Điêu tàn “cánh đồng trăm triệu”
Ngày 11-11, chúng tôi trở về vùng lũ Đại Lộc sau 5 ngày lũ nhấn chìm. Rơm rác ngập đường, bùn non gặp nắng tung bụi mịt mùng, mặt đường nhựa loan lổ những ổ gà, ổ voi do nước lũ gây ra. Cánh đồng Bàu Tròn, cánh đồng được mệnh danh là “cánh đồng trăm triệu” điêu tàn ngập chìm trong rác và cát bồi.
Trước lũ, đây là cánh đồng thoát nghèo cho bà con nông dân xã Đại An với thu nhập hàng năm 100 triệu đồng/ha, thế nhưng cơn lũ đi qua để lại cánh đồng ngổn ngang như bãi chiến trường. Rác rưởi, cát bồi ngập đồng. Những vườn cây đu đủ, những giàn khổ qua, ruộng đậu tây, bí đao… vừa xuống giống gần một tháng để bán tết bị vùi trong cát, bị lũ cuốn phăng…
Đã 12 giờ trưa nhưng chị Nguyễn Thị Thúy (50 tuổi, trú thôn Bàu Tròn, xã Đại An) cùng người nhà vẫn hì hục dọn rác, bới cát mót những quả đu đủ bị lũ vùi lấp. Chị Thúy buồn rầu: “Tui trồng 4 sào (1 sào = 500m² - PV) đu đủ gần đến ngày thu hoạch thì lũ tới, gia đình tui đã tranh thủ lội nước lũ thu hoạch khoảng 20% thì nước lớn nên phải về. Ngày lũ rút, ra nhìn cánh đồng đu đủ bị lũ vùi lấp mà rầu. Không biết tết này làm sao đây”.
Khổ hơn chị Thúy, hơn 100 hộ dân thôn Bàu Tròn khác vừa xuống giống trồng đậu tây, khổ qua, bí đao… khoảng được gần 1 tháng thì lũ cuốn trôi tất cả. Chị Thúy cho biết, có những hộ dân bị lũ cuốn trôi thiệt hại hàng chục triệu đồng.
Ông Phan Đức Tính, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết, đợt lũ vừa qua gây thiệt hại nặng nề cho địa phương với con số thiệt hại lên đến 117 tỷ đồng, trong đó thiệt hại cho nông nghiệp đến 106 tỷ đồng. Điều đáng lo ngại hiện nay là tình trạng thiếu giống để sản xuất vụ đông xuân tới. “Hiện chúng tôi đề nghị tỉnh và trung ương hỗ trợ 100 tấn thóc giống, 10 tấn các loại giống rau màu và 200.000 cây giống lâm nghiệp để nhân dân có điều kiện sản xuất vụ đông xuân” – ông Tính cho biết.
Sạt lở bờ sông
Cách cánh đồng Bàu Tròn khoảng 1km, gần 200 hộ dân thôn Phước Yên (xã Đại An) mấy ngày qua sống trong lo sợ khi nước lũ trên sông Vu Gia ăn sâu vào hàng chục mét, đe dọa đến tài sản và tính mạng người dân nơi đây. Ông Huỳnh Thiên, Trưởng ban Nhân dân thôn Phước Yên cho biết, hai trận lụt liên tiếp cách nhau nửa tháng đã làm sông ăn sâu vào đất liền khoảng 50m, nhiều diện tích đất sản xuất của dân bị sạt lở ra sông. Hiện sạt lở ăn sát vào nhà dân, có nguy cơ cuốn đổ hàng chục căn nhà.
Người dân nơi đây cho biết, dòng sông qua khu vực từ cầu Quảng Huế đến giáp thôn Nghĩa Nam đã ổn vì dòng chảy cạn do bị cát bồi lấp. Sau đó, dự án kè chỉnh trị sông Quảng Huế được triển khai khiến sông đổi dòng chảy và gây sạt lở nặng từ mùa mưa năm 2009. Năm 2011, Nhà nước cho xây dựng một đoạn kè dài khoảng 1,3km, nhưng chỉ vừa kè xong 700m thì bờ sông nối tiếp tiếp tục sạt lở nặng.
Ngày 11-11, ông Đinh Văn Thu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, trong khi chờ đợi dự án từ trung ương, các ngành chức năng cần nhanh chóng cắm biển báo nguy hiểm tại thôn Phước Yên để đảm bảo an toàn cho người dân nơi đây. Đồng thời, Sở NN-PTNT tỉnh nhanh chóng triển khai các phương án phòng chống sạt lở khẩn cấp bờ sông Vu Gia tại thôn Phước Yên trong khi chờ đợi dự án từ trung ương.