Bị đâm bởi kim tiêm nghi ngờ HIV xử lý ra sao?

 
 
Khi một người bị đâm phải kim có dính máu tươi, bị bắn dịch tiết cơ thể hoặc máu tươi của người có HIV vào các vùng niêm mạc mắt, vết thương trên người thì người ấy xem như trong tình trạng phơi nhiễm HIV, nghĩa là có khả năng bị nhiễm HIV. Việc xử trí ban đầu là rất cần thiết và điều trị dự phòng phơi nhiễm là không thể bỏ qua.
 
Xử lý vết thương tại chỗ
 
Cần bình tĩnh xử lý theo những bước sau:
 
1. Nhanh chóng lấy các dụng cụ gây tổn thương, chảy máu ra khỏi cơ thể
 
2.  Để vết thương tự chảy máu hoặc nặn, vuốt nhẹ và để vết thương dưới vòi nước sạch đến khi hết chảy máu. Tránh cầm máu hoặc bịt chặt vết thương và tuyệt đối không được kỳ cọ ngay chỗ vết thương,
 
3. Sau đó, rửa vết thương bằng xà phòng và nước sạch, rồi sát trùng bằng các dung dịch sát khuẩn như: Dakin, Javel 1/10 hoặc cồn 70 độ trong thời gian ít nhất 5 phút.
 
Nếu bị máu hoặc dịch tiết của người có HIV bắn vào mắt, mũi, cần rửa mắt hoặc rửa mũi liên tục bằng nước sạch trong khoảng 5 phút, bằng cách chớp mắt và ngâm khịt mũi trong ca nước sạch. Nếu bị bắn vào môi, miệng thì cần xúc miệng bằng nước sạch trong vòng 5 phút.
  
Bơm tiêm đã sử dụng vứt bừa bãi dễ gây họa cho người khác. Ảnh minh họa: Internet
  
Đánh giá nguy cơ phơi nhiễm
 
Không phải mọi sự cố liên quan HIV đều có thể mang đến tình trạng phơi nhiễm.
Nếu máu và dịch tiết của người có HIV bắn vào những vùng da lành, không bị tổn thương hay trầy xước thì không có nguy cơ bị lây nhiễm.
 
Nếu ở da có tổn thương nông, không chảy máu hoặc chảy máu ít; hoặc máu và chất dịch cơ thể của người có HIV bắn vào vùng niêm mạc không bị tổn thương viêm loét.thì nguy cơ lây nhiễm thấp.
 
Riêng trường hợp da có tổn thương sâu, rộng, chảy nhiều máu, máu và chất dịch cơ thể của người có HIV bắn vào các vùng da, niêm mạc bị tổn thương viêm loét rộng có sẵn thì có nguy cơ lây nhiễm cao.
 
Những xét nghiệm cần làm
 
Trước hết là xét nghiệm máu để kiểm tra xem người bị nạn đã có HIV chưa. Có thể bắt đầu điều trị ngay khi chưa có kết quả xét nghiệm nhưng nếu có kết quả xét nghiệm là dương tính thì phải dừng điều trị phơi nhiễm ngay.
 
Kế đến là xét nghiệm nguồn lây nhiễm (kim tiêm, dao, kéo… gây tai nạn), nếu kết quả xét nghiệm là âm tính thì không cần điều trị.
 
Tuy nhiên, cần nghĩ đến khả năng người gây tai nạn là người nghi có HIV đang ở trong giai đoạn cửa sổ, các xét nghiệm chưa tìm thấy kháng thể kháng HIV trong nguồn lây nhiễm. Nếu đúng là người có HIV trong giai đoạn cửa sổ thì phải theo dõi sát việc xét nghiệm HIV ở cả người gây nạn và người bị nạn.
 
 
Nhiều đối tượng đe dọa bằng kim tiêm có HIV
 
Sáng 1-12,  Trung tá Nguyễn Duy Định, Đội trưởng Đội Điều tra ma túy - Công an Q.2 (TPHCM) kể rằng khi thực hiện chuyên án 306H truy bắt các đối tượng mua bán, sử dụng ma túy và dẫn giải về trụ sở, một đối tượng đã chống cự dữ dội 2 trinh sát khiến cả 3 bị trầy xước. 
 
Sau đó, xét nghiệm máu của đối tượng này cho kết quả HIV dương tính. 2 trinh sát bị thương đã phải vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới điều trị phơi nhiễm theo đúng phác đồ trong 6 tháng. Hiện, 1 chiến sĩ đã chuyển công tác khỏi đội.
 
* Gần đây, vào ngày 10-11, anh Lê Hoàng Dân (SN 1975, Phó ban bảo vệ dân phố P.Bình An, Q.2) cùng cảnh sát khu vực Lê Thanh Trung xuống địa bàn KP1, P.Bình An bắt đối tượng Nguyễn Quân (SN 1990) về tội tàng trữ sử dụng ma túy trái phép. Khi dẫn giải ra xe, bất ngờ Quân cắn mạnh vào tay anh Dân. May mắn là xét nghiệm máu của Quân cho kết quả không bị nhiễm HIV.
 
* Trước đó, trưa 4-10, chị Lê Thảo Vân vào rút tiền tại máy ATM trên đường Trần Quốc Thảo (Q.3 - TPHCM), bất ngờ đối tượng nghiện ma túy Nguyễn Minh Triết (SN 1980, ngụ Q.6) lăm lăm ống kim đầy máu xông vào đe dọa buộc chị Vân phải đưa tiền và điện thoại di động. Chị Vân đành phải đưa tài sản của mình, rồi bùng cửa bỏ chạy và truy hô quần chúng vây bắt Triết.
 
 
Đối tượng Phạm Văn Khánh dùng kim tiêm cướp 2 xe taxi
 
* Cuối tháng 8 vừa qua, trong đêm 27 và 28-8, trên địa bàn Q.Thủ Đức - TPHCM đối tượng Phạm Văn Khánh (SN 1989, quê Nam Định) dùng kim tiêm đe dọa: “tao nghiện xì ke và bị sida…” để cướp tiền và taxi của hãng Vinasun từ tài xế Bạch Tấn Đạt (SN 1973); và 1 taxi của hãng Mai Linh từ  tài xế Lê Thanh Huyền (SN 1970), đã bị quần chúng và công an vây bắt…
 
Đăng Lê
 
Cần điều trị phơi nhiễm HIV ngay
 
Cần tiến hành điều trị ngay cho người bị phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng siêu vi. Đặc biệt, những người có nguy cơ lây nhiễm cao cần được điều trị sớm; tốt nhất là từ 2 đến 6 giờ sau khi bị phơi nhiễm và không điều trị muộn, sau quá 72 giờ kể từ khi gặp tai nạn. 
 
Thời gian điều trị dự phòng phơi nhiễm phải kéo dài liên tục trong 4 tuần. Riêng việc dùng thuốc, thường là sử dụng phối hợp 2 loại thuốc kháng siêu vi.
 
Những lưu ý khi điều trị phơi nhiễm HIV
 
- Việc dùng thuốc kháng vi rút phải có y lệnh của bác sĩ, tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định của bác sĩ, phải theo đúng các phác đồ điều trị phơi nhiễm HIV, phải có sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ và cần làm các xét nghiệm như huyết đồ, chức năng gan, thận… vì ngoài tác dụng điều trị, thuốc kháng vi rút còn gây ra nhiều tác dụng phụ.
 
-  Xét nghiệm HIV lại sau 10 tuần kể từ thời điểm bị phơi nhiễm hoặc có yếu tố nguy cơ. Nếu kết quả xét nghiệm là âm tính, có thể yên tâm rằng không bị lây nhiễm HIV trong tình huống đó.
 
Tóm lại, khi bị phơi nhiễm HIV cần bình tĩnh, xử lý đúng cách và uống thuốc đúng theo phác đồ thì rất ít khả năng có HIV. Nếu lo lắng qúa, chỉ có hại, sẽ gây suy sụp tinh thần và thể chất, không chỉ làm giảm sức đề kháng cơ thể mà còn tạo điều kiện cho bệnh phát triển nhanh hơn nếu có HIV.
BS TRƯƠNG HIẾU NGHĨA

Giày Đại Phát solution
Số người online:
22528
Số người truy cập:
7428393