Từ giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài
Qua tìm hiểu của phóng viên Báo Thanh Niên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư thương mại Bắc Hà Nguyễn Đình Chiến (tức Chiến “giỏ”, SN 1951, quê Vân Hà, Việt Yên, Bắc Giang, trú ở TP Hải Phòng) trong nhiều lần làm việc với các nạn nhân của mình, đều khoe mình có 2 quốc tịch Việt Nam và Lào. Đáng chú ý, Chiến “giỏ” còn đưa cho các nạn nhân xem “Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài” số 136/BKH-ĐTRNN do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư cấp ngày 26.5.2008. Giấy phép nói rõ, nhà đầu tư là Công ty cổ phần đầu tư thương mại Bắc Hà và người đại diện là ông Nguyễn Đình Chiến, Chủ tịch HĐQT công ty, được phép đầu tư ra nước ngoài để thực hiện các dự án tại Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Tên dự án đầu tư ở nước ngoài là “Thăm dò, khai thác, chế biến đá thạch anh”, địa điểm đầu tư tại bản Tha Teng, huyện Tha Teng, tỉnh Sê Kông, Lào, với tổng vốn đầu tư ra nước ngoài là 906.250 USD, bao gồm bằng tiền mặt trị giá 553.125 USD và bằng máy móc thiết bị trị giá 353.125 USD. Thời gian hoạt động của dự án là 30 năm.
Một nguồn tin từ cơ quan điều tra cho biết, với giấy phép chứng nhận đầu tư ra nước ngoài có số vốn xấp xỉ 1 triệu USD nói trên, Nguyễn Đình Chiến đã thông báo với các đối tác Lào rằng, ông ta có thể đầu tư tới 2.000 tỉ USD để xây dựng các nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Dương ở Lào, để có thể bán điện cho Việt Nam và các nước khác.
Đặc biệt, trong một số buổi làm việc với đối tác nước ngoài và các nạn nhân bị lừa đảo, Chiến “giỏ” còn đưa cho họ xem một viên ngọc quý được nói là có giá trị tới 1 tỉ USD. Chiến khoe viên ngọc quý này là bảo vật của một đời vua xa xưa bên Trung Quốc truyền lại cho con cháu và Chiến được “ủy quyền” cho phép sử dụng viên ngọc này làm “vốn đối ứng” để triển khai các dự án hàng ngàn tỉ USD bên Lào!
Đến các chứng thư hàng trăm triệu euro giả
Trong khi đó, tiếp xúc với các đối tác vay tiền tại VN, Chiến “giỏ” đưa cho họ xem giấy phép đầu tư sang Lào và khẳng định tập đoàn của ông ta đang đầu tư 2.000 tỉ USD sang nhiều dự án ở Lào. Nguyễn Đình Chiến cũng xuất trình một số chứng thư, bảo lãnh ngân hàng, ủy quyền tài chính để chứng minh nguồn lực tài chính, trong đó có “điện chuyển tiền” của Ngân hàng Barclays Bank (London) xác định chuyển cho Nguyễn Đình Chiến 500 triệu euro; chứng thư của Tổng giám đốc Công ty xuất nhập khẩu phát triển nông lâm Lào ủy quyền cho Nguyễn Đình Chiến số tiền 100 triệu euro. Ngoài ra, Chiến “giỏ” còn đưa cho các nạn nhân xem một số chứng thư khác của các ngân hàng lớn trên thế giới chuyển cho một công ty xuất nhập khẩu của Lào (mà Chiến nói là y đang làm giám đốc tài chính) số tiền 6 tỉ euro và 30 tỉ euro. Theo xác minh của cơ quan chức năng, tất cả các chứng thư ủy quyền, bảo lãnh tài chính này đều là giấy tờ giả, nhưng Nguyễn Đình Chiến đã sử dụng như một con bài để đưa các nạn nhân vào tròng.
Đến nay, sau hơn 2 năm, nhiều đối tác ký hợp đồng vay tiền dự án từ các Tập đoàn tài chính bên Hồng Kông của Nguyễn Đình Chiến vẫn không nhận được số tiền vay theo hợp đồng đã ký mà còn bị Chiến chiếm dụng một lượng lớn tiền và tài sản đối ứng cho các khoản vay “hão”.
Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, một nạn nhân là ông P.T.T, tổng giám đốc một công ty cổ phần xây dựng cho biết, chỉ trong vòng 5 tháng (từ tháng 8.2007 - 1.2008), Nguyễn Đình Chiến đã hào phóng ký 2 hợp đồng cho công ty của ông vay 220 triệu USD đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản và xây dựng khu nhà nghỉ, khách sạn cao cấp ở một tỉnh phía Nam. Để vay được số tiền này, Nguyễn Đình Chiến yêu cầu ông P.T.T phải thế chấp một số tài sản có tổng trị giá 142,5 tỉ đồng làm vốn đối ứng. Ngay sau khi nhận được giấy tờ gốc số tài sản, bất động sản thế chấp, Nguyễn Đình Chiến đã mang số giấy tờ này đến một ngân hàng để thế chấp và rút ra 80 tỉ đồng. Cho đến ngày Nguyễn Đình Chiến bị bắt, cả khối tài sản, bất động sản của doanh nghiệp ông P.T.T vẫn bị “đóng băng” tại ngân hàng nói trên, khiến doanh nghiệp này đang trong vòng nợ nần khốn đốn.
Nhóm PVTS