Căng thẳng khi ba bị cáo kêu oan

 
Ngày 30-11, Tòa án quân sự Trung ương đã xử phúc thẩm ba bị cáo Nguyễn Thị Thuận, Bùi Tiến Hà và Hoàng Hải Tiệp về hai tội giết người và hủy hoại tài sản.
 
Nhận tội vì... không tin luật sư của mình
 
Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, vợ chồng bị cáo Thuận có mâu thuẫn nên ly thân. Bực tức chuyện anh Hưng (anh của chồng Thuận) bênh em, Thuận đã đưa 50.000 đồng cho Hà, Tiệp để mua xăng đốt nhà nạn nhân. Tiệp, Hà sợ không dám làm thì Thuận đã động viên có việc gì xảy ra, Thuận gánh hết và hứa cho Hà điện thoại, cho Tiệp đến ở nhà mình mà không lấy tiền nhà.
 
Rạng sáng 25-1-2008, Hà cảnh giới bên ngoài, còn Tiệp đổ xăng vào nhà anh Hưng qua khe sắt cửa nhà nhưng không được vì có rèm vải che. Hà vào nhà Thuận, lấy chiếc thước nhôm hình hộp rỗng giữa rồi lùa chiếc thước qua khe cánh cửa, Tiệp rót xăng vào chiếc thước. Sau khi đổ hết can xăng, Tiệp châm diêm đốt. Hậu quả là cả gia đình nạn nhân (vợ, chồng và con gái bảy tuổi) chết trong đám cháy.
 
Ngày 4-8, Tòa án quân sự quân khu thủ đô đã phạt Thuận án tù chung thân, Hà 20 năm tù, Tiệp 18 năm tù về hai tội giết người và hủy hoại tài sản. Sau đó, ba bị cáo kháng cáo kêu oan, còn phía nạn nhân đã làm đơn kháng cáo yêu cầu tăng hình phạt.
 
 
Ba bị cáo tại phiên xử. Ảnh: THANH LƯU
 
Tại phiên phúc thẩm này, cũng như ở phiên sơ thẩm, các bị cáo lại phản cung và kêu oan. Cả ba đều nói mình bị đánh đập, ép cung nên mới phải nhận tội tại cơ quan điều tra.
 
Luật sư bảo vệ cho phía nạn nhân bắt bẻ: Tại sao trong giai đoạn điều tra ở cơ quan quân đội sau đó, các bị cáo vẫn nhận tội, thậm chí còn mong được khoan hồng? Đến đây, Thuận và Hà đều trả lời là do... không tin vào luật sư của mình. Khi được hỏi tại thời điểm xảy ra vụ cháy, bị cáo Hà chỉ cách nhà nạn nhân 500 m, tại sao không hô hoán hoặc chạy đến nhà nạn nhân để cứu mà lại gọi điện thoại cho Thuận tới hơn 5 phút, Hà nói... không nhớ.
 
Tiệp thì phủ nhận hoàn toàn những cáo buộc trong cáo trạng, cho rằng mình không nhận tiền từ Thuận để mua xăng, cũng như không giúp đỡ Hà đốt nhà nạn nhân.
 
Cần điều tra lại?
 
Đại diện VKS nhận định tại phiên sơ thẩm cũng như tại phiên phúc thẩm này, các bị cáo đều phản cung, kêu oan. Tuy nhiên, hồ sơ vụ án và phần xét hỏi tại phiên tòa thể hiện lời khai nhận tội của bị cáo có sự thống nhất, phù hợp với hành vi phạm tội. Do đó, lời khai của bị cáo này chính là chứng cứ kết tội bị cáo kia. Việc các bị cáo cho rằng bị mớm cung, ép cung, đánh đập là không có căn cứ. Hơn nữa, các bị cáo đều nhận thức được việc gây ra cái chết thảm cho ba người sẽ phải chịu hậu quả cực kỳ lớn nên không có lý do gì lại nhắm mắt nhận tội bừa được.
 
Đại diện VKS khẳng định bản án sơ thẩm đã xét xử đúng người, đúng tội, đã xem xét đầy đủ các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ nên đề nghị tòa bác kháng cáo kêu oan của các bị cáo và kháng cáo tăng nặng hình phạt của phía nạn nhân, tuyên y án sơ thẩm.
 
Tranh luận, các luật sư bảo vệ cho các bị cáo đều cho rằng vụ án này có rất nhiều vi phạm tố tụng và nhiều điểm chưa được làm sáng tỏ. Theo một luật sư, Thuận có trình độ đại học nhưng không hiểu sao lại phải điểm chỉ trong 20 bản cung. Điều này vi phạm tố tụng nghiêm trọng vì luật đã quy định rất rõ chỉ trong những trường hợp đặc biệt hoặc bị can không biết chữ mới phải điểm chỉ. Ngoài ra còn có hai bản cung khác có người chứng kiến nhưng không rõ là ai, “ông xe ôm hay bà bán phở”.
 
Cạnh đó, các luật sư nói vụ án không có nhân chứng và vật chứng. Hai chiếc can nhựa và chiếc thước nhôm được đưa tới phiên tòa hoàn toàn không phải là vật chứng mà chỉ là những đồ vật mô phỏng nên không có giá trị. Quá trình thực nghiệm hiện trường được ghi hình lại thì hết sức gượng gạo, đầy những tiếng “thúc giục” của các điều tra viên. Kết luận giám định ngược với kết luận điều tra, không thể hiện được đám cháy xuất phát từ trong hay ngoài ngôi nhà.
  
Cộng với việc cả ba bị cáo đều đồng loạt phản cung, kêu oan và cho rằng bị ép cung, nhục hình, các luật sư đều đề nghị tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung để làm rõ.
 
Hôm nay tòa tiếp tục phần tranh luận.
 

Náo loạn tiếng chửi, tiếng khóc

Khoảng 300 người đã tới dự phiên tòa, chủ yếu là người nhà của nạn nhân. Không đủ chỗ ngồi, rất nhiều người phải đứng trong phòng xử hoặc hai bên hành lang.

 

Luật sư của phía nạn nhân phải nhiều lần xuống giải thích để xoa dịu những người bức xúc gây mất trật tự tại tòa. Ảnh: THANH LƯU

Khi luật sư của các bị cáo xét hỏi hoặc các bị cáo trả lời thì nhiều người liên tục la ó, lăng mạ, thậm chí còn chửi thề. Khi luật sư của các bị cáo tranh luận, một số người đã bức xúc đập bàn, đứng lên chỉ mặt la hét, khóc lóc… Còn khi luật sư của nạn nhân phát biểu thì rất nhiều người vỗ tay ủng hộ ầm ĩ. Luật sư của phía nạn nhân phải nhiều lần xuống giải thích, khuyên nhủ nhưng tình hình cũng không khá hơn.
 

 

Theo THANH LƯU (Pháp Luật TPHCM)


Giày Đại Phát solution
Số người online:
50472
Số người truy cập:
7459570