Tuy nhiên, quy định trên chưa nhận được sự thống nhất của Ủy ban Pháp luật, cơ quan thẩm tra dự luật. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Văn Thuận, có hai loại ý kiến. Loại thứ nhất đánh giá quy định trên sẽ tạo sự đột phá mạnh mẽ trong cải cách hành chính, nhằm xác định rõ trách nhiệm của nhóm cán bộ lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp công. Mặt khác quy định như vậy thì nhà nước có thể kiểm soát, định hướng và quản lý tốt hoạt động của các tổ chức sự nghiệp công lập trong quá trình phục vụ nhân dân.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị không coi những người được tuyển dụng và bổ nhiệm trong bộ máy lãnh đạo, quản lý ở tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập là công chức. Bởi người lãnh đạo ở đơn vị sự nghiệp công lập là chuyên gia, nhà khoa học, thậm chí là đầu ngành, trực tiếp thực hiện và chỉ đạo việc thực hiện những công việc chuyên môn thuộc lĩnh vực. Vì thế sẽ không lý giải nổi cùng hoạt động trong một đơn vị, nhưng vì sao chỉ lãnh đạo, quản lý là công chức, còn những nhà khoa học khác thì không phải?
"Công chức thực thi nhiệm vụ nhân danh nhà nước, còn những người làm việc ở đơn vị sự nghiệp công lập tham gia trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ công, không mang yếu tố quyền lực nhà nước. Mối quan hệ giữa những người này với nhà nước cần được thực hiện trên cơ sở hợp đồng giao vốn, giao tài sản và giao việc. Nếu quy định họ là công chức sẽ tạo ra sự bất bình đẳng về chế độ, quyền lợi và thu nhập", ông Thuận nói.
Trước đó, tại phiên họp Thường vụ Quốc hội tháng 2, thảo luận về dự luật công vụ (tên cũ của dự luật cán bộ công chức), các đại biểu đã tranh luận về vấn đề này. Một số cho rằng quy định như dự luật sẽ gây tâm lý hoang mang trong xã hội. Bởi hiện có khoảng 2 triệu người đang làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập sẽ bị loại khỏi đội ngũ công chức.
Công chức không được "chân trong, chân ngoài"
Dự luật đã quy định khá đầy đủ những việc cán bộ, công chức không được làm. Có tất cả 14 nhóm việc bị cấm, trong đó có việc cán bộ công chức không được chây lười trong công vụ, trốn tránh trách nhiệm, thoái thác công vụ được giao, không tự ý bỏ việc hoặc tham gia đình công, không được phân biệt đối xử về giới dưới mọi hình thức.
Cán bộ công chức cũng không được thành lập, tham gia thành lập, hoặc tham gia quản lý, điều hành các doanh nghiệp, bệnh viện tư, trường học và tổ chức nghiên cứu khoa học tư. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, vợ hoặc chồng của những người đó không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp quản lý.
Đặc biệt, dự luật cũng quy định công chức lãnh đạo, quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán- tài chính, thanh tra, kiểm toán không được bố trí hoặc tuyển dụng vợ hoặc chồng, con, người có quan hệ thông gia vào làm việc trong cơ quan, tổ chức thuộc thẩm quyền lãnh đạo, quản lý.
Dự luật này sẽ được Quốc hội thảo luận vào sáng mai. Chiều mai, theo chương trình, Quốc hội sẽ thông qua nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính thủ đô Hà Nội và một số tỉnh; nghị quyết về việc thí điểm cho người nước ngòai được mua và sở hữu nhà ở có thời hạn tại Việt Nam.
Theo điều 4 của dự luật, cán bộ, công chức quy định tại Luật này bao gồm: a) Những người do bầu cử để đảm nhiệm chức vụ theo nhiệm kỳ trong cơ quan, tổ chức ở Trung ương; ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là cấp tỉnh); ở quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là cấp huyện); b) Những người được tuyển dụng và bổ nhiệm vào một ngạch làm việc trong cơ quan của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị- xã hội; c) Những người được tuyển dụng và bổ nhiệm vào một ngạch làm việc trong cơ quan nhà nước từ trung ương đến cấp huyện; d) Những người được tuyển dụng và bổ nhiệm vào một ngạch làm việc trong bộ máy lãnh đạo, quản lý ở tổ chức sự nghiệp của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị- xã hội; đ) Thẩm phán Tòa án nhân dân, Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân; e) Những người được tuyển dụng và bổ nhiệm vào một ngạch trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng, trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp; g) Những người do bầu cử để đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo theo nhiệm kỳ là Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân; người đứng đầu của tổ chức chính trị - xã hội ở xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là cấp xã). h) Những người được tuyển dụng và bổ nhiệm vào một ngạch làm việc tại Ủy ban nhân dân cấp xã. |