Cho vợ “tòm tem” với anh rể

Theo một bản án mới đây của TAND tỉnh B. kết hôn đã hơn hai năm nhưng vợ chồng anh Đ. vẫn chưa có con. Hai vợ chồng đi khám mới hay anh Đ. không có khả năng làm cha. Tuy vậy, gia đình họ vẫn sống hạnh phúc.


Giao kèo quái lạ
 
Đầu năm 1998, do cảnh nhà thiếu vắng trẻ thơ, anh Đ. cảm thấy buồn nên bàn với vợ đi tìm một đứa con nuôi. Người vợ lắc đầu, bảo: “Nếu muốn kiếm con thì phải là con do tự tôi sinh ra”.
 
Nghe vậy, anh Đ. đã giới thiệu một số bạn bè của mình và gợi ý cho vợ “quan hệ” để kiếm con. Người vợ cho biết không chịu ai cả. Duy chỉ có một người có thể được là anh rể vì ông này có ngoại hình khá hoàn hảo, có khả năng giúp chị sinh con trai nối dõi cho chồng.
 
Anh Đ. chấp nhận nhưng giao kèo là sau khi mang bầu phải chấm dứt ngay. Một thời gian trôi qua, người vợ mang thai rồi sinh con nhưng đứa bé lại là con gái chứ không phải một thằng cu như anh Đ. mong muốn. Dù vậy, anh Đ. vẫn đi làm khai sinh cho cháu bé và khai mình là cha.
 
Sau đó vẫn mong có con trai, anh Đ. lại tiếp tục cho vợ đi lại với anh rể. Tuy nhiên, ít lâu sau lại một công chúa nữa ra đời. Anh Đ. lại phải cắn răng đi làm khai sinh và thề độc là chấm dứt chuyện này, bởi đã “mất cả chì lẫn chài mà không vớt vát được gì”.
 
Không là cha ruột cũng phải cấp dưỡng
 
Năm 2003, vợ chồng anh Đ. phát sinh nhiều mâu thuẫn. Người vợ kể anh Đ. không lo làm ăn như trước mà thường xuyên chửi bới xúc phạm chị. Thậm chí có thời gian anh quan hệ với một số phụ nữ khác, về nhà khoe khoang rồi chê bai vợ đủ điều. Bực mình, hơn một năm trước, chị đã nộp đơn xin ly hôn.
 
Cuối năm 2009, TAND huyện đã công nhận thỏa thuận ly hôn giữa hai người, giao hai con gái cho vợ nuôi dưỡng, anh Đ. phải cấp dưỡng nuôi con mỗi cháu 250.000 đồng/tháng. Anh Đ. liền kháng cáo, không đồng ý cấp dưỡng vì hai đứa con không phải là con ruột của mình.
 
Tại phiên phúc thẩm của TAND tỉnh B. mới đây, người vợ cũng thừa nhận hai đứa con không phải là con ruột của anh Đ. Tuy nhiên, tòa nhận định anh Đ. đã đồng ý cho vợ quan hệ với người khác. Sau đó anh đã đi làm giấy khai sinh cho cả hai cháu bé. Anh cũng đã nuôi dưỡng, chăm sóc hai cháu như con đẻ của mình. Tuy hai cháu không phải do anh dứt ruột đẻ ra nhưng cũng không thuộc trường hợp chấm dứt việc nuôi con nuôi theo quy định. Do đó, tòa đã bác kháng cáo của anh Đ. và y án sơ thẩm.
 

Cần xác định người cha thật sự?

Nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng người vợ quan hệ với anh rể trong thời gian dài, có hai con là quan hệ không hợp pháp, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng dù đã được chồng đồng ý. Khi việc ly hôn diễn ra, tòa phải hướng dẫn người chồng làm thủ tục cải sửa giấy khai sinh hoặc làm đơn xin truy nhận cha cho hai đứa con mà trên danh nghĩa mình đứng tên cha để không phải gánh trách nhiệm cấp dưỡng.

Hiện nay, khi án đã có hiệu lực pháp luật thì cần phải được xem xét giải quyết theo trình tự giám đốc thẩm, hủy cả hai bản án để hướng dẫn đương sự thực hiện trách nhiệm pháp lý của mình.
 
Không thể để tồn tại việc “cà cưỡng nuôi con tu hú” chỉ vì căn cứ vào giấy khai sinh với những thông tin sai sự thật. Người đứng tên cha trong giấy khai sinh và người cha thực tế hoàn toàn khác nhau. Cạnh đó, tòa phải kiến nghị xử lý người vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng nếu thấy cần thiết.
Theo PHƯƠNG NAM (Pháp Luật TPHCM)


Giày Đại Phát solution
Số người online:
12946
Số người truy cập:
9121232