Khác với những phạm nhân mà chúng tôi gặp trong Trại giam số 5, Thanh Hóa, Đặng Lan Giang lúc nào cũng đượm vẻ u buồn và từng trải. Có lẽ những câu chuyện buồn và dư âm của nó vẫn khiến người đàn bà này chưa thể nguôi quên? Nhưng dù sao, sự trăn trở, u buồn và từng trải đó là của người đàn bà biết thân phận, biết nhìn về con đường phía trước. Chị đã viết những trang tự sự về cuộc đời cay đắng của mình.
Chị nói: “Tôi viết ra đây, những gì mà cuộc đời tôi đã trải qua. Sai lầm của tôi cũng giống như sai lầm của bạn. Cho đến khi nó xảy ra, ta mới nhận thấy, thì đã phải trả một cái giá quá đắt. Từ bài học của cuộc đời tôi, tôi nhận ra rằng, tiền tài - địa vị chỉ là phù du. Nếu không biết bằng lòng với bản thân, bằng lòng với những gì ta có, để chạy theo nó, thì nó sẽ dẫn ta rơi xuống vực sâu, mà không có cách nào leo lên được. Và khi đã bị cuộc đời nhấn chìm ta xuống, nếu ta buông xuôi, ta sẽ bị chết chìm dưới đáy. Hối hận hay đau khổ chỉ làm cho ta thêm bi quan, tuyệt vọng mà thôi. Phải gắng gượng đứng lên, phải tự cứu lấy mình, đừng chờ đợi một bàn tay đưa ra cứu giúp. Ánh sáng ở cuối đường hầm, hãy mạnh dạn, tin tưởng bước đi, bạn sẽ tìm ra nó".
Cố quên đi quá khứ
Đặng Lan Giang kể cho chúng tôi nghe câu chuyện từng ám ảnh chị, câu chuyện về người đàn bà và cái nồi nhỏ.
"Một lần tôi bị ốm, tôi rất buồn và tuyệt vọng. Lúc đó có một chị phạm nhân an ủi tôi, và kể về cuộc đời chị, câu chuyện của chị khiến tôi bị ám ảnh. Chị chịu án dài hơn tôi, già yếu hơn tôi, hoàn cảnh hơn tôi, tình cảnh khiến chị phạm tội cũng oái oăm. Chị bị án về ma túy. Chị cho thuê địa điểm, cho mượn đồ dùng để chưng cất ma túy đó là cái chảo to, chính là tài sản lớn nhất của chị lúc đó. Sau khi bị bắt, người nhà liên lạc được với chị câu đầu tiên chị hỏi, họ có trả cái nồi cho mình không?
Khi nghe câu chuyện chị khiến tôi thức tỉnh, tôi nghĩ rằng, cuộc đời người phụ nữ này có cái gì để mất khi tài sản lớn nhất chị giữ gìn yêu quý hơn cả nghĩ về cuộc sống của mình là cái nồi đun. Thế mà chị vẫn sống tốt, vẫn hy vọng ngày trở về hòa nhập với thế giới.”
Đặng Lan Giang đã cầm bút viết một mạch những dòng suy nghĩ của mình. Từ một giáo viên thể thao khỏe mạnh, xinh đẹp, Giang đã vùi chôn đời mình trong những bước đi lầm lỡ. Hai lần ly hôn, hai lần, những người đàn ông chị yêu thương mang lá đơn ly hôn vào tận buồng giam buộc chị phải ký. Người đàn bà tuyệt vọng, mất niềm tin, mất phương hướng. Giang viết: Đừng bao giờ đánh mất niềm tin. Niềm tin sẽ cho bạn sức mạnh để tồn tại, ngay cả khi bạn lâm vào hoàn cảnh nghiệt ngã nhất. Đây là câu danh ngôn mà tôi luôn mang theo mình, để nhắc nhở bản thân khi gặp thất bại, chán nản, muốn buông xuôi, tuyệt vọng.
Phải! Tôi đã từng đánh mất niềm tin vào cuộc sống, vào tương lai, vào con người, đánh mất bản thân, thả trôi mình theo dòng xoáy.
Tôi không muốn nhắc lại quá khứ, tôi đã tập lãng quên, hay nói đúng hơn, tôi không đủ can đảm để đào xới lại vết thương lòng, vì nó luôn khiến tôi đau lòng nhức nhối khi mỗi lần nhắc lại. Một người đàn bà sống hết mình, yêu hết mình, để bây giờ chỉ còn lại nỗi ân hận, xót xa, cay đắng. Đằng sau một con người là một cuộc đời, một số phận. Mà đằng sau cuộc đời của một nữ phạm nhân, có ai không có một số phận éo le, trắc trở. Nhưng chúng tôi là ai? Và phạm tội vì cái gì đi chăng nữa thì vào tù là hết, là mất tất cả, chỉ còn lại sự cay đắng, ê chề, cô độc mà thôi.
Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại. Mọi chuyện ào đến với cuộc đời tôi rất nhanh. Nhanh đến nỗi, tôi chưa kịp biết đến hạnh phúc, chưa kịp nếm dư vị của cuộc sống giàu sang thì tai họa đã giáng xuống cuộc đời tôi. Tất cả cứ như một giấc mơ. Cho đến khi cánh cửa buồng giam đóng sầm lại, tôi mới tỉnh mộng say. Vâng, vì say mà chúng tôi phạm tội: kẻ say tiền, kẻ say tình, kẻ mịt mù khói trắng. Còn tôi? Tôi say tiền hay say tình? Để bây giờ thành một kẻ trắng tay, phải sống gần cả cuộc đời trong tù hãm. Tôi không oán trách ai, chỉ tự trách bản thân mình đã quá u mê, có những lựa chọn sai lầm.
Giá như tôi biết an phận, biết lựa sức mình thì bây giờ tôi đang có một gia đình hạnh phúc. Con trai tôi sẽ không phải thiệt thòi, côi cút, thiếu sự yêu thương chăm sóc của ba mẹ. Và tôi, sẽ không phải ở đây, đau khổ và bất lực thế này.
Nhiều người sẽ cho rằng, tại sao tất cả những phạm nhân, khi vào trại mới biết ân hận, sám hối. Tại sao họ không thể sống tốt hơn khi còn tự do”.
Giấc mơ đổi đời
Tác giả cùng hai phạm nhân ở Trại giam số 5, Thanh Hóa.
Tốt nghiệp đại học, Giang mang giấc mơ phố thị như nhiều cô gái quê khác, quyết tâm ở lại lập nghiệp ở Thủ đô.
Giang lấy chồng, cũng một anh nhà giáo nghèo. Đồng lương giáo viên còm cõi, cứ kẽo kẹt nuôi cả gia đình trong sự bức bối tiền bạc. Giang ôm mộng thoát nghèo, bỏ nghề dạy, bỏ cả niềm đam mê thể thao mà cô theo đuổi từ ngày còn nhỏ và bước chân vào thương trường môi giới bất động sản. Cô bị cuốn theo giấc mộng làm giàu, tiền bạc cũng dần đầy lên. Có lúc cô tự mãn với hạnh phúc của mình, và cho rằng đó là một quyết định đúng. Nhưng khi tiền đầy lên thì tình cũng vơi dần. Giang lao vào công việc. Không có thời gian cho gia đình. Và cô gặp cú sốc đầu tiên khi biết tin chồng có bồ.
"Chán nản, thất vọng về gia đình, tôi lao vào kinh doanh, như con thiêu thân lao vào lửa mà không hề biết sợ. Tôi tham gia vào các phi vụ mua bán các công trình, dự án xây dựng, đưa người đi xuất khẩu lao động. Đó là hai lĩnh vực không thuộc chức năng của công ty và nằm ngoài tầm hiểu biết của tôi. Ban ngày, công việc bộn bề cuốn tôi đi, ban đêm tôi cô đơn trong căn nhà quá rộng. Nhất là những buổi chiều mùa đông, là lúc chim bay về tổ, là lúc người người vội vã trở về mái ấm của mình. Chỉ còn tôi, lái xe, lang thang, vô định, đi đâu, về nhà hay ở đâu, tôi cũng chỉ một mình. Lúc đó, tôi chỉ ước, có thể trở lại được ngày xưa. Nhưng làm sao quay ngược được thời gian, làm sao tìm lại được những gì đã mất.
Cũng trong thời điểm đó, thì một người đàn ông đã đến bên tôi. Anh là một người đàn ông từng trải, tự tin và thành đạt. Tôi thấy mình thật sự nhỏ bé khi ở bên anh. Anh quan tâm đến tôi và cu Bi rất chu đáo. Anh luôn biết tôi cần gì và muốn gì. Mà tôi cũng chỉ là một người đàn bà yếu đuối, tôi cũng cần có một bờ vai mạnh mẽ để dựa vào khi mỏi mệt. Và tôi đã tìm thấy bờ vai đó ở anh. Từ sự ngưỡng mộ, tôi đã yêu anh thật sự.
Từ bé, tôi chỉ biết đến thể thao và đi học, lớn lên chỉ biết gia đình và công việc, ít giao lưu bạn bè, có trong tay tiền tỷ, mà không biết mấy những nhà hàng sang trọng, chưa đi du lịch bao giờ. Tôi giống như một mảnh đất hoang màu mỡ và anh là người khai phá. Anh đưa tôi đi du lịch khắp nơi, đến việc ăn gì ở đâu, mặc cái gì, anh đều là người dẫn dắt. Anh luôn cho tôi cảm giác được yêu thương, trân trọng, ở bên anh, tôi thấy mình thật sự là đàn bà. Mặc dù anh đã có gia đình riêng, nhưng anh biết dung hòa, khéo léo khiến tôi không cảm thấy thiệt thòi.
Tôi yêu anh mà không cần danh phận, tôi sẽ là một người đàn bà yên lặng đi bên anh suốt cả cuộc đời. Tôi thay anh quan tâm đến bố mẹ, chị ấy và hai đứa con của anh. Tôi yêu anh và tôi yêu cả gia đình của anh mà không hề ghen tỵ. Chúng tôi cùng mua nhà, mua xe ô tô. Vì tôi xác định suốt cuộc đời này tôi sẽ là của anh. Tôi sẽ là một tổ ấm thứ hai để anh tìm về khi mỏi mệt. Khi yêu thì người ta thề thốt đủ thứ. Anh và tôi thề với nhau rằng: Lỡ nếu mai này, một trong hai đứa gặp nạn, thì đứa còn lại sẽ có trách nhiệm chăm sóc cho đứa kia và các con của nhau. Tôi đã luôn mang theo niềm tin vào tình yêu và con người ấy”.
Những lá đơn nghiệt ngã
Nhưng cuộc sống đâu phải lúc nào cũng bình yên. Công việc làm ăn đổ bể, Giang bị bắt vào tù. Nhưng đó chưa phải là tận cùng của bi kịch. Người đàn bà này đau đớn, bỏi trong những lúc cùng quẫn đó, những người đàn ông chị yêu thương đều ngoảnh mặt làm ngơ.
"Trong hơn một năm tôi bị giam giữ, chỉ có bố mẹ và em trai tôi gửi đồ tiếp tế. Chồng tôi và anh đều biệt vô âm tín. Đó là chuỗi thời gian tôi sống trong tuyệt vọng và mất hết niềm tin vào con người, vào cuộc sống. Đã không ít lần tôi tìm đến cái chết, để mong được giải thoát. Tôi là nỗi ô nhục của gia đình, mẹ đã quá xấu hổ đã xin nghỉ hưu sớm, vì không thể đứng trên bục giảng, dạy dỗ học trò, trong khi con mình như thế. Từ một vận động viên thể thao khỏe mạnh, tôi bị suy sụp về tinh thần, ăn ngủ thất thường, dẫn đến suy nhược cơ thể và hàng loạt bệnh tật kéo theo sau đó. Những lúc khó khăn, đau ốm, chỉ có bố mẹ và con trai ở bên cạnh tôi. Chồng tôi, một năm đưa con lên thăm một lần qua quýt cho tròn trách nhiệm.
Còn anh - người đàn ông đã từng cùng tôi thề non hẹn biển, là người nói sẽ không bao giờ rời xa tôi, dù có bất kỳ điều gì xảy ra, cũng đến thăm tôi với hàng loạt những lý do cho những khó khăn bên ngoài mà anh đang phải chịu đựng. Có lẽ anh sợ bị liên lụy, sợ phải chịu trách nhiệm với cuộc đời tôi, sợ bị mất đi những thứ mà từ khi tôi bị bắt, anh đã coi nó thuộc về mình. Đồng tiền có thể thay đổi mọi thứ. Tôi bật cười, khi thấy mình đã quá ngây thơ khi tin vào lời hứa của đàn ông trong lúc say tình. Cuộc đời đen bạc thật! Tiền bạc ư? Nó còn có ý nghĩa gì với một người, ngay cả mạng sống cũng không còn muốn giữ như tôi chứ?”.
Cô cay đắng ký vào hai lá đơn. Một tờ giấy thỏa thuận giữa cô và người tình, không còn vướng mắc hay nợ nần gì nhau và lá đơn ly hôn chồng mang vào tận buồng giam. Nhưng có lẽ, chính trong tận cùng của bi kịch, người phụ nữ vốn mạnh mẽ này đã khóc cạn nước mắt và biết đứng lên.
"Tôi không khóc, nhưng nỗi đau cứ gặm nhấm khiến tôi suy sụp. Bệnh tật một lần nữa lại quật ngã tôi. Trong những ngày nằm bệt ở trạm y tế trại, các chị em đồng phạm luôn ở bên tôi, động viên tôi cố gắng. Ban Giám thị, cán bộ vào động viên, thăm hỏi. Rồi bố ra thăm tôi, nhìn tôi tàn tạ đi ra trên chiếc xe lăn bố đã khóc. Tôi chợt thấy mình có lỗi rất nhiều. Bố gầy và già đi nhiều quá. Vì tôi mà bố mẹ chưa một ngày sống bình yên.
Lẽ ra giờ này bố mẹ đã được an nhàn, vậy mà vẫn phải còng lưng để nuôi con, nuôi cháu. Vậy còn tôi thì sao? Tôi đã quá ươn hèn, yếu đuối, không dám đối diện với sự thật để can đảm vượt qua. Giọt nước mắt lăn dài, từ biệt bố quay vào, tôi tự hứa phải quyết tâm đứng dậy, sẽ phải sống kiên cường khỏe mạnh. Niềm vui trong công việc cứ thế cuốn tôi đi, thời gian hình như trôi nhanh hơn, tôi thấy cuộc sống không còn vô nghĩa nữa”.
Câu chuyện của phạm nhân Đặng Lan Giang cũng là bi kịch của nhiều cô gái trẻ trong xã hội hiện đại, khi họ không cưỡng lại được sự cám dỗ của đồng tiền. Để rồi nước mắt, để rồi sám hối khi mọi sự đã quá muộn màng…