- Là cơ quan phụ trách công tác cán bộ, Bộ Nội vụ đã có động thái gì trước việc Bí thư tỉnh ủy Võ Thanh Bình nộp 100 triệu đồng tiền chạy chức?
- Tôi vừa đi tiếp xúc cử tri ở địa phương và chiều qua đọc thông tin về vụ việc trên qua mạng. Tôi yêu cầu thanh tra Bộ Nội vụ xuống địa phương kiểm tra, làm rõ việc này. Sau khi thẩm tra, Bộ Nội vụ sẽ báo cáo với cấp trên, Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng trung ương.
- Tại cuộc họp Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau vừa qua, một số ý kiến đề nghị Bí thư Võ Thanh Bình phải công khai danh tính người đưa tiền chạy chức. Nội dung này sẽ được xem xét thế nào trong đợt thẩm tra của Bộ Nội vụ?
- Chúng tôi sẽ làm theo đúng theo quy định của Luật phòng chống tham nhũng. Bộ và các đơn vị liên quan sẽ làm rõ các cá nhân chạy chức, nếu có.
- Có ý kiến cho rằng việc ông Võ Thanh Bình không công khai danh tính cán bộ chạy chức là biểu hiện bao che. Quan điểm của ông thế nào?
- Hiện nay, có thể thông tin chúng ta tiếp nhận chưa đầy đủ nên tôi chưa thể nói cụ thể. Với trách nhiệm của Bí thư Tỉnh ủy tôi tin, anh Bình sẽ làm rõ những vấn đề mà dư luận quan tâm.
Theo nguyên tắc của Đảng, nếu thấy việc chưa đúng thì đảng viên phải báo cáo.
- Song song việc thanh tra vụ chạy chức, việc bổ nhiệm cán bộ đợt vừa qua tại Cà Mau sẽ được xem xét thế nào?
- Thanh tra Bộ Nội vụ sẽ thực hiện thanh tra theo Nghị định 13, 14 về cơ quan chuyên môn cấp tỉnh. Song song với trường hợp cụ thể của đồng chí Bình, chúng tôi sẽ thẩm tra toàn bộ việc bố trí sắp xếp cán bộ của tỉnh vừa qua. Sự việc tại Cà Mau, chúng tôi sẽ tiến hành rất khẩn trương.
- Tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2007, trả lời chất vấn đại biểu Lê Văn Cuông về nạn "chạy chức", ông đã đề nghị đại biểu cung cấp đích danh để xử lý nghiêm. Trong nửa năm qua, ông tiếp nhận bao nhiêu trường hợp?
- Tôi đã phát biểu trước Quốc hội thì sẽ thực hiện. Sau kỳ họp cuối năm ngoái, đại biểu Lê Văn Cuông đã chuyển cho tôi hai đơn tố cáo "chạy chức" tại Gia Lai và Thanh Hóa. Ngay sau khi có đơn, chúng tôi đã yêu cầu địa phương báo cáo và sau đó đã cử thanh tra trực tiếp.
Qua xác minh, trường hợp ở Gia Lai chưa đủ căn cứ. Còn vụ việc tại Thanh Hóa báo cáo của địa phương chưa rõ, Bộ sẽ cử Chánh thanh tra xuống làm việc. Tôi chắc là trước kỳ họp Quốc hội tới sẽ có báo cáo về vụ việc này. Ngoài trường hợp anh Cuông nêu, một số trường hợp khác cũng chưa có căn cứ.
- Có ý kiến cho rằng, không ít nơi, việc đề bạt cán bộ chỉ do một số người có chức vụ quyết định (hoặc nhân danh tập thể) và đây là nguyên nhân nạn "chạy chức". Từng làm lãnh đạo cấp ủy tại Hà Nội, quan điểm của ông thế nào?
- Trong công tác nhân sự, vai trò của tập thể đặc biệt quan trọng. Mỗi vị trí đề bạt thường có một số ứng cử viên, việc lựa chọn phải được bàn bạc dân chủ trong tập thể cấp ủy.
Tôi rất nhớ và đồng tình với ý kiến của đại biểu Cuông, theo quy định thì quy trình đề bạt, cất nhắc phải qua nhiều cấp, phát huy dân chủ, nhưng có nơi lại do một số người có chức vụ quyết định. Điều đó là vi phạm nguyên tắc.
Nếu để một người "chạy chức", không đủ phẩm chất đạo đức lên cương vị cao thì anh ta khó hoàn thành nhiệm vụ và có thể triệt tiêu những người đấu tranh vì lẽ phải.
Việt Anh thực hiện
Theo VnExpress