'Bộ Chính trị đã nhận khuyết điểm, xin lỗi dân'

Tại Hội nghị tiếp xúc cử tri trước kỳ họp Quốc hội chiều 16/10, nhiều cử tri Hà Nội bày tỏ quan tâm về tinh thần tự phê bình của các cán bộ, đảng viên theo tinh thần Nghị quyết trung ương 4.

"Cán bộ, đảng viên đang quan tâm đến việc triển khai Nghị quyết Trung ương 4. Sáng nay anh em hưu trí ở Ba Đình đã trao đổi về kết quả Hội nghị trung ương 6. Mặc dù nhiều vấn đề chưa được giải quyết song người dân mong mỏi sẽ được giải quyết trong thời gian tới", cử tri Phạm Hữu Thắng, phường Quán Thánh nói.

Tổng bí thư nói chuyện với cử tri Hà Nội. Ảnh: Đoàn Loan.

Theo cử tri Thắng, việc Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn cần phải tiến hành mạnh mẽ hơn. Những thành viên Chính phủ phải được lấy phiếu tín nhiệm định kỳ và cả bất thường. Phiếu đánh giá tín nhiệm chỉ đưa ra 3 mức: tốt, trung bình, thấp.

Cử tri Phan Đức Tuyên, phường Kim Mã, bày tỏ, ông buồn vì một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên ở trung ương và địa phương xa rời lý tưởng cách mạng, tham nhũng tinh vi, đe dọa sự tồn vong của chế độ.

“Tại sao đến nay Trung ương đã có nhiều Nghị quyết phòng chống tham nhũng nhưng chưa ngăn chặn được, đó là vì chưa nhất trí cao, chưa xử lý kịp thời vi phạm, chưa có cơ chế đầy đủ cụ thể phát huy quyền làm chủ của nhân dân”, cử tri Tuyên nhấn mạnh.

Ông Tuyên cho rằng, Đảng và Nhà nước cần mạnh dạn phát huy quyền làm chủ của nhân dân, có quy định cụ thể để tăng quyền hạn cho Hội đồng nhân dân, thay mặt nhân dân giám sát, đánh giá năng lực cán bộ. Ông Tuyên đề nghị nhanh chóng khôi phục Hội đồng nhân dân cấp quận, huyện, phường.


Nhiều cử tri quan tâm đến kết quả Hội nghị trung ương 6. Ảnh: Đoàn Loan.

Cử tri Nguyễn Trọng Duẩn, phường Cống Vị bức xúc về tình trạng các bộ Luật ban hành ra nhưng phải chờ thông tư hướng dẫn do chính bộ ngành liên quan đến luật ban hành. Điều này có thể tạo lợi ích nhóm và nhóm lợi ích. “Tôi mong rằng các luật thống nhất, không đá nhau, và không cần có thông tư hướng dẫn thi hành”, ông Duẩn nhận xét.

Vị cử tri này cũng cho rằng, Luật phòng chống tham nhũng có nhiều điểm phải sửa như không nên "đổ đồng" người nhận hối lộ và đưa hối lộ. Nếu người đưa hối lộ chủ động khai báo thì không xử lý, nếu không, người đưa hối lộ sẽ không dám tố cáo.

Phát biểu trước cử tri quận Ba Đình, Tây Hồ (Hà Nội), Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, chưa bao giờ Đảng có cuộc phê bình và tự phê bình kéo dài như thời gian qua - từ đầu tháng 5 đến tháng 7. Việc kiểm điểm công phu từ khâu chuẩn bị lấy ý kiến, tài liệu (có bộ hơn 2.000 trang), trung ương tiến hành trong 21 ngày. 4 lãnh đạo cấp cao đã được kiểm điểm trong 5 ngày, có một vị tiến hành kiểm điểm trong 2 ngày, sau đó dừng lại bổ sung rồi lại viết kiểm điểm. Ban chấp hành Trung ương đã dành 5 ngày góp ý, bỏ phiếu.

"Lúc đầu thực hiện Nghị quyết trung ương 4, nhiều người phấn khởi nhưng lo không làm được. Hiện nay kết quả kiểm điểm đã cơ bản đạt yêu cầu, song không phải là kết quả cuối cùng mà việc tự phê bình và phê bình vẫn phải làm đi làm lại, thường xuyên”, Tổng bí thư nhấn mạnh.

Tổng bí thư cũng cho hay, tại Hội nghị Trung ương 6, Bộ Chính trị đã xin nhận khuyết điểm trước Ban chấp hành Trung ương, song có ý nghĩa quan trọng hơn là xin lỗi dân và sửa đổi. "Trung ương có khuyết điểm, mong các bác cùng ủng hộ, giúp đỡ”, ông Nguyễn Phú Trọng nói.

Tổng bí thư cho biết, kỳ họp Quốc hội sắp tới sẽ thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh mà Quốc hội bầu, phê chuẩn. Việc bỏ phiếu tín nhiệm cần tiến hành đạt hiệu quả, khách quan, nếu không sẽ có hai chiều hướng xảy ra. Có những lãnh đạo không làm gì để không mất lòng ai, làm tròn vo để đạt tín nhiệm cao, người làm nhiều thì va vấp có khi lại đạt phiếu tín nhiệm thấp. Trường hợp khác là đi vận động, tranh thủ sự đồng tình, hứa hẹn... 

Theo VnExpress


Giày Đại Phát solution
Số người online:
52881
Số người truy cập:
7658997