Bị vận động 'không về quê ăn Tết'

 Gần một năm bám trụ ở Hà Nội, hạn chế về quê để phòng chống dịch nên cô gái 27 tuổi, trú quận Thanh Xuân đang rất nóng lòng được đoàn tụ với bố mẹ trong dịp Tết sắp tới. Nhưng kế hoạch của cô có nguy cơ đổ bể.

Rà một loạt các tỉnh thành trên cả nước, Phương nhận ra không phải địa phương nào cũng giống Thanh Hóa, Quảng Nam... vận động người dân sinh sống, học tập, công tác xa tạm thời không về quê dịp tết nếu không thật sự cần thiết, đặc biệt là trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2022. "Vận động là kiểu 'rất nửa nạc nửa mỡ' khiến những người như tôi đi không được, ở không xong và có cảm giác bị chính quê hương mình kỳ thị", Mai Phương nói với giọng bức xúc. Cô cho rằng, khi cả nước chuyển sang chiến lược thích ứng an toàn với Covid-19 và Việt Nam trong sáu nước phủ vaccine cao nhất thế giới, hành động của TP Thanh Hóa "rất khó hiểu".

"Có người độc miệng còn bảo đi làm xa chẳng mang điều gì tốt đẹp, chỉ đem dịch bệnh để quê nhà mất Tết. Nhưng xa nhà mới hiểu, cả năm chờ mỗi Tết để được gặp cha mẹ mà nói không thật sự cần thiết thì cái gì mới gọi là cần thiết?", Phương nói.

Thấy mỗi ngày Hà Nội đều ghi nhận hơn 2.000 ca nhiễm mới, mẹ Phương giục cô xin nghỉ phép, về từ đầu tháng để cách ly. "Nhưng không cơ quan nào đồng ý, khi cuối năm việc ngập đầu. Muốn về sớm chỉ có nghỉ việc", Phương tâm sự.

Một em bé ngủ trên xe máy, sau khi cha mẹ chở hai ngày trời từ Bình Dương về ngang Đà Nẵng, trưa 10/10. Ảnh:Nguyễn Đông

Một em bé ngủ trên xe máy, sau khi cha mẹ chở hai ngày trời từ Bình Dương về ngang Đà Nẵng, trưa 10/10. Ảnh: Nguyễn Đông

Chung bức xúc, Minh Ánh, 26 tuổi, quê Sơn La tỏ rõ sự lo lắng khi UBND xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ, hôm 30/12 có công văn yêu cầu lao động làm việc ngoại tỉnh có nhu cầu về quê, cần về trước ngày 10/1 (8 tháng Chạp), nhằm đảm bảo cách ly y tế theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Không ở xã Chiềng Yên, nhưng Ánh e ngại các xã, phường sẽ học nhau, chẳng mấy chốc quy định buộc người làm xa về sớm lan rộng toàn tỉnh. "Bắt về quê trước 22 ngày quá vô lý, chẳng khác nào ép người dân nghỉ việc", Ánh nói và cho rằng chính quyền cố tình gây khó dễ, cản trở người dân đoàn tụ gia đình.

Ông Hà Văn Phúc, Chủ tịch UBND xã Chiềng Yên giải thích: "Nếu theo lịch phải 27-28 Tết người dân mới được nghỉ, thời gian theo dõi sức khỏe ngắn, trong khi mọi người lại đi chúc tụng khắp nơi, nguy cơ bùng phát dịch sẽ lớn". Tuy vậy, ngày 4/1 ông Phúc cũng đã có văn bản điều chỉnh, bỏ yêu cầu người lao động về địa phương trước ngày 10/1.

"Việc di chuyển giữa các tỉnh không thể làm bùng dịch, nếu người dân thực hiện nghiêm quy định phong ngừa. Chúng ta cũng không sợ tình trạng dịch lan truyền từ tỉnh này sang tỉnh kia bởi giờ tỉnh nào cũng có", PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội nhận xét. Ông cho rằng việc yêu cầu người dân về sớm để cách ly hay vận động "đừng về quê ăn Tết" không có nhiều hiệu quả phòng chống dịch.

Bên cạnh đó, ông Hùng còn cho rằng, quy định cách ly 14 ngày đối với người về từ vùng dịch ở nhiều địa phương chưa thật sự thỏa đáng, khi người dân đa phần đã tiêm hai mũi vaccine.

Đến giờ Lan Hương, 18 tuổi, ở quận Tân Bình, TP HCM vẫn phân vân nên về hay ở bởi quy định cách ly khi về Thanh Hóa. "Cả năm xa nhà, không về thì nhớ bố mẹ, mà về phải tự cách ly 14 ngày, trong khi chỉ được nghỉ 9 ngày", Hương thở dài và cho biết địa phương ban hành quy định cách ly tại nhà 7-14 ngày, tùy trường hợp, với người đến từ vùng cấp độ 3 và 4. Người dân về từ vùng có cấp độ 1, 2 không phải cách ly, theo hướng dẫn của Bộ Y tế. "Không cấm về, nhưng các biện pháp cách ly chẳng khác gây khó dễ, đường về ngày một càng xa", cô nói.

"Chúng tôi hiểu các gia đình mong chờ Tết Nguyên đán để đoàn tụ, chính quyền xã chỉ tuyên truyền, vận động bằng hệ thống loa, mong bà con nâng cao ý thức phòng dịch, chứ không cấm. Người dân về chúng tôi vẫn đón tiếp và thực hiện các biện pháp phòng dịch theo hướng dẫn", ông Lê Văn Phượng, chủ tịch UBND xã Hoằng Quỳ, huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá nói.

Nhưng theo PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, điều cốt lõi là cần thích ứng an toàn trong điều kiện mới và nâng cao thói quen phòng ngừa, giúp người dân được về quê đón Tết an toàn, thay vì tạo thêm khó dễ.

Không bị vận động "ăn Tết tại chỗ", nhưng Hoài Anh, 28 tuổi, ở quận 3, TP HCM tỏ ra e dè khi một số người ở quê mang tâm lý kỳ thị người về từ nơi có dịch. Cuối tháng 11/2021, cô gái trẻ chia sẻ câu chuyện tự cách ly và điều trị Covid-19 tại nhà lên trang cá nhân. Vài tiếng sau, cô nhận được điện thoại từ mẹ khuyên xoá bài đăng, vì không muốn hàng xóm ở Nghệ An biết chuyện.

"Mẹ nói không muốn láng giềng dị nghị, xa lánh khi tôi về quê ăn Tết. Nếu về cứ lặng lẽ khai báo với chính quyền và cách ly theo quy định", cô gái đã hai năm không về nhà vì dịch, tâm sự.

"Nhưng ở lại cũng là cách bảo vệ cho người thân và chính mình", Mai Hoa, 31 tuổi nhắc về quyết định ở lại Đồng Nai đón Tết thay vì về Nghệ An. Từng ở điểm nóng về dịch và mắc Covid-19, Hoa thấm thía sức tàn phá của virus với sức khỏe và khiến nhiều gia đình mất người thân. Cô nói sẽ ở lại, dù quê hương không hạn chế người dân trở về quê đón Tết Nguyên đán 2022.

Để tránh lời đàm tiếu từ hàng xóm, Hoài Anh bàn tính với bố mẹ về quê từ 23 tháng Chạp để thực hiện cách ly, sau sẽ đóng cửa không tiếp khách trong Tết. "Chắc không ai thoải mái khi đến chúc tết gia đình có người vừa khỏi bệnh, lại về từ TP HCM", cô cười.

Còn với Mai Phương, cô nói dù địa phương vận động ở lại cô vẫn sẽ về và thực hiện cách ly nghiêm chỉnh tại nhà. "Cả năm đi làm, những đứa con xa nhà như tôi chỉ muốn đoàn tụ. Quan trọng là chấp hành tốt các quy định phòng dịch, tuân thủ 5K", cô nói.

Quỳnh Nguyễn


Giày Đại Phát solution
Số người online:
6989
Số người truy cập:
7294392