- Tại diễn đàn Quốc hội sáng 9/5, tại sao ông nói rằng, với những vấn đề quan trọng như mở rộng thủ đô Hà Nội đại biểu cần thể hiện quan điểm?
- Các đại biểu đã được dân bầu phải phát huy tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, điều tra, suy nghĩ kỹ trước khi bấm nút. Không được nghĩ là có ai đó nghĩ thay mình rồi và mình chỉ việc quyết theo.
Đề án mở rộng Hà Nội (trình Quốc hội thông qua vào tháng 5 này) tôi nghe một số đồng chí nói việc này đã quyết, đã sắp xếp bộ máy thủ đô mới, ai làm trưởng, ai làm phó. Tôi cho rằng, như vậy là quá sớm.
- Vậy quan điểm của ông về đề án mở rộng Hà Nội của Chính phủ thế nào?
- Tôi không đồng ý với tờ trình của Chính phủ bởi nhiều lập luận không chuẩn xác. Lý do trong tờ trình là năm 1978 chúng ta theo nền kinh tế tập trung bao cấp nên đã nhập một số tỉnh để hoạt động kinh tế tốt hơn. Từ năm 1986 chúng ta chuyển sang kinh tế thị trường nên phải tách ra. Vậy hiện nay chúng ta vẫn theo kinh tế thị trường, tại sao lại nhập vào?
Nếu chúng ta tiếp tục dùng mệnh lệnh hành chính để quyết định những vấn đề đời sống là không ổn, Quốc hội phải bàn kỹ đề án mở rộng Hà Nội bởi mỗi lần tách nhập chỉ riêng chuyện con dấu thôi cũng gây tốn kém và phiền phức.
- Trong một bài viết mới đây nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho rằng, phương án của Bộ Xây dựng có phần cảm tính, vội vàng. Ông nghĩ gì về ý kiến trên?
- Tôi cũng cho rằng đề án chưa được chuẩn bị kỹ. Chính phủ giao cho Bộ Xây dựng lập dự án thì Bộ này chỉ nghĩ đến việc quy hoạch xây dựng, còn những vấn đề về xã hội, văn hóa không để ý đến. Ví dụ nếu quy hoạch như thế thì bao nhiêu người dân sẽ mất đất, bố trí cho họ làm gì. Huyện Sóc Sơn nhập về Hà Nội đã nhiều năm dân vẫn nghèo, giờ nhập hàng loạt huyện vào thủ đô liệu có kéo được đời sống lên không, hay làm dân khổ hơn.
Hôm trước họp với Ủy ban Pháp luật tôi cũng nêu mấy ý. Thứ nhất chúng ta phải tổng kết quá trình tách nhập. Trước đây tại sao Hà Nội đã nhập một số huyện về và trả lại, nay lại nhập. Thứ hai, phải chuẩn bị một đề án công phu hơn trong đó có tính đến yếu tố văn hóa xã hội.
Mỗi vùng đều có truyền thống, bản sắc văn hóa, bây giờ mình xoá một tỉnh thì trách nhiệm trước lịch sử như thế nào. Đúng như đại biểu Dương Trung Quốc (nhà sử học) có nói, đây gần như là một cuộc dời đô.
- Theo ông Võ Văn Kiệt, thủ đô chỉ cần là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế tri thức, còn mô hình đô thị lớn với động lực công nghiệp đã lỗi thời, sai lầm mà phương Tây đang phải từ bỏ. Quan điểm của ông thế nào?
- Thủ đô trước hết phải là trung tâm chính trị, văn hóa, hành chính. Có những thủ đô do lịch sử để lại cũng là trung tâm kinh tế nhưng không nhất thiết thủ đô phải là trung tâm kinh tế. Nước Mỹ, thủ đô Washington rất nhỏ. Thủ đô Paris (Pháp) xung quanh là nhiều thành phố vệ tinh gọi là vùng Paris.
Nếu Hà Nội muốn thành trung tâm kinh tế, nhà máy xen lẫn các khu dân cư như trong dự án, sau này chúng ta sẽ lại phải giải bài toán di dân, ô nhiễm môi trường. Đúng là Hà Tây có quỹ đất tương đối lớn, có những vùng có thể phát triển đô thị được, nhưng với trình độ xây dựng, quy hoạch đô thị hiện nay nên để dành quỹ đất đấy cho thế hệ sau. Nếu chúng ta xây một thành phố xấu, thế hệ sau muốn phá đi xây lại cũng không được. Đất là tài sản quý giá để dành.
- Hội đồng nhân dân gồm 4 tỉnh, thành đã thông qua phương án mở rộng Hà Nội. Ông nghĩ trước ý kiến cho rằng nếu Quộc hội chưa thông qua tại kỳ họp này sẽ khiến cán bộ 4 địa phương trên có tâm lý chờ đợi; việc quản lý đất đai gặp khó khăn...?
- HĐND 4 tỉnh, thành đã biểu quyết, nhưng theo hiến pháp vấn đề trên phải do Quốc hội quyết, đây là thẩm quyền của Quốc hội. Trước những việc trọng đại này, ngoài việc lấy ý kiến của HĐND, cũng phải thăm dò dư luận. Chính phủ trình đề án để Quốc hội thông qua ngay kỳ họp này là vội vàng.
Tôi cho rằng chúng ta nên phát triển vùng thủ đô, sau đó, trong quá trình phát triển, theo quy luật tự nhiên, sẽ nhập lại với nhau. Cũng như là Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định trước đây là 3 tỉnh, trong quá trình phát triển tự nhiên hòa nhập với nhau thành một. Chúng ta không nên tách nhập bằng mệnh lệnh hành chính.
Theo VnExpress