Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Tìm giải pháp cho người mất nhà vì vay vốn đóng tàu

 "Tôi rất cảm xúc khi thấy những hình ảnh ngư dân ngày xưa được vinh danh bây giờ phải ra khỏi nhà do ngân hàng siết nợ", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói khi giải trình tại Quốc hội, ngày 20/11.

Tuy nhiên, theo ông giao dịch giữa ngân hàng và các chủ tàu là kinh tế dân sự. Vấn đề rất phức tạp và không chỉ thuộc trách nhiệm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cũng không chỉ một cơ chế, chính sách của Chính phủ mà giải quyết được.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan giải trình trước Quốc hội sáng 20/11. Ảnh: Media Quốc hội

Từng khảo sát nhiều địa phương, Bộ trưởng Hoan thấy không phải tất cả ngư dân đều không trả được nợ. Có người trả được mà không trả khiến người này dắt dây người kia, chờ đợi nhau.

"Thật sự có chủ tàu lâm vào cảnh nợ nần, nhưng đây là chuyện giữa ngân hàng với chủ tàu. Nghị định 67 sửa đổi hướng tới giải pháp khi chủ tàu không còn khả năng bán tàu cho người khác thì ngân hàng tái cấu trúc nợ", ông Hoan nói.

Hơn nữa, tài sản thế chấp của ngư dân là tàu đánh cá, so với khoản vay ngân hàng chênh lệch nhiều nên khi ngân hàng phát mãi thì giá trị tàu không còn như ban đầu. Ngư dân mong muốn ngân hàng định giá tàu như khi đóng mới, nhưng ngân hàng xác định giá trị thực của tàu ở thời điểm hiện tại.

Vì vậy, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị tỉnh Quảng Nam phối hợp với ngân hàng, ngồi với từng ngư dân vay vốn để có giải pháp. "Chúng ta không thể có chính sách bao trùm hết được bởi có người cần thì không tiếp cận được trong khi có người lợi dụng chính sách", Bộ trưởng nói, cho biết việc chọn người tham gia Nghị định 67 để đóng tàu đã có chuyện không minh bạch.

Trước đó, Phó đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam Dương Văn Phước cho biết nhiều ngư dân trong tỉnh "đang thoi thóp ngụp lặn trong đống nợ ngân hàng" bởi trước đây vay vốn đóng tàu theo chủ trương của Chính phủ.

"Chúng ta nói gọn lại là số nợ của ngư dân vay đóng tàu đến nay khó đòi, trở thành gánh nặng nhưng Chính phủ chưa tập trung giải quyết", ông Phước nói và cho biết Đoàn đại biểu tỉnh Quảng Nam đã kiến nghị Quốc hội đưa vấn đề vào Nghị quyết kỳ họp năm 2023 nhưng Thường vụ Quốc hội giải trình rằng "đây là việc của Chính phủ nên Chính phủ phải có kế hoạch giải quyết".

Vì vậy, đại biểu tỉnh Quảng Nam mong Chính phủ và bộ ngành giải quyết thỏa đáng kiến nghị của cử tri, nhất là những việc tồn đọng nhiều năm.

Chủ trương tạo điều kiện cho ngư dân vay vốn đóng tàu công suất lớn, vươn khơi bám biển, phát triển thủy sản được Chính phủ đề ra năm 2014, thông qua Nghị định 67. Ngư dân đóng mới tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới có tổng công suất máy chính từ 800CV trở lên được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu với lãi suất 7%/năm. Trong đó chủ tàu trả 1%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 6%/năm.

Chương trình được triển khai ở nhiều địa phương như Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Nghệ An... Tuy nhiên, các tàu vỏ thép đánh bắt không hiệu quả, nhiều tàu hư hỏng khiến ngư dân không thể trả nợ, nhiều người phải bán nhà. Nợ xấu của các ngân hàng thương mại liên quan đến tàu vỏ thép mỗi tỉnh lên đến hàng trăm tỷ đồng. Nhiều ngư dân bị thanh lý tàu.

Vấn đề này từng được nhiều đại biểu chất vấn Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhiệm kỳ trước là ông Nguyễn Xuân Cường, nhưng đến nay khoản nợ của ngư dân vay vốn đóng tàu vẫn chưa có giải pháp xử lý.

Viết Tuân


Giày Đại Phát solution
Số người online:
3591
Số người truy cập:
8961735