Bệnh SXH: Chớ lơ là khi trẻ hết sốt

 
 
Theo báo cáo của Viện Pasteur TPHCM, từ đầu năm 2010 đến nay, 20 tỉnh thành phía Nam có 68.731 người mắc Sốt Dengue/ Sốt xuất huyết Dengue, trong đó trẻ dưới 15 tuổi chiếm khoảng 60%. Tuy nhiên, với kinh nghiệm đã có trong việc điều trị bệnh này nên số ca tử vong chỉ là 71.
 
Trong những tuần gần đây, số ca SXH có chiều hướng giảm nhưng ở một số nơi vẫn còn mưa hoặc có triều cường nên những vùng này vẫn có nguy cơ cao mắc bệnh SXH. Nếu chủ quan không phòng ngừa và phát hiện sớm, trẻ có thể bị SXH nặng.
   
Muỗi vằn đang đốt người
  
Lưu ý diễn tiến bệnh ngày thứ 3-6 
 
Sốt xuất huyết (SXH) Dengue là bệnh nhiễm siêu vi cấp tính do 4 týp huyết thanh vi-rút Dengue gây ra. Bệnh có thể gây tử vong nhanh chóng và hiện vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có thuốc chủng ngừa.
 
SXH lây từ người bệnh sang người lành do bị muỗi Aedes Agypti (muỗi vằn) đốt. Muỗi này sống trong nhà, đẻ trứng trong nước sạch, đốt trẻ vào ban ngày và sẩm tối. Tất cả mọi người từ trẻ sơ sinh đến người lớn đều có thể mắc SXH. Hiện tuổi mắc bệnh đang có chiều hướng tăng.
 
Khi trẻ sốt cao 2 ngày trở lên phải nghĩ đến SXH và nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và theo dõi. Bệnh diễn ra theo 3 giai đoạn:
 
Giai đoạn 1: 3 ngày đầu
 
Trẻ sốt cao liên tục khiến trẻ mệt mỏi, biếng ăn, có khi bị co giật. Trẻ lớn có thể than nhức mỏi tay chân, đau đầu.
Khi dùng thuốc hạ sốt đường uống hoặc nhét hậu môn, do tác dụng của thuốc, có thể trẻ sẽ giảm sốt nhiều hoặc hết sốt vài tiếng đồng hồ rồi sốt cao trở lại; nhưng cũng có khi thuốc không thể đưa nhiệt độ cơ thể về mức bình thường.
 
Giai đoạn 2:  ngày thứ 3-6
 
Phần lớn trẻ sẽ hết sốt. Nếu không có hiểu biết về bệnh SXH, gia đình tưởng trẻ khỏi bệnh, cảm thấy nhẹ nhõm và an tâm; nhưng thật ra, trong vòng 24 - 48 giờ sau khi hết sốt (thường là ngày thứ 3 đến ngày thứ 6 của bệnh) là thời gian nguy hiểm nhất. Hầu như tất cả các trường hợp SXH nặng có sốc, có biến chứng đều xảy ra trong khoảng thời gian này.
 
Vì vậy, trong giai đoạn này, đặc biệt là khi trẻ hết sốt, gia đình cần chăm sóc trẻ sát sao để phát hiện những dấu hiệu báo động bệnh chuyển nặng như: Ói nhiều; Đau bụng; Lừ đừ, bứt rứt, lạnh tím tay chân, vã mồ hôi; hoặc có dấu hiệu xuất huyết bất thường.
 
Nếu có 1 trong những dấu hiệu nêu trên, phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay; nếu trẻ đang nằm viện thì phải báo ngay cho điều dưỡng và bác sĩ.
 
Khoảng hai phần ba trẻ bị SXH có giai đoạn 2 khá êm đềm rồi chuyển sang giai đoạn 3 và hết bệnh; nhưng cần lưu ý là khoảng một phần ba trẻ bị SXH chuyển biến phức tạp trong giai đoạn 2, thường có những biến chứng nguy hiểm và đôi khi dẫn đến tử vong.
 
Giai đoạn 3: ngày thứ 7- 8
 
Trẻ bắt đầu hồi phục, ăn được hơn và bắt đầu chịu chơi đùa. Một số trẻ có dấu hiệu hồi phục đặc biệt - “ban hồi phục”, da đỏ ửng, xuất hiện rất nhiều chấm đỏ li ti, kèm theo ngứa, thường xuất hiện ở chân, tay. Trong thực tế, đã có nhiều thân nhân lo sợ, đưa trẻ đến bệnh viện vì những biểu hiện này.
 
Chăm sóc tại nhà khá đơn giản
 
Để hạ sốt, nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt Paracetamol, không nên dùng các loại thuốc như Aspirin, nhóm nonsteroid, corticoid… Có thể kết hợp lau mát toàn thân bằng nước ấm cho trẻ. Đây là biện pháp hạ nhiệt rất hữu hiệu. Khi lau, không nên vắt khăn quá khô, nên đắp khăn ở những nơi như hõm nách, vùng bẹn.
 
Ngoài ra, nên khuyến khích trẻ uống nhiều nước chín nguội, nước trái cây, nước Oresol để phần nào bù nước đã bị thất thoát do thân nhiệt cao. Nên cho trẻ ăn thức lỏng, dễ tiêu và nghỉ ngơi, không chơi đùa quá sức. Điều quan trọng là phải tái khám theo đúng lịch hẹn và báo rõ những biểu hiện bệnh của trẻ cho bác sĩ.
 
Đối với trẻ dưới 12 tháng, trẻ dư cân, béo phì, khi mắc SXH bệnh có thể diễn biến phức tạp, khó lường. Vì vậy, nên cho trẻ đến khám ở các cơ sở có chuyên khoa nhi, bác sĩ sẽ cho nhập viện sớm để theo dõi sát và can thiệp kịp thời các biến chứng.
  
Nhân viên y tế đang phun thuốc diệt muỗi. Ảnh: Internet
  
Phòng bệnh không khó
 
Bệnh SXH hoàn toàn có thể phòng tránh một cách hiệu quả. Trước hết là ngừa không cho trẻ bị muỗi đốt như cho trẻ ngủ mùng ban ngày, mặc áo dài tay, thoa kem chống muỗi…
 
Ngoài ra, cần tích cực diệt muỗi, diệt lăng quăng (bọ gậy). Muỗi truyền bệnh Aedes Agypti là loại muỗi sống trong nhà hoặc chung quanh nhà, đẻ trứng ở những chỗ chứa nước sạch như: lu vại, bình cắm hoa, những vật dụng phế thải vứt quanh nhà chứa đựng nước mưa… Vì thế cần phát quang sạch sẽ, thoáng đãng quanh nhà và dọn dẹp những lu vại, đồ chứa, miểng sành… tránh để tạo thành những nơi tồn đọng nước thích hợp cho muỗi phát triển…
ThS-BS Lê Bích Liên (Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1)

Giày Đại Phát solution
Số người online:
32344
Số người truy cập:
9075347