|
Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình. Ảnh: Quang Dũng.
|
Là thành viên Chính phủ thứ hai đăng đàn, Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình được yêu cầu làm rõ vấn đề cải cách hành chính, chất lượng nền công vụ, giải pháp thực hiện đề án tinh giản biên chế, khắc phục tình trạng cấp phó quá nhiều ở các cơ quan trung ương...
Các Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính, Thanh tra Chính phủ tham gia giải trình, làm rõ thêm những nội dung liên quan.
Về thi tuyển công chức, đại biểu Cao Thị Xuân băn khoăn khi gần đây có nhiều tiêu cực, hướng xử lý và trách nhiệm của Bộ như thế nào. Bộ trưởng cho biết căn cứ vào luật cán bộ công chức, viên chức, các thông tư hướng dẫn, có nói đến đổi mới công tác thi tuyển, thi nâng ngạch có ba môn thi: kiến thức chung, chuyên ngành (môn chính), tin học - ngoại ngữ (môn điều kiện) do Bộ Nội vụ chủ trì. Bộ biên soạn, hướng dẫn quy định về tiêu chuẩn, tổ chức thi, để đảm bảo khách quan, công khai, công bằng. Điều này hạn chế được tiêu cực.
Tuy nhiên một số địa phương vẫn có những tiêu cực. Việc thi tuyển cán bộ công chức thuộc thẩm quyền của tỉnh. Thi viên chức do Bộ, tỉnh phân cấp xuống từng địa phương để tuyển viên chức phù hợp. Địa phương nào có sai sót Bộ đều cử đoàn xuống đề nghị kiểm tra, làm rõ.
Việc ở Bộ công thương là thanh tra đột xuất. Từ đầu nhiệm kỳ khóa 13, do phạm vi rộng, nên chưa thực hiện được trong 45 ngày, theo quy định của luật thanh tra Bộ Nội vụ đã gia hạn để thực hiện cho tốt.
Trước thực trạng "lạm phát" cấp phó kéo dài, đại biểu Bùi Thị An yêu cầu Bộ Nội vụ giải trình nguyên nhân, giải pháp khắc phục. Bộ trưởng Bình cho biết, quy định cấp phó trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp được ghi rõ trong nghị định 187, nay được thay bằng nghị định 36. Quy định này không phải cứng mà cơ động, một số cơ quan ngang bộ có 4 thứ trưởng, nếu tăng thêm thì cơ quan có thẩm quyền quyết định.
Bộ muốn tăng thêm phải có đề án báo cáo cơ quan có thẩm quyền, thông qua nhiều kênh trong đó có ban cán sự đảng của Chính phủ, Ban Tổ chức trung ương, rồi Bộ Chính trị quyết định. Thủ tướng cũng có chỉ đạo để có cơ chế mềm, Bộ Nội vụ nhiều lần đề nghị có cơ chế cứng, nhưng qua thảo luận, bỏ phiếu thì không quá bán. Bộ Nội vụ đề nghị số lượng ít, ban cán sự đề nghị số lượng nhiều nên chưa gặp nhau được. Bộ Nội vụ cho rằng cần quy định cứng, Bộ nào có bao nhiêu thứ trưởng thì quy định rõ để không còn bàn cãi.
"Tôi đồng ý bổ nhiệm nhiều cấp phó gây lãng phí ngân sách và không được đồng thuận của xã hội", Bộ trưởng nói.
Nguyên nhân là do sức ép công việc, họp hành nhiều. Có những cuộc họp không phân công cấp phó đi thì không cho tham dự. Do đặc thù một số ngành, cũng cần cấp phó để thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao. Bộ Nội vụ khi tôi về làm Bộ trưởng có 6 thứ trưởng, sau này là 7 nhưng giờ chỉ 4.
Công tác cán bộ thuộc thẩm quyền của tỉnh quyết định. Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục thanh tra, kiểm tra, nếu phát hiện có thiếu sót cũng chỉ có kiến nghị, đề nghị, nếu không được thực hiện thì báo cáo Thủ tướng để có hướng xử lý. Việc bổ nhiệm cán bộ có một số trường hợp thiếu tính gương mẫu. Tập thể cán bộ thiếu tính chiến đấu. Thực hiện các quy định không nghiêm.
Về giải pháp, Bộ trưởng Bình cho biết, nếu quy định của pháp luật chưa cứng thì Bộ sẽ tham mưu với các cấp để có quy định cứng, thực hiện cho dễ. Nếu đã quy định cứng thì yêu cầu phải thực hiện nghiêm. Phải có đề án nghiên cứu với sự tham gia của nhiều Bộ, Ban ngành.
Đại biểu Đỗ Văn Đương nêu bức xúc của dư luận khi người có năng lực không vào, mà vào rồi lại đi khỏi khu vực nhà nước ngày càng nhiều, ngược lại người kém năng lực vào nhà nước ngày càng nhiều, vì vậy số người sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về càng nhiều.
"Tại sao số kém năng lực lười nhác ngày càng nhiều, số kém năng lực muốn làm lãnh đạo càng lớn, nguyên nhân là do đâu, giải pháp đột phá để giải quyết là gì và đây có phải là nguyên nhân gây tham nhũng hay không?", ông Đương đặt câu hỏi.
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình thừa nhận thực trạng việc sử dụng cán bộ công chức, viên chức hiện chưa đúng với năng lực của từng người, cơ chế thưởng phạt chưa nghiêm, chế độ đánh giá chưa đổi mới gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, chế độ tiền lương chậm được cải thiện, đầu vào chưa thực sự tuyển được người có năng lực, tâm huyết.
Các giải pháp Bộ đưa ra là đổi mới cơ chế đánh giá theo hướng cấp trên đánh giá cấp dưới, sử dụng người có năng lực vào làm nhiệm vụ. Ông Bình cho biết, Bộ Nội vụ được Bộ Chính trị giao xây dựng đề án về sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo tuyển được 1.000 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc vào cơ quan của đảng, nhà nước, lực lượng vũ trang.
Các giải pháp về miễn nhiệm, chuyển vị trí công tác với người không đáp ứng nhu cầu công việc cũng được thực hiện. "Nghị định về tinh giản biên chế có thể triển khai ngay đầu năm 2015. Cách đây vài ngày, Bộ Chính trị đã thông qua. Chúng tôi đang hoàn thiện để kỳ họp tới có thể trình lên trung ương", Bộ trưởng Bình nói và cho hay, trong đề án này có nhiều giải pháp mạnh, hy vọng tinh giản biên chế sẽ đạt yêu cầu, mong muốn của nhân dân.
Trước câu hỏi của đại biểu Nguyễn Sĩ Cương về bệnh vô cảm của đội ngũ cán bộ công chức viên chức, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình thừa nhận có tình trạng này và cho rằng cán bộ công chức, viên chức cơ quan công quyền cần có sự đồng cảm, tự đặt mình vào vị trí người dân. Tuy nhiên, tình hình thực tế rất khó, bởi "vô cảm" thuộc phạm trù đạo đức, mà trong luật chỉ điều chỉnh ở mức độ cấm cái này, cái kia.
Để giải quyết vấn đề trên, Bộ trưởng Bình cho rằng, cán bộ công chức cần ý thức trách nhiệm cao trong công việc, thực hiện đầy đủ chức trách. Pháp luật cũng có quy định cấm công chức gây phiền hà, nhũng nhiễu, hách dịch nhân dân. Thực hiện nghiêm quy định đó của pháp luật là chống lại bệnh vô cảm.
"Như tôi đã nói ở trên, vô cảm là phạm trù đạo đức nên cần tăng cường giáo dục, chính trị tư tưởng, đặc biệt là học tập tấm gương đạo đức của Bác, tu dưỡng phẩm chất đạo đức nâng cao trình độ năng lực thì tôi tin chắc sẽ chống được bệnh vô cảm của một số cán bộ công chức viên chức", Bộ trưởng nói.
Đại biểu Chu Sơn Hà phản ánh tình trạng kéo dài tuổi nghỉ hưu trái luật, nhất là ở chức vụ quản lý. "Hiện tượng này ngày càng có chiều hướng phát triển. Vậy Bộ có giải pháp gì để kiểm soát ", ông Sơn hỏi.
Theo Bộ trưởng Nội vụ, nhiều văn bản Luật và quản lý của nhiều Bộ khác nhau quy định vấn đề này. Trên cương vị quản lý trực tiếp, Bộ Nội vụ đã kiến nghị, nhắc nhở bộ ngành địa phương cần thực hiện nghiêm túc vấn đề trên. Bộ cũng có văn bản gửi Ban tổ chức Trung ương nhắc nhở cơ quản của Đảng.
"Có 26 bộ ngành, 54 địa phương, 22 tập đoàn và khoảng 100 trường hợp đến tuổi nghỉ hưu mà kéo dài, nhưng đa phần là đối tượng bị điều chỉnh bởi nghị định 141 là cán bộ giảng dạy trong cơ sở giáo dục đại học công lập. Thời gian tới, tôi mong cơ quan chức năng quan tâm hơn nữa vấn đề này để phối hợp hoàn thành theo quy định", ông Bình nói.
Trả lời phản ánh của đại biểu Bùi Mạnh Hùng về việc có nhiều chức danh "hàm" trong bộ máy hành chính, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết, dù không có quy định nào về "hàm", nhưng thực tế, nhiều bộ ngành, cơ quan trung ương lại vận dụng cho hưởng "hàm" với chức danh lãnh đạo quản lý với công chức, viên chức.
Nhận thấy cần giải quyết vấn đề này, nên ngày 11/6/2014 , Bộ đã có công văn gửi các bộ, ngành đề nghị cung cấp danh sách cán bộ công chức, viên chức được hưởng chế độ hàm lãnh đạo từ cấp phòng trở lên.
"Theo báo cáo, có hơn 300 công chức, viên chức đang được vận dụng hưởng hàm chức danh quản lý từ cấp phòng trở lên, trong đó 96 trường hợp hưởng hàm vụ trưởng; vụ phó là 150, trưởng phòng là 76 người và phó phòng là 17", Bộ trưởng Bình nói và nhắc lại: "Cấp phòng cũng có hàm".
Người đứng đầu Bộ Nội vụ cho biết, để giải quyết thực tế trên, từ tháng 6 Bộ đã lập tổ nghiên cứu do Thứ trưởng dẫn đầu để có đánh giá cụ thể.
Tiến tới công khai danh sách cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ
Trả lời băn khoăn của đại biểu Triệu Thị Thu Phương về việc đánh giá cán bộ, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết năm 2014 chưa có số liệu tổng kết vì thông thường ngày 31/12 mới kết thúc năm, nên các cấp mới tiến hành tổng hợp. Tuy nhiên, số liệu năm 2013 đã tổng hợp tương đối đầy đủ, theo đó, cán bộ công chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là hơn 34,3%, hoàn thành tốt là 58,08%, hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế năng lực là 4,94%, và không hoàn thành nhiệm vụ 0,46%. Tỷ lệ viên chức hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc là 34,49%, tốt 50,14% và hoàn thành nhiệm vụ là 8,06%, không hoàn thành nhiệm vụ 0,24%.
Có 23 bộ ngành địa phương báo cáo không có công chức nào không hoàn thành nhiệm vụ. Còn ở các Bộ ngành trung ương, có hai đơn vị báo cáo có công chức không hoàn thành nhiệm vụ...
Như vậy, khi dư luận quan tâm đến việc đánh giá cán bộ, Bộ Nội vụ đã xây dựng nghị định đánh giá xếp loại công chức hàng năm. Tổ chức hội nghị, hội thảo, nghiên cứu, lấy Bộ Nội vụ làm thí điểm để có đánh giá. Qua thực tiễn, Bộ Nội vụ nhận thấy chất lượng cán bộ trong từng cơ quan chưa đồng đều, bố trí phân công công tác chưa cụ thể, rõ ràng. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa sử dụng thường xuyên cơ chế theo dõi, giám sát để đánh giá.
"Tinh thần tự phê bình và phê bình của cán bộ công chức chưa cao, còn tồn tại dĩ hòa vi quý, nể nang, sợ động chạm. Người tự nhận xét thì không trung thực, không dám tự nhận mình yếu kém, chưa hoàn thành nhiệm vụ. Có những nơi phải làm lại 5 lần đánh giá mới chỉ ra được người chưa hoàn thành nhiệm vụ", Bộ trưởng Bình cho hay.
Các phương hướng để giải quyết tình trạng trên được Bộ Nội vụ thực hiện là nâng cao chất lượng, nhận thức của cán bộ, người đứng đầu phải làm gương, và thực hiện nêu gương người tốt, việc tốt. Việc đánh giá này, theo Bộ trưởng Bình, phải đặt dưới sự lãnh đạo của ban cán sự đảng và người đứng đầu.
Một giải pháp nữa cũng được Bộ Nội vụ đặt ra là hoàn thiện thể chế công chức, viên chức, đồng thời các Bộ, ngành khẩn trương xác định vị trí việc làm, xây dựng cơ cấu công chức hợp lý, định ra biên chế phù hợp. Các cơ quan sử dụng công chức phải phân công nhiệm vụ, lượng hóa công việc rõ ràng để dễ đánh giá, phân loại. Người đứng đầu phải quyết đoán trong việc chỉ ra người không hoàn thành nhiệm vụ và tăng cường công tác thanh tra, giám sát, có quy định khen thưởng.
"Việc công bố chỉ số cải cách hành chính hàng năm đã có tác động rất lớn. Chúng tôi sẽ xin ý kiến Thủ tướng, Chính phủ để công khai những cán bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc không hoàn thành nhiệm vụ. Bởi nếu cứ bí mật bên trong thì quýt làm, cam chịu. Với cách làm này, người đứng đầu sẽ thấy được trách nhiệm của mình, từ đó có sự chuyển biến tích cực", ông Bình nói.
Hoàng Thùy