Được đầu tư tới 5.000 tỷ để xây dựng lên nhưng 3 cây cầu vượt có kết cấu khá hiện đại của Hà Nội: Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng và Mai Dịch đang đối mặt với “án tử hình” khi hệ thống đường trên cao được xây dựng.
Mặc dù sau phát biểu của một số chuyên gia xây dựng về việc Hà Nội có thể phải phá bỏ 3 cây cầu vượt khi xây dựng đường trên cao trên tuyến vành đai 2 và vành đai 3, lãnh đạo Hà Nội và Bộ Giao thông vận tải đã lên tiếng khẳng định, Bộ và thành phố không có chủ trương phá 3 cầu vượt trên để xây dựng đường trên cao.
Tuy nhiên, phía các đơn vị chủ quản cũng không đưa được ra phương án nào cho tuyến đường trên cao khi chạy qua 3 cây cầu vượt này. Trao đổi với PV về thông tin trên, ông Nguyễn Xuân Tân, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải khẳng định, đó là phát biểu không có căn cứ của các chuyên gia. Tuy nhiên, vị Phó giám đốc Sở cũng khẳng định: “Sở chưa có nghiên cứu về việc này nhưng theo chủ quan của tôi các cầu vượt được làm theo quy hoạch nên không có chuyện phá bỏ”.
Sau đó Sở Giao thông đã có văn bản báo cáo lãnh đạo thành phố khẳng định 2 cây cầu vượt: Ngã Tư Sở và Ngã Tư Vọng khi đơn vị này xây dựng tuyến đường trên cao ở tuyến vành đai 2 thì đường trên cao sẽ được xây vượt trên các cây cầu này. Nhưng Chánh văn Phòng UBND Hà Nội khi trao đổi với báo chí về số phận của các cây cầu vượt này, mặc dù vẫn khẳng định sẽ không phá bỏ, tuy nhiên phương án xây đường trên cao sẽ chạy trên cầu vượt hay dưới thì ông cũng khẳng định hiện thành phố vẫn còn đang nghiên cứu.
Nhiều chuyên gia cho rằng, phá cầu vượt để xây dựng đường trên cao chi phí sẽ rẻ hơn
Rõ ràng, thông tin có thể phải phá 3 cầu vượt để xây đường trên cao chỉ là các thông tin do các chuyên gia đưa ra nhưng qua cách “ứng xử” của Hà Nội, nhất là Sở Giao thông vận tải cũng có thể thấy, họ đã “bỏ qua” số phận của các cây cầu vượt này khi quyết định xây dựng đường trên cao trên tuyến vành đai 2.
Nhiều người khi bàn đến thông tin trên thì cho rằng các chuyên gia nói bừa. Tuy nhiên, chẳng cần nói đâu xa xôi, chỉ cần đối chiếu với phương án Sở Giao thông vận tải đưa ra cũng đủ thấy luận cứ của các chuyên gia khi đưa vấn đề này có sức nặng thế nào.
Giả sử để giữ lại cầu vượt, Hà Nội sẽ cho xây dựng đường trên cao vượt lên phía trên. Rõ ràng khi ấy toàn bộ kinh phí của công trình xây dựng tuyến đường trên cao sẽ đội giá lên rất nhiều. Có thể nếu phá 3 cầu vượt, đường trên cao sẽ chỉ phải xây ở khoảng cách từ mặt đường hiện tại lên khoảng 4,5-5 mét nhưng nếu để xây vượt lên trên cầu vượt khoảng cách cần có để xây đường trên cao sẽ phải cao gấp đôi vì phải đảm bảo cho các phương tiện lưu thông dưới cầu vượt.
Chưa bàn đến thẩm mỹ của việc cầu vượt sẽ nằm dưới gầm đường trên cao nhưng rõ ràng qua phân tích trên, có thể thấy để xây dựng đường trên cao vượt qua cầu vượt kinh phí sẽ tốn hơn rất nhiều. Có lẽ chính vì thế mà một số chuyên gia mới khăng khăng khẳng định, phá 3 cầu vượt để xây dựng đường trên cao sẽ đỡ tốn kém hơn.
TS. Khuất Việt Hùng, Trưởng Bộ môn Quy hoạch và Quản lý giao thông vận tải, Đại học Giao thông vận tải, sau quyết định của Hà Nội khẳng định sẽ không phá bỏ 3 cầu vượt trên cho rằng, để xây dựng đường trên cao trên tuyến vành đai 2 chỉ có 3 lựa chọn:
Thứ nhất là phá bỏ hoàn toàn 2 cây cầu này để đảm bảo toàn tuyến trên cao có cao độ khoảng 4,5 m so với mặt đường hiện hữu. Lựa chọn thứ hai, như một số nhà chuyên môn nói là nâng tuyến trên cao thêm một tầng nữa để chạy vượt qua hai nút này. Lựa chọn cuối cùng, xem ra còn khó khả thi hơn đó là đưa tuyến trên cao chui ngầm xuống đất để đi qua hai nút này.
Hệ thống đường trên cao ở BangKoK (Thái Lan)
Theo TS Hùng, ở đây, lựa chọn thứ nhất xem ra có vẻ đơn giản hơn cả về mặt kỹ thuật trong khi lựa chọn thứ hai có lẽ sẽ tạo nên những nút ngã tư khá buồn cười, mặc dù có nhiều người nói rằng "trên thế giới thiếu gì đường và nút 3 tầng".
Hiện nay, cao độ cầu vượt Ngã Tư Vọng là 4,5 mét và nếu làm thêm tầng nữa thì phải thêm 4,5 mét. Riêng cầu vượt Ngã Tư Sở còn vướng phải tháp dây văng cao hơn chục mét. Vậy nên nếu làm cầu cạn vượt qua cầu vượt này, sẽ không biết cách xử lý đường tiếp cận lên xuống như thế nào.
Phương án vượt lên trên như vậy có thể nói là rất xấu và khi đó nhiệm vụ nâng cao năng lực cho đường vành đai 2 của cầu cạn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Những giao thông tránh từ khu vực phía Tây nội thành (nằm giữa đường 32 và QL1) muốn đi sang Long Biên bằng cầu Vĩnh Tuy sẽ buộc phải chuyển hướng sang đường vành đai 3 chứ không đi trên cầu cạn này được nữa, và ngược lại.
“Người ta có quyền nói là không đập nhưng tôi nghĩ dù là phương án nào đi chăng nữa thì cũng phải được tính toán một cách cụ thể: nếu đập bỏ thì hết bao nhiêu tiền và không đập bỏ thì hết bao nhiêu. Trong tư duy thông thường, hai cây cầu vượt đó có nguy cơ bị đập bỏ rất cao. Còn nếu họ làm gì đó bất thường thì cũng không thể đoán được”, ông Hùng thẳng thắn.
Đúng là sẽ có nhiều bất thường nếu phân tích của các chuyên gia là đúng và các cơ quan quản lý cố làm theo cách riêng của mình vì không muốn bị lên án vì việc xây cầu vượt trước đây là không có quy hoạch. Hiện số phận của 3 cây cầu này đang tạm được giữ lại nhưng chưa biết sẽ có chuyện gì sẽ xảy ra. Việc này xin được nhường lại cho những người thực sự có trách nhiệm với tiền thuế của dân quyết định và chỉ có thời gian mới có giải đáp chính xác nhất.