Đầu tháng 7/1943, sự chú ý của thế giới chuyển hướng khỏi Thế chiến thứ hai bởi vụ giết ông Harry Oakes, 68 tuổi, một trong những người đàn ông giàu có nhất khi đó. Vụ án đến nay vẫn là một trong những bí ẩn hấp dẫn nhất của thời đại vẫn chưa được giải mã.
Harry Oakes sinh năm 1874 trong một gia đình dư dả tài chính ở Maine, Mỹ, học ngành y tại những đại học danh giá. Ở tuổi 22, khi nghe những câu chuyện về cơn sốt vàng ở Klondike, Tây Bắc Canada, ông đến Alaska theo đuổi con đường làm giàu.
Klondike trong Cơn sốt vàng là pháo đài cuối cùng của miền Tây hoang dã. Tội phạm tràn lan, và các băng đảng xã hội đen khét tiếng, đã cai trị nhiều năm. Harry thời trẻ đã thích nghi tốt với môi trường nhưng mãi không tìm được vàng. Ông dành hơn một thập kỷ đi khắp thế giới để bôn ba ở California, Trung Mỹ, Australia, New Zealand và Châu Phi, trước khi quay trở lại Bắc Mỹ nghe tin vàng được khai thác ở Bắc Ontario.
Cuộc tìm kiếm cuối cùng đã được đền đáp vào năm 1912, khi ông phát hiện một vỉa vàng khổng lồ bên dưới Hồ Kirkland. Công ty thu về cho ông ta số tiền đáng kinh ngạc 60.000 USD mỗi ngày (khoảng 750.000 USD theo thời giá hiện nay).
Cuộc khai thác này biến ông thành người giàu nhất Canada và giàu thứ hai ở Tây Bán cầu, đồng thời, một trong những người giàu nhất thế giới khi đó với khối tài sản 150 triệu bảng Anh, tương đương gần 2 tỷ USD hiện nay.
Harry bắt đầu tận hưởng cuộc sống tốt đẹp mà bao năm làm việc vất vả và thiếu thốn mới có được. Trong chuyến du ngoạn vòng quanh thế giới vào năm 1923, người đàn ông 48 tuổi gặp Eunice MacIntyre, cô gái Australia cao ráo, hấp dẫn, kém 25 tuổi. Họ nhanh chóng kết hôn, sinh 5 con trong 10 năm.
Ông chuyển cả gia đình đến Niagara Falls, Ontario, thành công dân Canada. Ông xây dinh thự 35 phòng, tạo sân golf riêng và mua một trong những chiếc xe hơi đặc biệt nhất vào thời đại đó.
Với động cơ 12 xi-lanh, chiếc Hispano-Suiza H6B "Sedanca de Ville" năm 1928 trang nhã được chế tạo thủ công riêng cho ông, trang bị động cơ giống như những chiếc máy bay chiến đấu của Pháp trong Thế chiến thứ nhất.
Harry sống hào phóng, khen thưởng những người đã giúp đỡ mình và khởi động một số dự án từ thiện trị giá hàng triệu USD nâng cao mức sống địa phương.
Tuy nhiên, theo thời gian, ông ta phản ứng với chính phủ, cho rằng đã "đánh thuế cắt cổ" với mỏ vàng của mình ở mức 17.500 USD mỗi ngày. Năm 1935, ông rời Canada, đưa vợ con đến sống tại thành phố Nassau, vùng Caribe, trên đảo Bahamas.
Vào những ngày đó, Nassau là hòn đảo thuộc địa yên tĩnh của Anh, nơi những người Anh giàu có tìm đến để tận hưởng cuộc sống vương giả. Như lần đầu tiên đặt chân đến Niagara Falls, Harry luôn hào phóng dốc tiền túi cải thiện các điều kiện sống trên hòn đảo, cho cả người nghèo bản địa và người da trắng tại đây.
Ông xây dựng một căn cứ không quân, sân chơi polo, câu lạc bộ đồng quê và sân golf. Ông cũng mua và cải thiện khách sạn địa phương, hệ thống cấp nước, xây bệnh viện, cung cấp phương tiện giao thông công cộng, thuê một số lượng lớn người dân địa phương và khởi xướng các chương trình giải quyết tình trạng nghèo đói. Vì sự hào phóng của mình, ông được Hoàng gia Anh phong Nam tước.
Nam tước Harry Oakes là sự pha trộn của tính cách quật cường, dữ dội từ những năm tháng bươn chải khó khăn khắp năm châu. Ông hào phóng với người nghèo và cộng đồng nhưng không phải gã vung tiền ăn chơi vô ích.
Ông kết bạn với nhiều người thông qua công việc từ thiện. Nhưng với tính cách khẳng khái, ông cũng là gây thù chuốc oán với nhiều kẻ.
Bi kịch xảy ra hôm 7/7/1943, một ngày mưa dày đặc trút xuống Bahamas trong cơn bão nhiệt đới. Trong khi vợ con đã đi trước đến Maine để tận hưởng những làn gió mát mẻ tại Bar Harbour, Harry vẫn đang bận rộn với công việc kinh doanh ở Bahamas, quanh quẩn một mình trong khung cảnh trống trải rộng lớn của Westbourne. Trong nhà lúc này, ngoài những người hầu, chỉ có một người bạn lâu năm trên đảo là Harold Christie.
Christie đã ở lại Westbourne qua đêm. Christie kể vào phòng của nam tước Harry vào sáng sớm hôm sau để đánh thức bạn đi ăn sáng nhưng thấy khung cảnh ớn lạnh.
Ngài Harry chết trên giường, cơ thể bị tẩm xăng và cháy xém. Nhưng gió và mưa thổi qua cửa sổ đang mở đã dập tắt ngọn lửa. Cơ thể phủ đầy lông vũ. Khuôn mặt đầy máu, và gần tai trái là bốn vết thương thủng hộp sọ. Nhưng thật kỳ lạ, máu đã chảy trên mặt chứ không phải xuống khăn trải giường..
Christie khai đã lập tức báo tin cho Thống đốc của Bahamas, Công tước xứ Windsor, trước đây là Vua Edward VIII của Vương quốc Anh. Cách đó không lâu, Công tước Windsor đã khiến cả Vương quốc Anh choáng váng khi từ bỏ ngai vàng để kết hôn với một phụ nữ Mỹ đã ly hôn và công khai ủng hộ Đức Quốc xã. Ông được trao quyền thống đốc của Bahamas vào năm 1940 như một cách nhẹ nhàng để trục xuất khỏi Vương quốc Anh. Công tước Windsor và triệu phú Harry Oaks trở thành bạn thân ngay từ buổi đầu Harry đặt chân lên đảo.
Tài sản khổng lồ, danh tiếng của vị triệu phí đã tạo ra sự quan tâm trên toàn thế giới với vụ án. Hiện trường đầy rẫy bằng chứng. Các bức tường in dấu tay đẫm máu. Tuy nhiên, các thám tử đã không ngay lập tức để xem xét bằng chứng hoặc để bảo vệ khi nhiều người ra vào tự do, chạm vào các đồ vật. Thám tử cũng không thu thập dấu vân tay, cho rằng thời tiết quá ẩm.
Song đến tối ngày thứ hai của cuộc điều tra, 36 giờ sau khi thi thể được phát hiện, họ đã bắt con rể của ông - Bá tước Alfred de Marigny.
Alfred không phải nhân vật nổi tiếng ở Nassau, nếu như không muốn nói là khá bị xa lánh. Nhưng có lẽ người không thích anh ta nhất là chính là Harry.
Ở tuổi 32, Alfred đã ly hôn 2 lần và thất nghiệp, không một xu dính túi. Anh ta dụ dỗ Nancy, con gái 18 tuổi của vị triệu phú, bỏ trốn. Ông Harry dù cố gắng chấp nhận nhưng nhanh chóng ác cảm với con rể sau khi anh ta thường xuyên nặng lời và cuối cùng là bắt vợ phá thai.
Trong phiên tòa kéo dài 25 ngày thu hút công chúng hiếu kỳ, Alfred được xử trắng án sau khi các thám tử bị nghi ngờ ngụy tạo bằng chứng dấu vân tay chống lại anh ta. Tin tức chú ý nhất phiên toà hoá ra lại là vẻ đẹp mê hồn và thanh lịch của vợ bị cáo. Trong khi đó, diễn biến vụ án sớm bị lu mờ.
Dù kẻ sát nhân chưa bao giờ được tìm thấy, danh sách các nghi phạm có thể dài hàng trang giấy. Theo các nhà nghiên cứu, các Mafia Mỹ cũng quan tâm việc xây dựng các sòng bạc và khách sạn đánh bạc ở Nassau.
Điều này càng có cơ sở khi Ngài Harry nổi tiếng là người không muốn biến hòn đảo Bahamas xinh đẹp thành một ổ cờ bạc. Tuy nhiên, không có dữ liệu đảm bảo tính chính xác của suy luận này.
Về những chiếc lông vũ trên cơ thể, một số người cho rằng đó là một nghi lễ giết người do người dân tộc thiểu số bản địa thực hiện, nhưng điều này rất khó xảy ra. Triệu phú Harry đã cải thiện cuộc sống của cư dân trên đảo và được họ kính trọng. Ngoài ra, trước nay không có bất kỳ vụ giết người nào như vậy trên đảo.
Nhiều người vẫn cho rằng thủ phạm là Alfred de Marigny, dù anh ta được tuyên trắng án. Họ cho rằng ông Harry sắp vạch trần những giao dịch kinh doanh mờ ám của con rể, vì vậy Alfred gây án để bịt miệng.
Theo thời gian, những cáo buộc dai dẳng nhất vẫn tiếp tục xoay quanh Harold Christie, người lạ mặt duy nhất trong nhà đêm án mạng. Trong phiên tòa, Christie khai rằng ở cả đêm bên trong biệt thự, nhưng một nhân chứng nói thấy ông ta lái xe vào trung tâm thành phố vào tối hôm đó.
Christie cũng tuyên bố không nghe thấy tiếng ồn đáng ngờ nào trong đêm, dù phòng chung vách phòng ngủ của Harry. Song cuối cùng, nghi phạm này vẫn được bỏ qua một cách khó hiểu.
Thực tế, nhiều năm sau, các nỗ lực để lật lại vụ án đều bị dập tắt đáng ngờ. Tiêu biểu, tháng 4/1950, một luật sư ở Washington đến Nassau với hy vọng làm rõ một số nghi vấn song hai ngày sau cô được tìm thấy chết đuối trong một cái giếng.
Ngài Harry Oakes an nghỉ trong lăng mộ bằng đá cẩm thạch của gia đình tại nghĩa trang Dover-Foxcroft. Nhiều người ví cuộc đời ông như nam chính trong tiểu thuyết kinh điển của F. Scott Fitzgerald, The Great Gatsby. Một người đàn ông có khởi đầu khiêm tốn, tích lũy tài sản kếch xù, rồi chết thảm khốc, dữ dội.
Hải Thư (Theo Dujour, The Guardian, Crime and Investigation)