Cái tát của anh đã giúp tôi vào đại học

Sau ngày bố bị tai nạn và bị liệt nửa người, kinh tế gia đình tôi càng trở nên kiệt quệ. Nhưng dù phải chạy ăn từng bữa, mẹ vẫn kiên quyết bắt anh em chúng tôi không được bỏ học, trừ người anh cả phải nghỉ học để phụ mẹ lo cho các em và chăm sóc bố. Dù khi ấy, anh mới học lớp 11 và là người học khá nhất làng.

Tháng 5/1997, bố tôi qua đời. Sau lễ tang của bố một tháng, anh quyết định vào miền Nam kiếm tiền trả nợ cho gia đình và phụ giúp mẹ nuôi các em. Anh vào Ninh Thuận rồi Cà Mau để nuôi tôm thuê, sau đó xuống TP HCM làm công nhân trong một công ty liên doanh. Cứ đều đặn hai tháng anh gửi tiền về cho mẹ. Mỗi năm, anh về thăm nhà một lần vào dịp giỗ bố, còn ngày Tết anh không về mà chỉ gửi quà cho chúng tôi.

Ngày anh đi, tôi mới 11 tuổi - cái tuổi vô lo, vô nghĩ. Thiếu sự kèm cặp, giám sát của anh trai và vì ham chơi nên càng ngày học lực của tôi càng giảm sút. Kỳ thi vào lớp 10 năm 2002, tôi chỉ đủ điểm để học hệ bán công với học phí cao gấp 3 lần so với hệ công lập. Khi ấy, tiền đóng học của mấy chị em tôi chủ yếu dựa vào tiền do anh gửi về. Chị gái tôi năm ấy đang học lớp 12, hai cậu em học lớp 8 và lớp 6, nếu tôi học tiếp thì đó thực sự là một gánh nặng kinh tế đối với gia đình.

Ở quê tôi, học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, nếu không học tiếp thì ở nhà phụ giúp gia đình một thời gian, sau đó đến các thành phố để tìm việc làm. Nhìn bạn bè cùng trang lứa với mình có thể phụ giúp gia đình và có thể gửi tiền về nhà, tôi thấy mình cũng đã lớn. Tôi không muốn tiếp tục học nữa mà muốn đi làm để phụ anh, phụ mẹ trả nợ và nuôi các em.

Đem ý định này bàn với gia đình nhưng không ai ủng hộ tôi. Anh gọi điện thoại về bắt tôi phải học tiếp, nếu bỏ học anh sẽ không nhìn mặt tôi nữa. Anh bảo: "Học hệ gì bây giờ không quan trọng, quan trọng nhất là phải vào được đại học. Anh tin em sẽ làm được...".

Nghĩ bị gia đình bắt ép đi học nên tôi lười biếng trong học tập, rồi tham gia tụ tập đi gây gổ, đánh nhau... Tôi đã hư hỏng từ lúc nào không hay. Là học sinh THPT nhưng tôi đã uống rượu, hút thuốc và có cả "bạn gái" nữa. Tôi viện ra mọi lý do để xin tiền gia đình, thậm chí viết thư cho anh trai kể khổ để xin tiền anh. Tôi ăn nợ, mua chịu khi trong túi không còn đồng nào...

Rồi anh quyết định về quê lập nghiệp sau 7 năm xa xứ. Anh già đi nhiều so với tuổi 25 của mình. Anh nói sẽ trả hết các khoản nợ quán cho tôi với điều kiện "không được giao du với những người bạn hư của và phải học thật tốt". Anh kiểm soát tất cả những mối quan hệ và giờ giấc của tôi. Hằng ngày, tôi muốn đi đâu, làm gì trong bao lâu... đều phải báo trước cho anh hoặc gia đình.

Sau một thời gian, tôi cảm thấy khó chịu và tìm cách để thoát khỏi sự quản thúc của anh. Khi thì tôi lấy cớ đi học nhóm, lúc thì bịa chuyện bạn học ốm phải đi thăm, rồi đi lao động theo quy định của nhà trường... để đi chơi. Tôi chắc chắn rằng không bao giờ anh nghi ngờ các lý do chính đáng của mình vì công việc của anh rất bận.

Nhưng rồi trong một buổi đi chơi, để bảo vệ bạn của mình, tôi đã đánh nhau với một nhóm người khác làng. Nguyên nhân xô xát là do hôm trước bạn của tôi có tham gia đánh "hội đồng" một người của nhóm đó và chúng tìm đến để trả thù. Nếu như không có một "đàn anh" can thiệp thì chưa biết chuyện sẽ đi tới đâu.

Biết chuyện, anh không nói gì mà chỉ giáng cho tôi một cái tát - cái tát đầu tiên tôi phải nhận từ phía anh trai. Anh bảo tôi rằng, anh đã quá thất vọng về tôi, tất cả những gì tôi làm anh đều biết nhưng anh không muốn can thiệp, anh muốn tôi tự giác trong học tập cũng như trung thực với gia đình. Anh đã chờ rất lâu nhưng tôi không làm được điều đó. Tôi có thể bỏ học để làm những gì mình thích... Chưa bao giờ tôi thấy anh giận dữ như thế.

Nghĩ mình đã lớn và có thể kiếm tiền, tôi ra Hà Nội... Nhưng công việc của một thợ làm đá ốp lát ở Thanh Nhàn là quá sức đối với một thư sinh như tôi. Sau 2 tháng làm việc tại đây, thấy mình không thể trụ được, tôi lại theo mấy anh làm cùng vào TP HCM. Vì chưa đủ tuổi vào làm ở công ty, tôi phải làm đủ nghề như bán kính thuốc, vé số, làm nhang tại khu vực Bà Hom, Tân Bình... để kiếm sống.

Tôi đã có thời gian để nghĩ về tất cả những chuyện đã qua. Xa nhà, phải lo cái ăn, cái mặc, tôi mới thấy hết được những khó khăn của việc kiếm tiền. Cảm giác nhớ nhà, nhớ bạn bè, trường lớp - những cái mà trước kia tôi nghĩ sẽ không bao giờ phải nhớ tới... Tôi muốn về nhà, muốn đi học nhưng tôi không thể vì chính tôi đã lựa chọn con đường này, cuộc sống này.

"Mình đã làm sai quá nhiều, đã thất hứa quá nhiều. Với những lỗi lầm trong quá khứ, ai sẽ chấp nhận mình, ai sẽ tha thứ cho mình? Anh có thể tha thứ cho thằng em ích kỷ này không? Mình còn có cơ hội để làm lại nữa không và liệu có kịp không...?" Chưa có đáp án cho những câu hỏi ấy tôi không dám về nhà.

Và tôi sẽ không tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi trên nếu tôi gặp anh Cương - người bạn thân của anh tôi. Anh nói đã biết tất cả những chuyện của tôi và bảo tôi theo anh về nhà trọ của mình. Tại đây anh cho tôi đọc những lá thư mà anh tôi đã viết cho anh.

Ninh Thuận, ngày 17/6/1997... Tôi không thể học tiếp được ông ạ. Tôi tiếc lắm! Nhưng tôi sẽ tiếc hơn nếu tôi để các em tôi thất học. Trước khi mất, bố dặn tôi "Thay bố chăm sóc mẹ và các em", tôi hoàn toàn thoải mái với những việc tôi đang làm…".

... Sài Gòn, ngày... tháng... năm..., "Mỗi người có một niềm tin, một mục tiêu để phấn đấu, để làm việc và với tôi đó là thấy các em mình học hành thành tài, thay tôi thực hiện mơ ước vào đại học… Mình tôi vất vả là đủ rồi"... "Người mà tôi lo nhất là thằng An, nó lớn nhưng lại lêu lổng, lười biếng. Có lẽ nó buồn vì hoàn cảnh gia đình, nhưng tôi tin những gì mẹ và tôi đang làm sẽ có lúc nó hiểu ra và cố gắng phấn đấu"... "Lương của tôi dạo này thấp lắm, công ty đang thiếu việc làm nên tôi phải đi sửa xe đạp kiếm thêm ông ạ. Mình không làm thì mẹ mình, em mình khổ..."

... Thanh Hoá, ngày 24/10/2004... "Tôi không thể nói được thằng An nữa rồi ông ạ. Tôi đã đánh nó vì tức quá. Chỉ còn cách là cho nó đi làm một thời gian để nó thấy cái khổ mà tu chí… Nhưng ba tháng trước, tôi ra Hà Nội tìm nó về bắt học tiếp nhưng mọi người bảo đã vào Nam. Tôi buồn lắm! Tôi chỉ muốn tốt cho nó nên mới đánh và mắng nó... Không biết bây giờ nó ra sao nữa? Ông cố gắng tìm và khuyên nó về học hộ tôi. Nếu nó không cố gắng, đời nó lại khổ như tôi thôi"...

Hơn 30 mươi lá thư anh trai tôi viết cho anh Cương, nét chữ nguệch ngoạc quen thuộc là những tâm sự, những suy nghĩ, những tình cảm, những khó khăn của anh - những điều anh đã không dám nói thật với gia đình, với các em. Sáu cái Tết anh không về, ngần ấy năm anh sống trong nỗi nhớ gia đình, nhớ quê hương.

Những cố gắng, những chịu đựng của anh là vì tôi, vì gia đình. Tuổi xuân của anh mà anh đâu có được hưởng. Vì cái ăn, cái mặc, vì nụ cười, vì hạnh phúc của các em, anh đã hy sinh tương lai của mình. Anh đã thay bố để nuôi chúng tôi ăn học. Niềm vui của anh, hạnh phúc của anh là được thấy các em mình thực hiện mơ ước của chúng - điều mà anh đã không có cơ hội để làm. Vậy mà...

"Anh ơi! Em xin lỗi. Em sẽ về, em sẽ làm lại để chuộc tất cả những lầm lỗi của mình. Anh sẽ không phải thất vọng về em nữa. Sẽ không có những đêm anh phải thức trắng để đợi em về, phải lặng lẽ hút thuốc trong sự cô đơn. Em sẽ vào được đại học", tôi tự hứa với bản thân trước khi lên đường về quê.

Không thể học tiếp lớp 12 vì đã nghỉ quá lâu, tôi nghỉ ở nhà nửa năm miệt mài ôn lại toàn bộ kiến thức lớp 10 và 11. Bỏ qua tất cả những lời mời gọi chơi bời của bạn bè, những lúc rảnh rỗi, tôi ra cửa hàng phụ anh buôn bán. Bước vào năm học lớp 12 năm 2005-2006, tôi đã đi học lại và đã kết quả của quá trình ấy nỗ lực ấy đã không phụ sự hy sinh và kỳ vọng của anh trai.

Giờ đây, tôi đang là sinh viên năm thứ ba của một trường đại học lớn ở Hà Nội. Gia đình là động lực đưa tôi đến với thành công như ngày hôm nay. Chính gia đình giấu yêu của tôi, người anh trai đáng kính của tôi và những ngày lưu lạc đã tạo động lực cho tôi đạt được mơ ước của mình.

Nếu không có sự ủng hộ của anh, tôi đã không thể vào được đại học, không có cái tát của anh, tôi không thể tỉnh ngộ để rồi nhận ra giá - trị - đích - thực - của - cuộc - sống - ngày - hôm - nay và trân trọng nó.

Theo VnExpress


Giày Đại Phát solution
Số người online:
11088
Số người truy cập:
8717551