Bộ Công thương: Tăng giá điện là hợp lý

Trước những băn khoăn, bức xúc của dư luận về điều hành giá điện và xăng dầu trong thời gian qua, tại buổi giao ban báo chí của Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 27-12, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đã cung cấp một số thông tin liên quan.

Lẽ ra giá tăng hơn 11% (!)

Thay vì giải trình chi tiết các thắc mắc của dư luận về việc Tập đoàn Điện lực VN (EVN) đầu tư ngoài ngành kém hiệu quả, quản lý lỏng lẻo dẫn đến tổn thất điện năng, thất thoát tài chính và thu nhập cao, Bộ Công Thương lại tập trung “giãi bày” về chuyện tăng giá điện.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết ngày 20-12, giá điện tăng 5% vẫn chưa đảm bảo cho EVN có lãi trong năm 2012 cũng như chưa đưa vào các khoản lỗ trước đây. Mức tăng dự kiến ban đầu là 11,7% nhưng sau đó Bộ đã cân nhắc giới hạn 5% vì sợ ảnh hưởng việc kiềm chế lạm phát.

Về lương và thu nhập hàng chục triệu đồng của cán bộ, nhân viên công ty mẹ EVN, vị đại diện Bộ Công Thương không lý giải cụ thể mà chỉ nói rằng: “Đơn giá tiền lương là do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính xem xét cho phép. Trên cơ sở này EVN tính toán quỹ tiền lương”.

Bộ Công thương: Tăng giá điện là hợp lý, Tin tức trong ngày, tang gia dien, tang gia xang, gia xang, gia dien, bao, tin nhanh, tin hot, tin tuc

Thi công một đường dây điện tại TP.HCM. Ảnh: HTD

“Biện hộ” giúp Petrolimex

Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, năm 2008, Petrolimex kinh doanh xăng dầu lỗ hơn 11.000 tỉ đồng. Trong năm đó, Nhà nước phải bù lỗ bằng việc rút ngân sách bù lỗ mặt hàng dầu hơn 10.000 tỉ đồng, Bộ Tài chính tạm ứng hơn 1.800 tỉ đồng. Với sự trợ giúp đó, Petrolimex lãi 642 tỉ đồng. Riêng năm 2009, kinh doanh xăng dầu lãi 2.660 tỉ đồng, năm 2010 lỗ 172 tỉ đồng và chín tháng năm 2011 đơn vị này kinh doanh xăng dầu lỗ 2.134 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, giai đoạn từ ngày 1-7 đến 26-8-2011, đơn vị này lãi hơn 130 tỉ đồng. Còn lợi nhuận kế toán trước thuế sáu tháng lỗ hơn 1.300 tỉ đồng nhưng Petrolimex đã báo cáo vống lên là lỗ đến hơn 1.800 tỉ đồng.

Về khoản định mức đại lý mà Petrolimex chi vượt 516 tỉ đồng, Bộ Công Thương phân trần rằng: Ngày 7-4-2011, Bộ Tài chính gửi công văn đề nghị Bộ Công Thương có ý kiến góp ý chỉnh sửa một số quy định chi phí định mức trong Thông tư 234 về cơ chế quản lý sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu. Cụ thể, chi phí bán lẻ bình quân các địa bàn của vùng 1 đối với xăng, dầu diesel và dầu hỏa tối đa là 860 đồng/l (mức cũ 600 đồng), mazut 500 đồng/kg (mức cũ 400 đồng). Tiếp đến, ngày 27-4, Bộ Công Thương đã có công văn phản hồi thống nhất nâng mức chi phí tối đa như trên.

Bộ Công Thương cho biết đối với các địa phương có địa bàn thuận lợi như Hà Nội kiến nghị mức thù lao tối thiểu cho đại lý là 300 đồng/l, TP.HCM là 500 đồng/l. Đối với địa bàn khó khăn, mức thù lao cao hơn như Hà Tĩnh kiến nghị thù lao 1.000 đồng/l mới có lãi. “Việc chậm sửa đổi định mức đã gây khó khăn phân phối. Bộ Công Thương phải yêu cầu Petrolimex chấp nhận lỗ để duy trì hệ thống và không tính khoản chi vượt định mức quy định vào giá xăng” - Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng giải thích.

Phải minh bạch đến cùng

Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu kinh tế-xã hội Hà Nội, cho rằng để giải quyết triệt để và minh bạch đến cùng mặt hàng xăng dầu, quan trọng nhất vẫn là tạo được môi trường cạnh tranh lành mạnh bởi những khoản chênh lệch chi phí nảy sinh không phải do thị trường mà do khai báo. Theo ông Phong, khi có thị trường cạnh tranh thì số liệu báo cáo không còn quan trọng, DN kinh doanh sẽ tìm cách để có chi phí thấp nhất. Thêm nữa, mấu chốt ở đây là tính độc quyền cao, Nhà nước cần tạo điều kiện cho những thành phần khác tham gia thị trường, chấm dứt kiểu tư duy bao bọc “lỗ - bù”.

Q.Như


Giày Đại Phát solution
Số người online:
48164
Số người truy cập:
7672607