể nhắn và đọc tin. Dù xa cách nhưng em tin tưởng vào tình cảm của người yêu. Nhớ lần bị tai nạn giao thông vừa qua, Bình bị xe máy tông thẳng vào người. Bình không bị nặng nhưng người bạn phải vào viện. Bạn bè đã rất quan tâm đến em, cho em vay mượn tiền, đặc biệt là “người ấy”. Hiện nay, em vẫn nợ bạn bè mấy triệu đồng. Em sẽ cố gắng tích góp rồi trả nợ sớm, chắc chỉ đến Tết thôi". Rồi Bình nghẹn giọng: "Em chưa từng được ai chăm sóc và yêu thương như anh ấy đã làm". Trong thời gian nằm viện, nhiều lần cô gái trẻ từng chịu kiếp "nô lệ nơi quán phở" đã bật khóc vì thấy "cuộc sống như mơ".
Khi Bình và Tuyến yêu nhau, tất cả bạn bè đều mừng cho đôi trẻ. Họ mừng vì sau quãng đời đầy nước mắt, cuối cùng hạnh phúc cũng mỉm cười với cô bé tội nghiệp. Tuy bạn bè ủng hộ là thế, nhưng Bình vẫn vấp phải sự phản đối của người thân, thậm chí còn ngăn cản đôi lứa. Bà Hà Thị Bình là một trong những người từng phản đối chuyện tình cảm của em. Khi được hỏi lý do vì sao bà Hà Thị Bình không đồng ý cho Bình yêu Tuyến, em trả lời: "Mọi người bảo anh ấy là người dân tộc, bố anh ấy lại lấy vợ hai không cho em lấy". Sau này Bình mới biết, hình như bà muốn gán ghép Bình với đứa cháu có vấn đề về thần kinh của bà.
Bình cũng cho biết, bạn trai ở Lạng Sơn. Sau khi tốt nghiệp Đại học, do hoàn cảnh gia đình khó khăn đã đi xuất khẩu lao động một thời gian. Trở về quê hương thì mẹ đau ốm, bao nhiêu tiền đổ vào chạy chữa cho mẹ nhưng cuối cùng mẹ cũng đi xa. Giờ đây, anh cũng phải xuống Hà Nội làm việc để trả nốt món nợ còn lại và nuôi đứa em nhỏ. Thế nên, dù tình yêu của hai người đã kéo dài hơn một năm nhưng hai người vẫn chưa nên nghĩa vợ chồng. Bình lo lắng: "Công việc trước mắt của em là phải trả xong nợ. Sau đó, em sẽ làm việc chăm chỉ để có chút vốn mở quán bán hàng ăn uống. Chắc cũng phải mất nhiều tiền em mới thực hiện được điều này, rồi mới tính đến chuyện trăm năm".
Với Bình, có một công việc ổn định là điều em mong mỏi nhất. "Mơ ước của em với anh ấy là sau khi lấy nhau sẽ mở một gara sửa chữa ô tô. Chồng sẽ quản lý gara còn em sẽ bán nước bên đường gần đó. Nhưng chắc còn lâu lắm em mới thực hiện được mơ ước này", Bình ngậm ngùi.
So với 4 năm trước, hiện nay, Bình mập lên, xinh và chững chạc hơn. Mỗi lần ra đường, Bình đã biết trang điểm, làm duyên. Bình tâm sự, có được cuộc sống như hôm nay em không bao giờ quên những người đã cưu mang, giúp đỡ em trong suốt thời gian qua.
Khi viết bài báo này, tôi hiểu một điều rằng, em đâu có đọc được những dòng này, bởi cả tuổi thơ không được cắp sách đến trường nên đến giờ, em đâu có biết chữ. Nhưng tôi cũng chắc chắn rằng, mọi người sẽ đọc cho em nghe. Tôi cũng tin rằng: "Dù cuộc sống thật ngắn ngủi, sống một kiếp người phải trải qua những năm tháng như em đã sống là điều khủng khiếp, chẳng ai mong muốn. Và tất cả rồi sẽ qua đi chỉ còn lại là tình yêu là mãi mãi!".
Năm bảy tuổi, Nguyễn Thị Bình được mẹ đưa xuống Hà Nội giúp việc tại quán phở của vợ chồng Chu Minh Đức - Trịnh Thị Hạnh Phương ở phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội với hy vọng con gái có chỗ nương thân. Nào ngờ, vợ chồng ông bà chủ đã hành hạ Bình như nô lệ trong suốt 13 năm, bắt cô làm việc quần quật từ sáng sớm tới khuya, bất kể ốm đau, chưa kể những trận đòn roi bất tử. Bình không được tiếp xúc với người ngoài, không được ra khỏi nhà một mình. Cuối năm 2007, nhờ một người hàng xóm mà tội ác của vợ chồng Đức - Phương được đưa ra ánh sáng. Vợ chồng chủ quán đã phải chịu mức án thích đáng.