Cần hiểu đúng về nước tinh khiết, nước khoáng

Uống nước tinh khiết liên tục trong thời gian dài chưa hẳn đã tốt cho sức khỏe - Ảnh: Ngọc Thắng
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Ninh (khoa Vi chất, Viện Dinh dưỡng) phân tích: “Nước tinh khiết là nước không có bất kỳ một chất nào khác, dù đó là chất có lợi hay hại cho cơ thể. Vì theo yêu cầu, nước tinh khiết phải chưng cất nhiều lần trước khi sử dụng. Nhưng thực tế cho thấy, nhiều quy trình sản xuất nước tinh khiết hiện nay rất đơn giản, nguồn nước được lấy từ giếng khoan hay nước máy rồi cho vào thiết bị lọc tạp chất và khử mùi vị, sau đó chưng cất và đóng chai. Ngay cả trong điều kiện thiết bị hiện đại, nhưng nếu khâu thanh trùng và đóng chai cẩu thả thì nước vẫn bị nhiễm bẩn”. Còn theo tiến sĩ Hoàng Kim Thanh, Viện Dinh dưỡng, ngay cả trường hợp nước tinh khiết thực sự thì việc sử dụng lâu dài cũng chưa hẳn có lợi: “Lâu nay, người sử dụng vẫn cho rằng nước tinh khiết là tốt. Nhưng vì chỉ có oxy và hydro nên nước tinh khiết lại không có đầy đủ các thành phần cần thiết cho cơ thể vốn có trong nước. Nếu dùng lâu dài, có thể gây thiếu hụt một số chất cần cho sức khỏe”. Tiến sĩ Thanh còn lưu ý: “Công nghệ lọc nước tinh khiết hiện vẫn còn sử dụng vòi nước bằng nhựa PVC là không đảm bảo yêu cầu. Để đảm bảo an toàn vệ sinh, vòi này phải được làm bằng chất liệu silicon hoặc nhựa y tế”.

 

Tại hội thảo, khi nhận định về chất lượng nước đóng chai nói chung, ông Hồ Tất Thắng, Phó chủ tịch Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng, lo ngại: “Nước uống đóng chai đang báo động đỏ. Bộ Y tế chưa quy định nguồn nước sử dụng để sản xuất nước uống đóng chai. Đây là thực phẩm nguy cơ cao, cần phải có quy định riêng, cụ thể”.

 
Tương tự, tiến sĩ Nguyễn Xuân Ninh cũng cảnh báo về chức năng, vai trò và cách sử dụng nước khoáng. “Cần hiểu đúng về vai trò của chất khoáng, nước khoáng với cơ thể. Một số chất khoáng có vai trò quan trọng với sức khỏe con người. Nhưng mới có một số chất chúng ta đã biết rõ chức năng (canxi, selen, kẽm, flour), còn nhiều chất khác chưa biết rõ chức năng... Ngay cả những chất vốn có ích cho sức khỏe cũng không tốt cho cơ thể nếu nồng độ không phù hợp”, tiến sĩ Ninh khuyến cáo và dẫn chứng: “Kẽm tốt cho hệ miễn dịch, nhưng nhu cầu chỉ từ 5-15 mg/ngày, tùy độ tuổi và tình trạng bệnh lý. Kẽm trong nước thường ở mức thấp (3 mg/l), tuy nhiên vùng có mỏ kẽm có thể cao hơn. Với nồng độ kẽm cao, lượng kẽm cao hơn mức khuyến nghị, có thể gây ngộ độc kẽm cấp tính hoặc mãn tính. Hay canxi là chất hữu ích trong tạo xương, răng, điều hòa hoạt động cơ thể. Nhưng người bị sỏi thận canxi lại không nên uống nước khoáng có chứa chất này”.

Theo các chuyên gia tại hội thảo, chất khoáng dù hữu ích cũng chỉ được phép sử dụng ở hàm lượng phù hợp. Với loại nước có hàm lượng khoáng từ 1.000 mg/l trở lên được coi là nước khoáng trị bệnh, khi sử dụng phải có ý kiến của bác sĩ. Ngoài ra, không nên dùng nước khoáng để pha sữa, uống thuốc vì có thể thừa những thành phần không cần phải bổ sung, đặc biệt với trẻ em.

Nam Sơn

( Theo Thanh Nien) 


Giày Đại Phát solution
Số người online:
7772
Số người truy cập:
9558781