Bí quyết chọn mua đồng hồ

Đồng hồ điện tử thường chạy chính xác hơn. Nhưng nếu có cơ hội sở hữu một chiếc đồng hồ cơ tự động thì sẽ có nhiều người nhìn bạn bằng ánh mắt ngưỡng mộ hơn. Thật ra thì độ chính xác của đồng hồ điện tử không có nhiều ảnh hưởng đến con người. Chẳng lẽ trong cuộc sống hàng ngày chúng ta cần độ chính xác đến một phần nghìn của giây sao? Thực ra, yếu tố rẻ của đồng hồ điện tử đã khiến các hãng đồng hồ cơ chao đảo trong một thời gian dài.
 
- Tại sao đồng hồ cơ đắt?
 
Vì chi phí sản xuất cao hơn do phải làm nhiều chi tiết hơn; Vì đòi hỏi kỹ thuật tỷ mỉ hơn nên cần đến kinh nghiệm và tay nghề của các thợ sản xuất đồng hồ - cả hai thứ này đều không rẻ; Vì nguyên liệu làm đồng hồ cơ (vàng, đá quý, các kim loại đặc biệt) đắt tiền hơn; Và vì chế độ bảo hành phức tạp do có nhiều chi tiết hơn; Hệ thống phân phối với số lượng ít hơn thì giá sẽ cao hơn.
 
- Mặt đồng hồ nào là tốt nhất?
 
Mặt làm bằng nhựa tổng hợp dễ bị đàn hồi và xước nhưng dễ đánh bóng, làm mới. Mặt thuỷ tinh khoáng không đàn hồi (chống nước tốt), khó xước hơn nhưng nếu đã bị xước thì chỉ còn cách thay mới. Mặt bằng saphia chống xước tốt nhất (chỉ xước nếu bị cọ với kim cương) nhưng cũng đắt nhất.
 
- Những gì cần quan tâm khi mua đồng hồ đắt tiền?
 
Nên mua hàng tại các cửa hàng đại lý chính thức, hỏi kỹ về chế độ bảo hành, nếu có điều kiện thì lên mạng, vào website của hãng đó và các trang chuyên về đồng hồ đeo tay để tham khảo giá, hỏi bạn bè và những người có kinh nghiệm về các tính năng và cấu tạo máy bên trong. Quan trọng nhất vẫn là xác định rõ bạn thực sự cần gì ở cái đồng hồ đó.
 
- Đồ giả, đồ thật?
 
Cẩn thận với hàng xách tay và đồ làm bằng tay. Nếu bạn gặp một chiếc đồng hồ làm bằng phương pháp thủ công mà giá có vài trăm USD thì đừng nên tin tưởng. Giá đồ thật không bao giờ dưới 20.000 USD. Công nghệ làm giả bây giờ tinh xảo đến mức có thể đánh lừa được cả các chuyên gia. Tốt nhất là mua ở đúng cửa hàng chính hãng hoặc đại lý phân phối chính thức.
 
- Chống nước hay chịu nước?
 
Người ta chỉ có thể ngăn không cho nước lọt vào bên trong đồng hồ, nghĩa là chống nước chứ không thể nào đảm bảo đồng hồ vẫn chạy khi nước đã lọt vào bên trong máy. Theo Uỷ ban thương mại Hoa Kỳ thì các nhà quảng cáo đồng hồ không được phép quảng cáo sản phẩm của mình là "waterproof" cho dù đó là đồng hồ chuyên dụng cho thợ lặn. Tuy nhiên một số hãng vẫn cứ đề như vậy trên vỏ máy khiến nhiều người hiểu lầm.
 
Đơn vị đo chỉ số chống nước in hoặc khắc trên đồng hồ là M (mét). Các ký hiệu khác có thể gặp là BAR hoặc ATM (chỉ áp suất trong nước mà đồng hồ đeo tay chịu được). Mỗi BAR hay ATM tương đương với 10M.
 
Theo đó, 50M: đeo được lúc bơi bình thường. 100M: đeo được lúc lặn, tất nhiên là đừng sâu quá. 200M: bạn có thể cùng lặn đến độ sâu không quá 40m. 1.000M: nghĩa là 1km đấy nhé. Chỉ số này chỉ có ở đồng hồ lặn chuyên nghiệp, loại có gioăng đặc biệt và van thoát khí heli. 10.000M: không bao giờ có loại đồng hồ chịu nước sâu đến thế. Hoặc đồng hồ bạn cầm là đồ giả, hoặc ai đó đang đùa bạn đấy.

 

(sanhdieu)

Giày Đại Phát solution
Số người online:
23466
Số người truy cập:
9067343