Cạn tình cạn nghĩa vì đào mộ bắt "trùng"

Phát giác câu chuyện oái oăm này, con của người bị xâm phạm mồ mả đã đuổi đánh thủ phạm "trối chết", chỉ đến khi cơ quan chức năng can thiệp thì sự việc mới dừng lại.

Cách "chữa bệnh" kỳ quái

Sự việc bị phát giác khi 2 người dân trong thôn Xuân Thiên Thượng đã vác cuốc thuổng đào mộ một người cùng thôn vừa qua đời 21 ngày. Theo những người này, việc đào mộ nhằm để... chữa bệnh cho một cháu nhỏ sinh sống ở TP HCM theo tục "ma trùng".

Theo những người dân chứng kiến sự việc và chính quyền địa phương thì chuyện lạ lùng này diễn ra vào ngày 4/3/2011. Chiều tối hôm đó, ông Phạm Hến và Phạm Phúc (cùng ngụ thôn Xuân Thiên Thượng, xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang) đem cuốc, xẻng đào một hố sâu giữa mộ của ông Phạm C. (là người họ hàng) vừa qua đời 21 ngày. Họ đã cho rơm rạ và đổ xăng vào đốt để trừ...tà. Sau khi thực hiện hành vi của mình, ông Hến và ông Phúc về trước ngõ gia đình ông C. "tuyên bố" với con cái trong nhà: "Tao vừa đào mả cha mày xong". Ông Phạm T. (42 tuổi, con trai của người đã chết, trú tại TP Huế) về quê làm lễ cúng tuần cha nghe vậy đã dùng dao đuổi chém hai ông Hến và Phúc. Rất may người dân xung quanh đã can ngăn kịp thời.

Sáng ngày 5/3, tại buổi hoà giải ở thôn, ông Phạm Hến đã lý giải với chính quyền và người dân địa phương: Do đứa cháu nội của ông là Phạm Thị Khánh M, 6 tháng tuổi hiện sống tại TP HCM đột nhiên bị ngất xỉu. Bố mẹ cháu M đi xem bói và được thầy bói phán cháu M đau là do một người cùng họ vừa qua đời đòi "bắt" đi. Bố cháu bé sau khi xem bói đã điện về nhờ 2 ông đi "yểm bùa" phần mộ ông Phạm C là người thân trong họ vừa qua đời. Nghe lời thầy bói, 2 ông đã có hành vi dại dột như trên.

Hủ tục cần xóa bỏ

Cụ Phạm Đối (85 tuổi) cho biết sự việc dạng như vậy không phải lần đầu xuất hiện tại địa phương. Theo cụ, hành vi này xuất phát từ quan niệm "ma trùng": Cứ mỗi lần trong thôn có người chết rồi sau đó có người cùng họ với người đã chết bị đau ốm, qua đời hay làm ăn thất bát người ta lại đổ lỗi cho vong linh người chết về "ám". Nếu trong họ tộc có trẻ em thì người trong gia đình phải thay phiên túc trực "canh gác" hết 49 ngày từ khi có người thân trong họ chết. Người dân ở làng gọi đây là tục "ma trùng". "Để hoá giải nó, chỉ có cách đào mộ người đã chết rồi yểm bùa hoặc dùng dùi sắt đâm xuyên qua thi thể người đã khuất. Tục này cho rằng, "ma trùng" chỉ xảy ra đối với người trong họ hàng với nhau", cụ Đối nói.

Cụ Đối cho biết, ngày xưa, ở thôn cũng thường xuyên xảy ra những sự việc bất hòa vì lý do tương tự. Hủ tục này lắng xuống một thời gian và gần đây bắt đầu xuất hiện lại. Cụ Đối cho biết: "Với kinh nghiệm đúc rút hơn 80 năm ở làng này, tôi đã vận động con cháu bãi bỏ hủ tục nhưng thực ra rất khó. Ở xã Vinh Xuân này chỉ còn lại thôn Xuân Thiên Hạ và thôn Xuân Thiên Thượng còn đang có hiện tượng này".

Trung úy Đặng Bá Dũng thuộc Đồn Biên phòng Vinh Xuân (đóng trên địa bàn, người trực tiếp quản lý địa bàn thôn Xuân Thiên Thượng) cho biết đây là một hủ tục vừa mới "tái xuất", nếu không tuyên truyền, giải thích và có biện pháp ngăn ngừa sớm sẽ dẫn đến những hệ lụy rất phức tạp trong đời sống nhân dân. Theo Trung uý Dũng: "Nhiều người lớn tuổi trong thôn vẫn còn mang nặng tư tưởng lạc hậu, tin vào những điều hoang đường, mê tín. Sắp tới, đồn chúng tôi sẽ phối hợp với các đoàn thể ở địa phương, tích cực bám sát, vận động người dân từ bỏ triệt để hủ tục này để thực hiện nếp sống văn minh, văn hoá".

Ông Trần Văn Đê, Chủ tịch UBND xã Vinh Xuân dứt khoát khẳng định: "Qua sự việc xung đột, đuổi chém nhau vừa rồi, chính quyền quyết tâm phối hợp với bộ đội biên phòng và các cơ quan hữu quan dẹp bỏ tập tục mê tín này. Xã sẽ xử lý nghiêm những người vi phạm và có hành vi tuyên truyền bậy bạ".


Giày Đại Phát solution
Số người online:
19043
Số người truy cập:
9291129