Theo lời của người dân trong tổ, tình trạng trên được phát hiện vào sáng 24-9. Ban đầu do vị trí đất sụp rộng nằm kẹp giữa bờ tường rào của nhà ông Lê Có và mặt đường bê tông, với bề ngang chưa đầy 30cm, kéo dài khoảng 5m, nên nhiều người không để ý.
Đến khi một số ở gần lấy cây để thọc xuống dò thử, thì mới giật mình. Vào thời điểm đó, chiều sâu đo được đã hơn 7m, còn dài trên 9m. Và kích thước của hố ngày càng một mở rộng ra. Theo đó, đến trưa 27-9, độ sâu của hố đo được đã trên 10m, còn chiều dài thì không thể đo được vì quá rộng.
Cận cảnh miệng hố
Người dân đang dò thử độ sâu
Người dân hiếu kì kéo đến xem đất sụp thành hố bất chấp cảnh báo của chính quyền
"Có lẽ toàn bộ khu vực nền phía dưới đường và xung quanh đã sụp hết rồi, nhưng vì do phía trên là mặt đường bê tông, còn xung quanh là khu vực sân của người dân đã được tráng bê tông nên không thấy", ông Lê Có, người có nhà gần đó, cho biết.
Điều đáng nói là ngoài việc gây nguy hiểm cho nhiều gia đình, sự việc xuất hiện đất sụp tạo thành hố ngay giữa khu vực dân cư của thị trấn đã thu hút hàng trăm người hiếu kỳ ở khu vực lân cận đến xem, làm chính quyền địa phương hết sức vất vả để ngăn chặn.
"Ngoài điều động lực lượng túc trực để xử lý khi xảy ra sự cố, chính quyền thị trấn phải rào tất cả các ngả đường dẫn vào khu vực này, để ngăn không cho người dân đến xem, đề phòng những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra", ông Nguyễn Tấn Nông, Chủ tịch UBND thị trấn Mộ Đức nói.
Hiện vụ việc đã được UBND Mộ Đức báo cáo lên trên tỉnh để xử lý.
Các chuyên gia địa chất nói về sụt đất ở Mộ ĐứcTrao đổi với phóng viên, tiến sĩ Doãn Đình Lâm (Trưởng phòng Trầm tích, Viện Địa chất, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) phỏng đoán, hiện tượng nứt sụt đất này từng xảy ra nhiều nơi trên lãnh thổ Việt Nam. Đây là một dạng tai biến địa chất, liên quan đến hoạt động kiến tạo hiện đại và bản thân các thành tạo địa chất.
Theo ông Lâm, khi các đứt gãy kiến tạo hoạt động sẽ xảy ra hiện tượng chuyển động của các khối đất đá liên quan. Ngoài ra, tính chất cơ lý liên quan đến thành phần đất đá của các thành tạo địa chất trên bề mặt cũng giữ vai trò quan trọng trong việc hình thành các khe nứt.
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Đản nguyên Liên đoàn trưởng Liên đoàn Địa chất Thủy văn, Địa chất công trình cho hay, hiện tượng này xảy ra có khả năng liên quan tới chuyển động của vỏ trái đất khi có hoạt động kiến tạo mới.
Đồng tình, phó giáo sư, tiến sĩ Cao Đình Triều, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Địa vật lý Việt Nam bổ sung, tại các vùng núi của Quảng Ngãi từng xảy ra nhiều trượt lở liên quan đến hoạt động kiến tạo.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng đưa ra giả định khả năng vết nứt nói trên có liên quan tới hiện tượng dưới lòng đất có “ụ muối” (chứa vật liệu hút nước). Khi “ụ muối” này ngấm nước sẽ trương phình ra và gây nứt bề mặt.
Do địa hình của thị trấn Mộ Đức là đồng bằng, nên hiện tượng lún sụt do hoạt động của hang Karst (hang đá vôi) đã được loại bỏ.
Các chuyên gia khuyến cáo các cơ quan chức năng địa phương cần xem xét và theo dõi những hố lún sụt này có tiếp tục phát triển hay không để có phương pháp xử lý kịp thời. Cần tổ chức di dời những hộ dân gần khu lún sụt để đề phòng các sự cố tai biến xảy ra với quy mô lớn.
Ngoài ra, để có thể tìm được câu trả lời chính xác giải đáp nguyên nhân, quy mô và dự báo của khu vực Mộ Đức thì cần phải tiến hành nghiên cứu tại hiện trường, tiến hành đo đạc các thông số địa chất, địa hóa...
Ông Lâm cũng cho biết, Viện Địa chất - cơ quan chuyên nghiên cứu về các dạng tai biến địa chất - sẵn sàng cử cán bộ tham gia khảo sát, nghiên cứu hiện tượng tai biến này tại địa phương nếu có yêu cầu.