( Theo Dan Tri)
Tại buổi họp báo sau phiên họp Chính phủ, chiều 7/7, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Cao Viết Sinh cho rằng, các con số tăng trưởng GDP trong quí I và quý II (lần lượt là 3,1% và 4,5%) thể hiện nền kinh tế nước ta đang từng bước ra khỏi “đáy”. Tuy nhiên, tốc độ “ra” như thế nào phải chờ đợi quí III mới có được đánh giá cụ thể.
Cũng theo ông Sinh, bên cạnh sự tăng trưởng của các ngành khai thác, xây dựng, ngành dịch vụ với tiêu thụ hàng hoá trong nước tăng cao (8,8%) đã khiến nhiều chuyên gia nước ngoài khâm phục.
Ông Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Thủ tướng chỉ đạo cuối tháng 9 sẽ công khai bộ thủ tục hành chính.
Dẫu vậy, nhiều lĩnh vực vẫn còn rất nhiều khó khăn, như xuất khẩu 6 tháng vừa qua đạt âm 10% và để đạt được mục tiêu 3% cho cả năm, 6 tháng cuối năm phải có quyết tâm rất lớn mới có thể thực hiện được. Chưa kể, tăng trưởng tín dụng cao cũng đang tạo ra áp lực nên cần theo dõi sát tình hình để có thể đảm bảo chỉ số giá tiêu dùng dưới 10%.
Liên quan đến gói kích cầu của Chính phủ nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, tổng dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất là hơn 372.000 tỉ đồng, trong đó riêng dư nợ được hỗ trợ lãi suất ngắn hạn chiếm hơn 347.000 tỉ đồng.
Hơn 78.500 doanh nghiệp ngoài nhà nước đã được vay 246.000 tỉ đồng, trong khi hơn 65.000 tỉ đồng đã được trên 1,1 triệu hộ gia đình, chủ yếu là nông dân vay… Cũng theo ông Bảo, đến nay Chính phủ chưa có chủ trương cắt giảm mức hỗ trợ lãi suất.
Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, kết luận phiên họp Chính phủ Thủ tướng tiếp tục nhấn mạnh mục tiêu ngăn chặn suy giảm kinh tế, phấn đấu đạt tăng trưởng 5%, giữ lạm phát ở mức dưới 7% và bội chi ngân sách dưới 7%.
Thủ tướng yêu cầu, về công nghiệp phải đảm bảo điện, nhân lực và thị trường. Về đầu tư, có biện pháp để tháo gỡ các nguồn vốn đầu tư bằng ngân sách nhà nước, vốn ODA, FDI, trái phiếu Chính phủ. Làm sao giải ngân hết các nguồn vốn với yêu cầu làm nhanh nhưng không ẩu.
Thủ tướng cũng chỉ đạo thực hiện quyết liệt, cụ thể các biện pháp phòng chống tham nhũng, nhất là không để nhũng nhiễu. Thủ tướng yêu cầu, từ nay đến tháng 9, các Bộ có nhiều thủ tục liên quan đến người dân như Công an, Tài chính… phải công khai bộ thủ tục hành chính của mình. Các địa phương cũng phải công khai thủ tục của địa phương để trên cơ sở đó, cuối tháng 9, Chỉnh phủ có thể công khai toàn bộ thủ tục hành chính.
Về vấn đề ngư dân Việt Nam ở Trường Sa được báo chí đặt câu hỏi, ông Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, đây là chủ quyền của Việt Nam, Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và có những biện pháp hỗ trợ cần thiết để ngư dân bảo vệ chủ quyền.
Cấn Cường