Chiêu 'thay áo' hơn 800.000 hộp thuốc giả của VN Pharma

 Tháng 10/2019, Nguyễn Minh Hùng, 42 tuổi, bị TAND TP HCM tuyên phạt 17 năm tù trong vụ án buôn lậu 9.300 hộp thuốc chữa ung thư giả. Ngày 7/1 vừa qua, cựu chủ tịch VN Pharma tiếp tục bị VKSND Tối cao truy tố trong vụ án thứ hai, liên quan Thứ trưởng y tế Trương Quốc Cường, với số lượng tang vật nhiều gấp 90 lần vụ án trước.

Cáo trạng xác định, trong 838.100 hộp thuốc giả được VN Pharma nhập khẩu, khoảng 75% được bán ra cho các doanh nghiệp, bệnh viện, nhà thuốc; 11% bị tiêu huỷ. Số còn lại "không xác định được".

"Số phận" 838.100 hộp thuốc giả của VN PharmaNguồn: Cáo trạng VKSND Tối cao (Đơn vị: hộp)Bán cho doanh nghiệp, bệnh viện, nhà thuốcTiêu huỷKhông xác địnhVnExpress Bán cho doanh nghiệp, bệnh viện, nhà thuốc Số lượng: 623 819

Vụ buôn thuốc giả trị giá hơn 54 tỷ đồng của VN Pharma khởi nguồn từ Việt kiều quốc tịch Canada, Nguyễn Lê Xuân Khang, đang bỏ trốn, bị cáo buộc mạo danh đại diện của công ty Health 2000 Canada tại Việt Nam.

Theo cáo buộc, Khang "lợi dụng những sơ hở trong công tác quản lý dược" và "sự thiếu trách nhiệm hoặc động cơ cá nhân của một số cán bộ Cục Quản lý Dược", cung cấp hồ sơ giả và xin trót lọt Giấy chứng nhận lưu hành (visa) cho 7 loại thuốc giả, nhãn Health 2000 Canada.

Một mặt, Khang đưa 2 con dấu giả Health 2000 Canada nhờ cháu trai Võ Mạnh Cường (Giám đốc công ty Hàng hải H&C) làm đại diện phát triển thị trường, hứa chia lợi nhuận. Mặt khác, Khang tự thoả thuận 36 hợp đồng bán các loại thuốc này cho 5 doanh nghiệp kinh doanh dược phẩm trong nước, trong đó có VN Pharma.

Tháng 10/2012, do Khang vi phạm hợp đồng, Chủ tịch VN Pharma quyết định "dứt áo", chuyển sang làm ăn với Cường.

Cáo trạng nêu, cuối tháng 10/2012, Cường dẫn Hùng đến gặp Raymundo Y. Mararac, quốc tịch Philippines, Giám đốc Công ty Helix Canada. Qua trao đổiHùng đồng ý từ nay VN Pharma sẽ chuyển sang nhập thuốc Helix của Raymundo.

Theo thoả thuận, Raymundo cung cấp hồ sơ để VN Pharma làm thủ tục xin cấp visa cho thuốc của Helix tại Việt Nam. Trong khi chờ đợi, VN Pharma vẫn sẽ có thuốc bán.

Những thuốc này sẽ được phía Raymundo sản xuất với "cùng hoạt chất, công dụng và đặt tên thương mại giống như các thuốc do Health 2000 Canada mà Khang đã bán cho Công ty VN Pharma trước đó", tức "nhái" sản phẩm của Health 2000 Canada.

Sau thỏa thuận trên, Hùng liên hệ qua Cường đặt mua 4 loại thuốc "nhái" như Raymundo đã hứa hẹn, gồm: Kafotax-1000, Kaclerox-250, H2K Levofloxacin và H2K Ciprofloxacin. Đây là các thuốc kháng sinh, chống nhiễm khuẩn nặng.

Nhưng lúc này, việc làm ăn với Raymundo nảy sinh vấn đề khác. Không những thuốc của Helix chưa có visa mà công ty Helix cũng chưa được cấp Giấy phép hoạt động tại Việt Nam. Helix, vì thế, không thể nhập khẩu 4 loại thuốc "nhái" này vào Việt Nam.

Xử lý vấn đề này, Hùng và Cường lập 5 hợp đồng nội bộ giữa VN Pharma với Helix để đặt hàng và ràng buộc tiến độ giao hàng. Hùng đồng thời chỉ đạo nhân viên VN Pharma làm giả 15 Hợp đồng mua bán và 26 Phụ lục giữa VN Pharma với Công ty Austin Hong Kong, doanh nghiệp đã được Bộ Y tế Việt Nam cấp Giấy phép hoạt động từ năm 2002.

Nội dung cơ bản của 15 hợp đồng giả là VN Pharma sẽ nhập khẩu của Austin Hong Kong 838.100 hộp thuốc, trị giá 2,57 triệu USD, tương đương 54 tỷ đồng.

Thực tế, qua xác minh của cơ quan điều tra, Austin Hong Kong "không có Văn phòng đại diện tại Việt Nam; không phát sinh quan hệ mua bán thuốc theo các hợp đồng trên với Công ty VN Pharma".

VKSND Tối cao quy kết VN Pharma lập các hợp đồng mua bán giả nhằm "sử dụng pháp nhân của Austin Hong Kong trong hợp thức thủ tục nhập khẩu, thông quan, thanh toán tiền mua thuốc".

Cựu Chủ tịch VN Pharma, Nguyễn Minh Hùng, hóc tại phiên một xét xử cuối năm 2017. Ảnh:Thành Nguyễn.

Cựu chủ tịch VN Pharma, Nguyễn Minh Hùng, khóc tại phiên xét xử giai đoạn 1 của vụ án, cuối năm 2017. Ảnh: Thành Nguyễn.

Soạn thảo xong, nhân viên của Hùng in các hợp đồng giả này ra giấy A4 trắng có sẵn hình dấu và chữ ký của Tổng giám đốc Austin Hong Kong. Các giấy này do Phạm Anh Kiệt, Tổng Giám đốc Công ty Dược Sài Gòn, cung cấp.

Khi các tờ đóng dấu khống này đã cạn, VN Pharma in màu hình dấu và chữ ký Tổng giám đốc Austin Hong Kong để tiếp tục việc lập hợp đồng giả.

Kết quả trưng cầu giám định của cơ quan điều tra cho hấy hình dấu đóng trên các hợp đồng khống này không trùng khớp với hình dấu thật của Austin Hong Kong, tức các con dấu trên 15 hợp đồng và 26 phụ lục, đều là giả.

Xong việc này, VN Pharma lại vấp thêm một vấn đề từ đối tác Raymundo. Các giấy tờ Raymundo cung cấp đều thể hiện thuốc do Helix sản xuất, nhưng Visa của Cục Quản lý Dược lại nêu thuốc được sản xuất bởi Health 2000 Canada.

Việc sai lệch nhà sản xuất là rào cản cuối cùng của VN Pharma trong việc nhập khẩu hơn 838.000 hộp thuốc nhái về Việt Nam. Khi này, Cường nảy ra ý tưởng "thay áo" cho nhà sản xuất.

Cường trực tiếp chỉnh sửa logo của Helix thành logo của Health 2000 Canada trên toàn bộ các hoá đơn thương mại, phiếu đóng gói hàng hóa và giấy chứng nhận kiểm nghiệm xuất xưởng trong các hợp đồng và phụ lục, nhà chức trách cáo buộc.

Cường đồng thời chỉnh sửa giá thuốc để phù hợp với giá thuốc đã nâng khống. Chỉnh sửa xong, Cường sử dụng con dấu giả Health 2000 Canada vẫn cầm của Khang, từ năm 2010, đóng trực tiếp lên trên toàn bộ các tài liệu này.

Nhận số tài liệu này từ Cường, từ tháng 1/2013 đến tháng 9/2014, Hùng chỉ đạo nhân viên VN Pharma mở 21 tờ khai hải quan tại Cục Hải quan TP HCM, để hợp thức thủ tục nhập khẩu, thông quan 838.100 hộp 4 loại thuốc do Helix sản xuất "nhái" lại các thuốc nhãn Health 2000 Canada.

Song cáo trạng xác định, các loại thuốc nhãn Health 2000 Canada được cấp phép tại Việt Nam, cũng là thuốc giả, đều được Nguyễn Lê Xuân Khang xin visa trót lọt bằng hồ sơ giả, tại Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế).

Kết quả tương trợ tư pháp từ Canada xác định, Công ty Health 2000 "không có nhà máy sản xuất thuốc tại Canada và không sản xuất bất kỳ loại dược phẩm nào". Do đó, khi VN Pharma nhập lô hàng trên của Helix, thực chất là mua "thuốc giả của thuốc giả".

Từ đây, hàng triệu viên thuốc được VN Pharma bán cho các doanh nghiệp, bệnh viện, nhà thuốc và chính thức đặt chân vào thị trường 91 triệu dân.

Võ Mạnh Cường hầu toà hồi tháng 9/2019 trong vụ án mua bán 9.300 thuốc ung thư giả. Ảnh: Hữu Khoa

Võ Mạnh Cường hầu toà hồi tháng 9/2019 trong vụ án mua bán 9.300 thuốc ung thư giả. Ảnh: Hữu Khoa

Lô hàng "thuốc giả của thuốc giả" trị giá hơn 1,2 triệu USD này được VN Pharma nâng khống giá lên hơn 2,5 triệu USD, tương đương 54 tỷ đồng. Tính đến thời điểm bị điều tra, từ lượng thuốc đã bán trót lọt, VN Pharma bị cáo buộc hưởng lợi bất chính 31, 5 tỷ đồng.

Đối với Raymundo Y.Mararac, tài liệu điều tra cho thấy năm 2009-2012, người này 13 lần nhập cảnh Việt Nam. Cơ quan điều tra đã thực hiện tương trợ tư pháp nhưng chưa có kết quả trả lời nên chưa đủ căn cứ xử lý.

Trước đó, giai đoạn 1 của vụ án buôn bán thuốc giả xảy ra tại VN Pharma đã được xét xử tại TAND TP HCM. Cường bị phạt 20 năm tù, Hùng 17 năm; các bị cáo khác nhận mức án từ 3 năm tù treo đến 12 năm tù với cáo buộc buôn bán thuốc giả là H-Capita 500 mg.

Vụ án lần này, Hùng, Cường và 7 đồng phạm bị truy tố về tội Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh.

Liên quan trách nhiệm, ông Trương Quốc Cường (cựu cục trưởng Cục Quản lý dược, Thứ trưởng Bộ Y tế) cùng Lê Đình Thanh (cựu cán bộ hải quan TP HCM) và Nguyễn Việt Hùng (cựu cục phó Quản lý Dược) bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Nguyễn Thị Thu Thủy (cựu phó phòng thuộc Cục Quản lý Dược) và Phạm Hồng Châu (cựu trưởng Phòng đăng ký thuốc) bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Thanh Lam


Giày Đại Phát solution
Số người online:
47417
Số người truy cập:
8566487