Bốn rủi ro khi mua bán đất qua hợp đồng ủy quyền

 Bản chất của việc làm hợp đồng uỷ quyền này là gì? Những rủi ro tôi và bên bán có thể gặp phải là gì?

Luật sư tư vấn

Theo Điều 562, Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên. Theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Với quy định trên, khi bạn nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất bằng hình thức làm Hợp đồng ủy quyền, bạn chỉ được phép thực hiện các công việc trong phạm vi ủy quyền. Tùy theo thỏa thuận mà phạm vi ủy quyền có thể bao gồm: cho thuê, tặng cho, chuyển nhượng, thế chấp quyền sử dụng đất...

Theo điểm a khoản 3 Điều 167 Luật đất đai 2013, hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này.

Sau khi chuyển nhượng, các bên phải thực hiện việc đăng ký biến động theo quy định của pháp luật.

Việc mua bán đất nên có thủ tục sang tên, chuyển nhượng, không nên làm hợp đồng uỷ quyền. Ảnh: Phạm Dự

Việc mua bán đất nên có thủ tục sang tên, chuyển nhượng, không nên làm hợp đồng uỷ quyền. Ảnh: Phạm Dự

Với các quy định trên, có thể thấy, việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất bằng hình thức ủy quyền tiềm ẩn 4 rủi ro sau:

- 1: Nếu có tranh chấp xảy ra, bên nhận ủy quyền (trường hợp này là bạn) phải chứng minh giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất là có thực, thông qua việc thanh toán, giao đất, bàn giao giấy tờ về quyền sử dụng đất.

Tuy nhiên, dù có đầy đủ chứng cứ chứng minh thì giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất vẫn có thể bị tuyên vô hiệu do không tuân thủ đúng quy định của pháp luật về mặt hình thức (không lập hợp đồng chuyển nhượng có công chứng, chứng thực).

- 2: Điều 563 của Bộ luật dân sự quy định, thời hạn ủy quyền do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định. Nếu không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực một năm.

Như vậy khi hết thời hạn này các bên phải làm Hợp đồng ủy quyền mới. Trong trường hợp bạn đề nghị ký Hợp đồng ủy quyền mới mà bên ủy quyền (ở đây là người muốn bán đất cho bạn), từ chối thì sẽ bạn sẽ mất quyền lợi với mảnh đất đó.

- 3: Khoản 1 Điều 569 Bộ luật dân sự quy định, trường hợp ủy quyền có thù lao, bên ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào nhưng phải trả thù lao cho bên được ủy quyền tương ứng với công việc mà bên được ủy quyền đã thực hiện và bồi thường thiệt hại. Nếu ủy quyền không có thù lao, bên ủy quyền có thể chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào nhưng phải báo trước cho bên được ủy quyền một thời gian hợp lý.

Bên ủy quyền phải báo bằng văn bản cho người thứ ba biết về việc bên ủy quyền chấm dứt thực hiện hợp đồng. Nếu không báo thì hợp đồng với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp người thứ ba biết hoặc phải biết về việc hợp đồng ủy quyền đã bị chấm dứt.

Do đó, khi bên ủy quyền đơn phương chấm dứt Hợp đồng, bạn sẽ không được thực hiện các quyền trước đó mà các bên đã thỏa thuận.

- 4: Nếu một trong các bên không may bị chết thì Hợp đồng ủy quyền đương nhiên hết hiệu lực theo quy định tại Điều 422 Bộ luật dân sự. Khi sự kiện này xảy ra thì thửa đất đó sẽ là di sản thừa kế của người ủy quyền và sẽ được giải quyết theo quy định của pháp luật về thừa kế.

Từ những phân tích nêu trên, chúng tôi cho rằng bạn không nên nhận chuyển nhượng quyền sử đất thông qua hình thức hợp đồng ủy quyền mà nên thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng dụng đất và sau đó đăng ký biến động (trước bạ, sang tên) theo quy định của pháp luật.

Luật sư Đỗ Trọng Linh
Công ty luật Bảo An, Hà Nội


Giày Đại Phát solution
Số người online:
63778
Số người truy cập:
8585356