Chờ thi hành án đến bao giờ?

 
Khoảng tháng 3-1999, ông Vũ Quốc Dũng (ngụ quận Tân Phú - TPHCM) mua của ông Trần Minh Mẫn (ngụ quận 2 - TPHCM) căn nhà 196D/48C Phú Thọ Hòa, phường 18, quận Tân Bình - TPHCM (nay là 88 Lê Văn Phan, phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú).
 
Minh họa: NGUYỄN TÀI
 
VKSND TPHCM “cản trở” thi hành án?
 
Trong quá trình mua bán, ông Dũng còn nợ 15 lượng vàng SJC, sau đó mượn tiếp 140 triệu đồng. Do ông Dũng chỉ mới trả 1,5 lượng vàng rồi không trả nữa nên ông Mẫn khởi kiện. TAND quận Tân Phú (tháng 5-2004) và TAND TPHCM (tháng 10-2004) đều tuyên buộc ông Dũng có nghĩa vụ trả đủ 13,5 lượng vàng và 140 triệu đồng cho ông Mẫn ngay sau khi bản án có hiệu lực pháp luật.
 

Điều 136 Hiến pháp năm 1992 quy định: “Các bản án và quyết định của TAND đã có hiệu lực pháp luật phải được các cơ quan, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, các đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân tôn trọng; những người và đơn vị hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”.

Theo đơn yêu cầu ngăn chặn chuyển dịch tài sản của ông Mẫn, ngày 18-11-2004, Đội thi hành án (THA) dân sự quận Tân Phú (nay là Chi cục THA dân sự quận Tân Phú) có công văn đề nghị các cơ quan chức năng ngăn chặn việc chuyển dịch căn nhà 196D/48C để bảo đảm cho việc THA. Công văn ngày 13-4-2005 của Phòng Tài nguyên-Môi trường quận Tân Phú và công văn của UBND phường Phú Thọ Hòa (ngày 28-4-2005) xác định căn nhà 196D/48C do vợ chồng ông Dũng đứng tên đăng ký chủ sở hữu và chưa làm thủ tục hợp thức hóa chủ quyền.
 
Căn cứ Thông tư 12 ngày 26-2-2001 của Bộ Tư pháp - VKSND Tối cao quy định về kê biên tài sản, ngày 31-5-2005, chấp hành viên ra quyết định cưỡng chế THA đối với ông Dũng bằng biện pháp kê biên căn nhà nói trên để có cơ sở giải quyết việc THA. Tuy nhiên, liên tiếp sau đó, Chi cục THA dân sự quận Tân Phú nhận được các công văn của VKSND TPHCM yêu cầu thu hồi ngay công văn ngăn chặn chuyển dịch cũng như quyết định cưỡng chế THA vì bà Dương Thị Mộng Ái khiếu nại Chi cục THA dân sự quận Tân Phú kê biên nhà 196D/48C của bà để THA trả nợ cho ông Dũng là không có căn cứ, trái pháp luật, không đúng tài sản thuộc sở hữu của người bị THA (sau khi ông Mẫn bán nhà cho ông Dũng, ông Dũng bán lại cho ông Phạm Văn Quang, ông Quang bán lại cho bà Ái. Việc mua bán nhà qua lại trên chỉ làm giấy tay). Ngay sau đó, Chi cục THA dân sự quận Tân Phú đã có quyết định thu hồi để hủy bỏ quyết định cưỡng chế  THA trước đó.
 
Phải cung cấp chứng cứ trong... 3 ngày
 
Như vậy, đã có nhiều quan điểm khác nhau về cơ sở để giải quyết THA và xác định quyền sở hữu căn nhà trên. Chi cục THA dân sự quận Tân Phú đã có nhiều văn bản trình THA dân sự TPHCM (nay là Cục THA dân sự TPHCM) xin ý kiến chỉ đạo nghiệp vụ. Cũng đã có các cuộc họp liên ngành giữa Cục THA dân sự TPHCM và VKSND TPHCM để thống nhất quan điểm THA nhưng mãi đến ngày 10-11-2010, liên ngành thống nhất: “Vụ việc này Chi cục THA dân sự quận Tân Phú đã  tiến hành xác minh tại các cơ quan có thẩm quyền, tuy nhiên đến thời điểm này vẫn chưa xác định chủ sở hữu hợp pháp đối với tài sản là căn nhà 196D/48C. Do vậy không có cơ sở thực hiện việc kê biên tài sản trên để bảo đảm  THA...”.
 
Ngay sau đó, THA dân sự quận Tân Phú gửi thông báo với nội dung này cho ông Mẫn kèm theo yêu cầu: “Trong thời hạn 3 ngày, kể từ ngày ông nhận được thông báo này, nếu ông không cung cấp được chứng cứ chứng minh căn nhà 196D/48C là của ông Dũng thì Chi cục THA dân sự quận Tân Phú sẽ giải tỏa ngăn chặn căn nhà theo đúng nội dung biên bản họp liên ngành”. Nhận thông báo, ông Mẫn bức xúc gửi thư khiếu nại khắp nơi, bởi lẽ: “Buộc tôi trong vòng 3 ngày phải cung cấp chứng cứ chứng minh căn nhà 196/48C của vợ chồng ông Dũng là một việc làm áp đặt, không thực hiện được trong thực tế. Vụ việc giải quyết THA tính đến nay đã hơn 6 năm, Chi cục THA dân sự quận Tân Phú có điều kiện mà không chứng minh được chủ sở hữu hợp pháp căn nhà này, một người dân như tôi làm sao thực hiện được chỉ trong 3 ngày?”.
 
Ngày 29-12-2010, Chi cục THA dân sự quận Tân Phú đã có quyết định giải quyết khiếu nại của ông Mẫn, theo đó, quá trình tổ chức THA đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục THA do pháp luật quy định; việc ra thông báo trên là đúng quy định của pháp luật.
 
Luật sư Ngô Đình Hoàng:
Đánh đố người được thi hành án
 
Mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ xác định có hay không có việc chuyển nhượng căn nhà 196D/48C giữa vợ chồng ông Dũng với vợ chồng ông Quang (rồi vợ chồng ông Quang chuyển nhượng cho bà Ái). Nếu việc chuyển nhượng đó là có thật trên thực tế thì cần xác định mốc thời gian chuyển nhượng.
 
Trường hợp ông Dũng chuyển nhượng sau thời điểm ban hành quyết định THA và công văn ngăn chặn chuyển dịch căn nhà thì việc chuyển nhượng đó là sai và việc cơ quan THA ban hành các quyết định ngăn chặn chuyển dịch tài sản hay cưỡng chế THA là đúng quy định của pháp luật. Ngược lại, ông Dũng chuyển nhượng căn nhà cho người khác trước khi có các quyết định, văn bản đó thì việc các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu giải tỏa việc ngăn chặn chuyển dịch và hủy bỏ hiệu lực của quyết định cưỡng chế THA là có cơ sở pháp lý.
 
Luật THA còn nhiều bất cập, nhiều quy định đưa ra mục đích nhằm tránh cưỡng chế THA oan sai nhưng vô tình lại tạo kẽ hở cho người phải THA lợi dụng để tẩu tán tài sản tránh né trách nhiệm THA.
 
Trong trường hợp trên, cơ quan THA đã mất hơn 6 năm thực hiện việc xác minh tài sản của người phải THA đối với tài sản là căn nhà hiện hữu sờ sờ trước mắt, với sự hỗ trợ của nhiều cơ quan, ban ngành địa phương mà vẫn không xác định được căn nhà đó thuộc quyền sở hữu của ai? Việc thông báo trong thời hạn 3 ngày, ông Mẫn phải chứng minh căn nhà là của ông Dũng là không thấu tình đạt lý, chẳng khác nào đánh đố người có quyền yêu cầu THA.
Huỳnh Hiếu

Giày Đại Phát solution
Số người online:
37702
Số người truy cập:
9213475