Mẹ Thứ qua nét vẽ của nữ họa sĩ Đặng Ái Việt - Ảnh: T.Thắng chụp lại |
Thắp nén nhang trên bàn thờ mẹ Thứ, ông Ngô Độc Lập - năm nay ngoài 60 tuổi, quê ở Quảng Bình - đưa tay quệt nước mắt. Ông nhìn di ảnh mẹ Thứ qua làn hương khói lung linh nói nghẹn ngào: “Mẹ ơi, hôm nay con về mà không gặp mẹ nữa.
Không bao giờ con còn được nắm bàn tay gầy guộc của mẹ, bàn tay đã nấu cơm cho con ăn, giặt áo cho con mặc trong những ngày con nằm vùng tại xóm Rừng để chờ ngày lên cứ. Con là thằng Lập của mẹ đây mẹ Thứ ơi”.
Dòng chữ ông Lộc ghi lại trong sổ tang cũng chan chứa ân tình của một đứa con từng được mẹ cưu mang trong những ngày đánh Mỹ ác liệt trên mảnh đất Điện Bàn anh hùng: “Con không thể nào nghĩ rằng mẹ đã đi xa. Mẹ sống mãi trong ký ức hiện tại và cả trong tương lai của chúng con. Chúng con nguyện sống theo những điều mẹ dạy. Hãy yên lòng mẹ nhé”.
Ông Lê Tự Thử (75 tuổi) - người con thứ tám, là một trong hai người con trai còn lại của mẹ Thứ - nói trong niềm xúc động: “Mấy bữa rày không chỉ có lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ ngành ở trung ương, các địa phương trong cả nước gửi điện, vòng hoa chia buồn, đến thắp nhang trước linh cữu của mẹ tôi mà còn có rất nhiều bà con ở các nơi chưa lần nào gặp mẹ tôi cũng về đây viếng mẹ. Gia đình tôi cám ơn tình cảm của cả nước dành cho mẹ tôi. Dưới suối vàng, chắc mẹ tôi thanh thản lắm”.
Trong vành khăn trắng, người con gái duy nhất của mẹ Thứ là bà Lê Thị Trị (cũng là bà mẹ VN anh hùng, 88 tuổi) bế đứa cháu nội gọi mẹ Thứ bằng cố. Cũng như hai em trai của mình là ông Thử và ông Thận, bà Trị không khóc. Bà không còn nước mắt để khóc, khi ngay chính chồng và con trai của bà cũng đã ngã xuống. Vậy là hai mẹ con, đúng hơn là hai người mẹ Việt Nam anh hùng giờ người đi người ở, âm dương cách đoạn.
Phía sau căn nhà ngói ba gian được xây bằng nghĩa tình, hoa đu đủ vẫn nở trắng, cả một mảnh vườn đậu phộng vừa đâm chồi xanh um sau những ngày giá rét, ngay cả cây mít - chứng nhân một thời binh đao khói lửa - giờ cũng xanh um trở lại. Chỉ có mẹ là mãi mãi không trở lại với xóm Rừng.
Có lẽ chưa có người mẹ nào “Hạt lúa củ khoai, bền bỉ nuôi chồng nuôi con đánh giặc”, gánh chịu nhiều hi sinh mất mát, vượt lên nỗi đau vô tận để sống đến 106 tuổi như mẹ Thứ. Bên trên chiếc giường tre ọp ẹp của mẹ Thứ, bức tường vôi như trĩu nặng bởi những tấm bằng Tổ quốc ghi công các con của mẹ.
Ông Lê Tự Trị - người chồng mẹ Thứ vốn nông dân cày sâu cuốc bẫm, trồng dâu dệt lụa, nuôi 12 đứa con đẻ và hàng trăm đứa con khác của mọi miền Tổ quốc dưới năm chiếc hầm bí mật trong vườn nhà. Ông Trị mất cách đây 12 năm.
Ông là người đã cùng mẹ Thứ đau nỗi đau mất con, mất cháu và đã nhiều lần khóc thầm lặng lẽ trên nấm mộ người con trai út chôn ngay trong vườn nhà - anh Lê Tự Trịnh hi sinh lúc 18 tuổi, bị kẻ thù phát hiện khi nằm hầm bí mật trong làng. Trong số chín người con liệt sĩ của mẹ, chỉ có người con trai út là được ở gần cha mẹ nhất cả khi sống lẫn khi đã về với đất.
“Các anh chết trẻ chết son. Dành tháng dành năm cho mẹ. Trong mắt mẹ các con đều nhỏ bé. Tuổi mẹ hơn trăm năm như cây dó nên trầm” (nhà thơ Lê Anh Dũng). Ai đó đã nói rất đúng rằng mẹ Nguyễn Thị Thứ là tâm hồn, nhân cách Việt Nam, là Tổ quốc và là hồn thiêng sông núi. Gốc đại thụ ấy đã về với trời xanh mây trắng, để lại niềm thương tiếc vô bờ cho những người đang sống hôm nay.
Hôm nay, an táng mẹ Thứ Sáng nay 14-12, sau lễ truy điệu lúc 8 giờ tại xóm Rừng, linh cữu của bà mẹ VN anh hùng Nguyễn Thị Thứ sẽ được an táng tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam). Lễ tang mẹ Thứ do tỉnh Quảng Nam và Bộ Lao động - thương binh và xã hội phối hợp tổ chức theo nghi lễ đặc biệt. Để tưởng nhớ mẹ Thứ, đêm 13-12 tại công trường xây dựng tượng đài mẹ VN anh hùng Nguyễn Thị Thứ (số 7 Duy Tân, TP Đà Nẵng) đã diễn ra đêm thơ, nhạc do các văn nghệ sĩ, nhà báo của TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và cả nước tổ chức. |
KIM EM
_______________________
“Tôi khóc khi vẽ mẹ”
Gọi điện thoại cho nữ họa sĩ Đặng Ái Việt để hỏi về những ký ức khi vẽ chân dung mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ, cô Việt nói về ngày tháng gặp mẹ, tên làng xã của mẹ mà không một giây chần chừ lục lại trí nhớ. Nữ họa sĩ kể: “Khi tôi tìm về quê mẹ ở làng Thanh Quýt 2 (xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) thì mẹ Thứ không có ở nhà. Người con gái đầu của mẹ là Lê Thị Trị cũng là một bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Sau khi vẽ chân dung con gái của mẹ Thứ xong, tôi tức tốc đi Đà Nẵng ngay để tìm mẹ Thứ. Tôi sợ căn bệnh của tuổi già cùng nỗi đau không thể vơi đi theo năm tháng sẽ làm tôi vĩnh viễn không có cơ hội được gặp mẹ.
Sáng 28-4-2010, tôi gặp mẹ Thứ trong căn nhà của con trai mẹ. Mẹ bệnh nặng lắm, không thể ngồi dậy được. Đôi mắt mẹ yếu ớt nhìn tôi nhưng thần sắc còn rất minh mẫn. Nghe mẹ thều thào hỏi: “Họa sĩ đến vẽ mẹ đó hả?”. Nghe mẹ nói, tôi rưng rưng muốn khóc.
Tôi đã vẽ mẹ. Trong số 350 bức chân dung mẹ Việt Nam anh hùng tôi đã vẽ (tính đến thời điểm này) thì bức ký họa về mẹ Thứ là bức duy nhất vẽ về một người mẹ đang nằm. Trước đó, khi gặp những mẹ Việt Nam anh hùng tuổi cao, quá yếu và đang bệnh, không gượng dậy nổi thì tôi không vẽ mà chỉ hỏi thăm, động viên, nắm tay và ôm hôn mẹ rồi về.
Tôi sợ mình không đủ sức, không chủ động được khi vẽ về các mẹ đang trong tư thế già yếu, bệnh tật. Nhưng với mẹ Thứ, trái tim dành cho đất nước quá mênh mông và cao thượng của mẹ; thần thái kiên trung, hiên ngang của mẹ đã khiến tôi dâng trào xúc động, tôi không thể ngồi im và cứ cứng nhắc giữ cái nguyên tắc của mình.
Tôi vẽ mẹ Thứ rất nhanh, chỉ trong 15 phút. Mẹ nằm đó với đôi mắt như sương khói. Tôi chạy đua với thời gian. Tôi vẽ nhanh để mẹ được yên và thể hiện kịp cảm xúc cứ cuồn cuộn dâng trào. Đây cũng là lần đầu tiên tôi vừa vẽ vừa khóc. Thương lắm đôi bàn tay mẹ, qua năm tháng chỉ còn lớp da mỏng như khói lấm tấm những chấm nâu đồi mồi. Khi tôi đưa bức ký họa chân dung cho mẹ xem, mẹ bảo: “Giống mẹ lắm”, tôi lại bật khóc.
Có lẽ tôi là người vẽ bức chân dung cuối cùng về mẹ Thứ. Hình ảnh của mẹ theo tôi trong suốt hành trình ký họa loạt chân dung các mẹ Việt Nam anh hùng sau này. Mẹ là động lực và đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi. Tôi đã lặng đi khi nghe tin mẹ không còn nữa vì quá đỗi đột ngột, bàng hoàng, dù biết mẹ đã rất yếu...”.
MY LĂNG ghi