Thông tin với báo chí tại Thành ủy Hà Nội chiều qua, ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, nguồi kinh phí trên được chi cho cải tạo hạ tầng như: sơn kẻ đường, lặp đặt biển báo, dải phân cách (kể cả 8 tuyến sắp thực hiện thời gian tới) và chi cho thanh tra - CSGT làm nhiệm vụ hướng dẫn, cưỡng chế giao thông trên các tuyến phân làn.
Theo ông Tân, tính từ ngày 20-9 đến nay (21 ngày), liên ngành Công an - GTVT đã phân làn trên 5 tuyến phố, gồm Bà Triệu, Phố Huế - Hàng Bài, Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt, Xã Đàn, Giải Phóng.
“Bước đầu đã nâng cao ý thức người dân đi đúng làn đường trên các tuyến phân làn, tạo được văn minh đô thị trong đi lại”, ông Tân thông báo.
Một cột biển phân làn giữa phố Xã Đàn bị phương tiện đi đường húc đổ
Về kế hoạch phân làn trong thời gian tới ông Tân cho rằng, từ nay đến cuối năm, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố, liên ngành tiếp tục phân làn trên 8 tuyến phố mới, như Kim Mã, Nguyễn Trãi - Trần Phú - Quang Trung (Hà Đông), Yên Phụ - Trần Quang Khải - Trần Nhật Duật, Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh - Liễu Giai, Lê Văn Lương, Nguyễn Văn Linh, Bắc Thăng Long - Nội Bài, Hoàng Quốc Việt.
“Riêng với tuyến Nguyễn Trãi - Trần Phú - Quang Trung (Hà Đông), Kim Mã (đoạn từ Voi Phục đến bến xe Kim Mã) do công tác chuẩn bị đã cơ bản xong nên theo kế hoạch 15 - 10, liên ngành sẽ triển khai phân làn tại đây”, ông Tân cho hay.
Chiều qua, ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội cũng cho biết, tiếp sau các tuyến phố trên, thành phố cũng vừa có chỉ đạo Sở GTVT tiếp tục nghiên cứu phương án phân làn trên tất cả các tuyến phố tại Thủ đô.
Mật độ dân cư quá lớn
Các chuyên gia cho rằng, phân làn, hay “bịt” ngã ba, ngã tư chỉ là giải pháp tình thế và nếu cứ sa đà vào việc này sẽ thất bại. Nguyên nhân sâu xa của ùn tắc tại Hà Nội và các đô thị lớn ở Việt Nam là dân cư tập trung quá đông trong khu vực nội thành. Chỉ tính riêng Hà Nội, đến nay cứ 1 km2 có 1.926 người dân sinh sống, cao hơn mật độ trung bình của cả nước là 7,4 lần và cao hơn tiêu chuẩn cho phép của thế giới là 100 lần.
“Đây là nguyên nhân chính làm cho tình trạng ùn tắc xảy ra triền miên và không có tuyến đường nào có thể đáp ứng được”, Thạc sỹ Vũ Đình Hiền, Phó trưởng bộ môn Đường bộ, ĐH GTVT nhận xét. Theo ông Hiền, về lâu dài cải thiện được tình trạng giao thông, Hà Nội cần phải hạn chế phương tiện vào khu vực nội thành, đặc biệt là có các giải pháp phân bố dân cư giữa các khu vực cho hợp lý.
Ông Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội cũng cho rằng, dân số tăng đồng nghĩa với phương tiện tăng, ngoài 3,7 triệu xe máy và gần 400.000 ô tô đang có, hiện mỗi tháng Hà Nội còn có thêm gần 5.000 ô tô và gần 300.000 xe máy đăng ký mới, trong khi đó đường sá lại không thể mở rộng thêm.
“Vấn đề cơ bản nhất cần phải giải quyết lúc này là phân bố, điều tiết dân cư sao cho hợp lý, còn mọi giải pháp tổ chức giao thông lúc này đều chỉ là tình thế, không nên sa đà”, ông Nghiêm nói.
Theo ông Nghiêm, nhiều năm nay Hà Nội cũng có chủ trương di dời các trường ĐH, bệnh viện ra khỏi khu vực nội thành nhưng sau nhiều năm triển khai, đến nay tiêu chí để di dời vẫn chưa xây dựng xong, 26 trường ĐH và các bệnh viện vẫn yên vị, tăng áp lực lên giao thông, nhất là mùa tuyển sinh, thi cử.
Cùng với đó việc xây dựng các khu đô thi vệ tinh để kéo dân cư ra ngoài mới chỉ nằm trên dự án, một số khu chung cư đã xây dựng xong thì lại thiếu các công trình phụ trợ nên người dân không mặn mà.
Dân không quan sát nên đâm vào biển báoTrả lời các câu hỏi của báo chí về nhiều vụ tai nạn trên các tuyến phố phân làn, ông Nguyễn Xuân Tân cho rằng, là do người dân đi không chịu quan sát nên mới đâm vào cột biển báo. Còn tại sao các bảng phân làn không treo trên cao (mà lại cắm dưới đường) vì trước đây đã từng làm, nhưng không ai tuân thủ nên lần này phải cưỡng bức.