Tiếp phiên chất vấn sáng 19/11 về tiến độ, chất lượng công trình giao thông theo câu hỏi của đại biểu Lê Thị Công, Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng khẳng định, ngành giao thông luôn coi chất lượng công trình là trọng tâm. Đối với quốc lộ 51, nhà đầu tư được lựa chọn nhà thầu, thiết kế, thi công, can thiệp của nhà nước là rất ít. Song từ những vấn đề phát sinh của dự án này, Bộ Giao thông đã đề xuất các dự án BOT cũng phải kiểm soát chặt chẽ chất lượng như công trình vốn nhà nước, vì người dân nộp phí cho nhà đầu tư thì cũng là tiền của dân.
Bộ trưởng Đinh La Thăng: "Chúng tôi cố gắng kiểm soát chất lượng công trình song không thể tránh khỏi sự cố chỗ này chỗ kia". Ảnh: Quang Dũng |
Ngoài ra, Bộ Giao thông đã tăng thời hạn bảo hành các tuyến đường đầu tư hình thức BOT lên 4 năm, gấp đôi thời gian so với trước đây. Trước khi hoàn thành 3 tháng, Bộ Giao thông lập đoàn kiểm tra nếu có biểu hiện hư hỏng trong thời gian ngắn thì phải xử lý ngay, khắc phục mới được bảo hành.
"Còn một số ít dự án sau khi sử dụng có hỏng thì đại biểu Quốc hội thông cảm và chia sẻ. Vì chúng tôi cố gắng kiểm soát song không thể tránh khỏi, có dự án còn có sự cố chỗ này chỗ kia, nhà thầu phải chịu trách nhiệm, phải bỏ chi phí sửa chữa", ông Thăng nói. Ông dẫn ví dụ nhà máy Toyota rất hiện đại cũng có lô hàng phải thu hồi hàng triệu xe và bày tỏ: "Tôi so sánh không phải để trốn tránh trách nhiệm, chúng tôi cố gắng làm để đáp ứng sự kỳ vọng của nhân dân song còn chút nào đó thì mong đại biểu chia sẻ".
Với câu hỏi của đại biểu Lê Văn Lai về việc cắt giảm khối lượng, hạng mục đầu tư nhiều dự án để giảm hơn 39.000 tỷ đồng là do dự toán sai hay không và cơ quan nào chịu trách nhiệm?, Bộ trưởng Thăng giải thích, cơ quan này đã rà soát 44 dự án với kinh phí tiết giảm là 39.600 tỷ đồng. Cụ thể là điều chỉnh phân kỳ đầu tư giảm được 14.000 đồng, như cao tốc Yên Bái lên Lào Cai hiện mới xây dựng 2 làn xe do lưu lượng phương tiện tính toán chưa cần thiết làm 4 làn. Hay như cao tốc Quảng Ngãi ban đầu 120km/h đã điều chỉnh lại tốc độ 80-100km/h nên giảm tổng mức đầu tư.
"Đây là tiết giảm chứ không phải là tiết kiệm. Tiết giảm song vẫn đảm bảo chất lượng, không ảnh hưởng các tiêu chuẩn dự án đã đề ra ban đầu", ông Thăng khẳng định.
Với ý kiến đại biểu Ngô Văn Minh cần có dự toán chi phí các tuyến đường, nhất là các tuyến cao tốc để tránh có "con đường đắt nhất hành tinh" như đường vành đai 1 đoạn Ô Chợ Dừa (Hà Nội), ông Thăng đề nghị xin lại số liệu của ông Minh để so sánh. Người đứng đầu ngành giao thông cho rằng, đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu dài 500 m có kinh phí giải phóng mặt bằng 825 tỷ đồng, chiếm 85% tổng mức đầu tư. Tức là chi phí xây dựng đường là như nhau song đi qua khu dân cư đông đúc nên tiền giải phóng mặt bằng phải nhiều như vậy.
"Dù là đắt hay rẻ song ngành giao thông luôn phải rà soát định mức đầu tư, đây là nhiệm vụ trọng tâm, luôn luôn đảm bảo tiến độ chất lượng công trình", Bộ trưởng Thăng nói.
Chốt phần chất vấn của Bộ trưởng Thăng, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đánh giá cao những cam kết quyết đoán của Bộ trưởng Thăng với tinh thần "nói là làm, hứa là phải thực hiện", như quốc lộ 1 thông xe vào năm sau, cam kết đường sắt Hà Nội - Hà Đông an toàn, xây dựng cầu treo, đường nông thôn...
Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải quan tâm chất lượng công trình đầu tư, giá đầu tư, suất đầu tư, đảm bảo giá thành hợp lý, tăng cường kiểm tra kiểm soát quy hoạch, dự án, thiết kế, dự toán để đảm bảo chất lượng dự án, dù là đường không, đường thủy, đường bộ, hàng không để gắn với hiệu quả kinh tế của đất nước.
"Tôi tương đối hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng Thăng, mong rằng Bộ trưởng thực hiện tốt trong những năm sau", Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng phát biểu.
Đoàn Loan