Cả Lê Văn Bảy và Nguyễn Văn Linh đều không có vẻ lì lợm của những tên lưu manh, họ trả lời các câu hỏi một cách vụng về, cộc lốc, cho thấy họ là những kẻ ít học. Sự vất vả, lam lũ cộng với bản án lương tâm đè nặng khiến Bảy già hơn so với tuổi 26 của mình. Gã là thợ hàn chính và cũng là kẻ châm ngọn lửa oan nghiệt khiến 13 người thiệt mạng và 25 người khác bị thương nặng, ở xưởng da giày thuộc xã Tân Dân, huyện An Lão, Hải Phòng vào ngày 29-7 vừa qua.
Bộ đồ hàn của Bảy và Linh
Lê Văn Bảy: “Chỉ tại em ngu dốt…”
- Em học nghề hàn này từ ai?
- Không học từ ai ạ! Em tự học bên ngoài. Lúc đầu đi làm thợ phụ cho người ta, cứ học theo và làm thế thôi. Em tự mua máy hàn để ở nhà, khi có người cần làm gì đó gọi là em đi thôi. Em cũng không chuyên nghiệp nghề hàn…
- Nghĩa là cũng không có qua trường lớp nào?
- Vâng ạ.
- Em có biết ở trong xưởng có tới hơn 40 công nhân đang làm việc, hàn như thế là vô cùng nguy hiểm không?
- Cũng tại em ngu dốt, không ý thức được sự nguy hiểm. Trước đây em đi làm thợ phụ việc 7 năm ở công ty sản xuất phụ tùng ô tô. Chưa từng bao giờ được học hay ai nói gì với em về an toàn lao động?
(Cúi đầu không nói…)
- Ai đã gọi điện cho em đến hàn 4 chiếc cột thu lôi?
- Chị Sự (Bùi Thị Sự - người cho Bùi Thị Hiền thuê đất mở xưởng) gọi cho em ạ. Khoảng 1 tuần trước khi vụ cháy xảy ra, ngày nào chị ấy cũng gọi và giục em.
- Khi bắt đầu chuẩn bị hàn có ai ngăn cản không?
- Không ạ, việc ai nấy làm thôi.
- Vậy sao nhiều nhân chứng kể lại, họ đã ngăn cản nhưng em vẫn leo lên hàn?
(Bảy cúi đầu. Những giọt nước mắt ứa ra).
- Khi bắt đầu lửa phát hiện lửa cháy, em đã làm gì?
- Lúc đó em đang đứng ở trên, sẵn có chai nước dùng để làm nguội vết hàn, em đã đổ xuống để dập lửa. Ngọn lửa lan quá nhanh em không thể làm gì được nữa.
- Khi ngọn lửa bùng cháy dữ dội, em có tham gia cứu người không?
- Lúc đó em lao vào cửa và lôi được 3 người ra. Có một người em túm vào tóc nhưng bị cháy hết tóc nên em đã túm vào áo và lôi ra.
- Xưởng chỉ có một cửa vào và phía sau không có cửa thoát hiểm. Trong lúc cháy chỉ cần dùng búa đập của phía sau là mọi người thoát chết. Sao em không đập tường?
- Lúc cứu được 3 người xong em đã cầm chiếc búa 5 kg của em mang theo ra phía sau đập tường. Trong lúc sợ hãi, bối rối, em đã đập vào ngón tay, ngón tay của em vẫn tím móng đây ạ.
- Rồi sao nữa?
- Mọi người cũng chạy theo em định đập nhưng thấy em đau ngón tay và tường khó đập nên không ai đập nữa, có nhiều người đứng xem thôi…
- Nhà em có mấy anh chị em?
- Nhà em nghèo lắm, có 5 người anh em. Tất cả đều đi làm thuê, người thì làm mộc, người thì làm thợ xây.
- Cảm giác sau 2 tuần ở trại tạm giam thế nào?
- Em ăn ít, ngủ thì khó lắm! Tất cả chỉ vì chúng em ngu dốt, thiếu hiểu biết nên đã gây ra vụ việc kinh hoàng này.
- Em đã có gia đình chưa?
- Em cưới vợ từ năm 2007 và có một cháu 3 tuổi rồi. Nó là Lê Đức Anh, con trai anh ạ. Nó ngoan lắm (bật khóc).
- Có muốn nhắn nhủ gì với vợ con không?
- Con em còn nhỏ quá, vợ em thì làm công nhân giày da lương chẳng được là bao. Em chỉ mong vợ em đừng suy nghĩ về em, cố gắng làm ăn nuôi con.
Nguyễn Văn Linh: “Nghề chính của em là đánh cá”
Hai hõm mắt trùng sâu, có lẽ vì nhiều đêm mất ngủ, Nguyễn Văn Linh (27 tuổi) thẫn thờ tiếp chuyện chúng tôi với một tâm trạng như kẻ mất hồn. Là người phụ giúp cho Lê Văn Bảy hàn 4 chiếc cột thu lôi, Linh kể rằng, anh ta được Bảy “rủ đi làm” chứ nghề nghiệp chính của Linh là… đánh cá. Giờ đây, mỗi lần nhớ lại giây phút ngọn lửa trùm lên xưởng giày da, Linh toát mồ hôi vì sợ hãi. Đó là lần đầu tiên Linh đi làm thợ hàn. Anh ta đã kể cái ngày mình bắt đầu sự nghiệp thợ hàn như sau: “Buổi sáng hôm đó, em và Bảy rủ nhau đi đánh cá. Buổi chiều anh Bảy rủ em đi phụ giúp việc hàn. Em nói là em không biết hàn, nhưng anh Bảy nói chỉ đi phụ giúp thôi, anh ấy sai gì thì làm nấy. Từ bé đến giờ, em có biết hàn là cái gì đâu, chỉ biết đánh cá kiếm ăn thôi”.
Hiện trường vụ cháy
Thế đấy! Những người lao động tự do như Bảy, như Linh đều đến với nghề một cách tự nhiên, bột phát, đôi khi chỉ từ một lời rủ “đi làm với anh”. Họ không hề được trang bị kiến thức về công việc mình làm cũng như kiến thức về an toàn lao động. Sự nhiệt tình cộng ngu dốt của Bảy và Linh đã gây thảm họa không gì có thể khắc phục được. Thật đáng kinh sợ là hiện nay, không chỉ ở nông thôn, ngay ở các thành phố lớn, đội ngũ những người làm nghề tự do như xây dựng, hàn, điện… chiếm một số lượng khá lớn, họ tự tìm kiếm việc làm, hợp đồng của họ với chủ cơ sở có khi chỉ là hợp đồng miệng. Những vụ cháy gây xôn xao dư luận ở Hà Nội cách đây không lâu, thủ phạm cũng lại là thợ hàn. Ví dụ như vụ cháy ở vũ trường Đêm Tây Hồ, ở Hà Nội. Chủ nhóm thợ hàn gây ra vụ cháy đã khai nhận, trước khi sử dụng máy hàn điện, anh ta đã nhắc nhóm thợ đổ nước để làm ướt sàn nhà đề phòng xỉ than gây cháy. Tuy nhiên, khi đứng hàn trên cao, xỉ hàn bắn vào các tấm xốp, mút cách âm ốp trên tường đã gây cháy.
Trình độ văn hóa của những đối tượng này rất thấp, như Nguyễn Văn Linh mới chỉ học hết lớp 7, còn Lê Văn Bảy thì học hết lớp 9. Linh lại lý do vì sao mình phải nghỉ học sớm như sau: “Ngày xưa em đi đánh cá thì bị ma làm nên đầu óc hay lẩn thẩn, vì thế bố mẹ em cho nghỉ học”. Tuy nhiên, Linh vẫn ý thức được sự nguy hiểm khi thấy Bảy trèo lên hàn cột chống sét. Chính anh ta đã gàn Bảy nhưng với quyết tâm ngu dốt của mình, Bảy cương quyết làm đến cùng với lý lẽ “không làm sao cả”. Thậm chí, Bảy còn “xui dại” Linh chui vào lớp xốp chống nóng báo cho Bảy vị trí hàn. “Em thấy chỗ xốp nó bụi bẩn quá nên em không vào. Nếu vào chắc em cũng chết cùng mọi người: - Linh buồn rầu nhớ lại. Nhiệm vụ của kẻ được “rủ đi làm” là đứng trên mái và giữ cho Bảy hàn. Đến khi ngọn lửa bốc lên nhanh quá, Linh lao vào cửa và lôi được 2 người ra ngoài.
Trong một lần tiếp xúc với báo chí, chị Bùi Thị Thêm (người may mắn thoát chết) bàng hoàng nhớ lại: Trong lúc ngọn lửa bùng lên chị đã thấy hơn chục thanh niên trai tráng đứng nhìn. Chị đã cố gắng dập lửa và kêu gào mọi người cứu. Nhưng mọi người vẫn đứng yên xem ngọn lửa bùng lên ngày một dữ dội. Và chính chị Thêm cũng là người ngăn cản Bảy và Linh hàn 4 chiếc cột thu lôi. Tuy nhiên Bảy đã bỏ ngoài tai và thản nhiên buông một câu bộc lộ ý chí chủ quan ngu dốt của mình: “Không việc gì đâu!”. Khi đám lửa bùng phát mạnh, Lê Văn Bảy đã có ý định đập bức tường bằng gạch phía sau. Tuy nhiên khi bị búa đập vào tay Bảy đã dừng lại. Những người làm trong xưởng may đều là những người cô, người bác của Bảy. Vậy mà anh ta và nhiều người lại nhẫn tâm vì cái sự đau đớn bé nhỏ của mình mà quên đi tính mạng của hơn chục con người chết trong thảm thương. Xót xa quá! Đáng trách quá!
Tiếp xúc với những kẻ như Bảy và Linh, quả thật, dâng lên trong chúng tôi là một nỗi vừa xót xa vừa căm phẫn. Gia cảnh những người thợ ấy đều nghèo khó, đều vợ dại con thơ, biết chèo chống ra sao với đồng lương công nhân da giày để nuôi con trong thời buổi giá cả leo thang này. Lỗi lầm của họ bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết và quá chủ quan. Không quá khi gọi đó là sự ngu dốt đến đáng thương. Mọi hiểu biết về an toàn lao động của họ đều chỉ là mơ hồ. Trong cuộc trò chuện với chúng tôi, chính họ cũng thừa nhận hành động của mình là do ngu dốt và giờ đây, chất ngất trong suy nghĩ của họ là sự ân hận tội cùng. Vì sao, vì tất cả những người vô tình bị tước đi sinh mạng do những bất cẩn của họ, đều là cô bác, họ hàng, anh em.
Ngoài kia, văng vẳng ở nơi xóm nhỏ Tân Dân vẫn là những tiếng khóc thương, ai oán trước mâm cúng ngày rằm tháng bảy. Chỉ mong sao sự ăn năn ấy, hối hận ấy và cả nước mắt kia sẽ khiến những người thợ hàn khác lấy đó làm bài học xương máu cho mình, để những sự cố đau lòng sẽ không một lần nữa lặp lại.